Đường sắt tốc độ cao - Xương sống của nền kinh tế Nhật Bản
Shinkansen là phương tiện giao thông nổi bật nhất của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh, được coi là niềm tự hào của Nhật Bản. Shinkansen là mạng lưới đường sắt cao tốc của Nhật Bản kết nối nhiều thành phố lớn và trung tâm dân cư trên khắp cả nước.
Lần đầu tiên được khánh thành vào năm 1964 phục vụ Đại hội Thể thao Olympic Tokyo, hệ thống này báo hiệu sự trỗi dậy của Nhật Bản như một nền kinh tế phục hồi và bùng nổ.
Kể từ khi khánh thành, Shinkansen đến nay đã có chiều dài tổng cộng khoảng 3.000km đường ray, trải dài khắp Nhật Bản, vận chuyển hành khách nhanh chóng, hiệu quả và tiện nghi.
Shinkansen không chỉ giúp giao thông nhanh hơn và hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy đáng kể nền kinh tế của đất nước. Giới chuyên gia và quan chức Nhật Bản nhận định Shinkansen đã đóng một vai trò tối quan trọng trong sự chuyển mình của kinh tế-xã hội Nhật Bản.
Những đặc điểm nổi bật của đường sắt tốc độ cao
Đề cập đến việc những đặc điểm chính của đường sắt tốc độ cao Nhật Bản, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Tanaka Yuki, Cục trưởng cục các vấn đề quốc tế-Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, nêu bật mức độ đúng giờ cao và độ an toàn.
Bà nêu ví dụ tuyến Tokaido Shinkansen của JR Central, có 372 chuyến tàu/ngày (năm tài chính 2023), trong giờ cao điểm tại Ga Tokyo trung bình 3 phút/chuyến, một trong những lịch trình bận rộn nhất thế giới. Tuy nhiên, thời gian chậm trễ trung bình của mỗi chuyến tàu là 1,6 phút, bao gồm cả thời gian chậm trễ do thiên tai...
Mức độ đúng giờ cao này một phần là do các tuyến Shinkansen của Nhật Bản về cơ bản dành riêng cho các chuyến tàu chở khách tốc độ cao, với các đường ray hoàn toàn tách biệt với các chuyến tàu chở khách và tàu chở hàng thông thường.
Bên cạnh đó, cách thức quản lý thời gian biểu cũng là một yếu tố quan trọng giúp Shinkansen có mức độ đúng giờ cao. Trong khi thời gian biểu cho hành khách được viết theo "phút", thì thời gian biểu cho các thành viên đội lái tàu được viết theo "gia số 15 giây."
Nếu có sự chậm trễ dù chỉ là nhỏ nhất, một báo động sẽ được gửi đến Trung tâm Kiểm soát chung Shinkansen. Các thành viên đội lái tàu và mỗi nhà ga làm việc chăm chỉ để khôi phục dịch vụ theo hướng dẫn của trung tâm kiểm soát. Thời gian biểu chi tiết và những nỗ lực của các nhà điều hành đường sắt hỗ trợ đội lái tàu góp phần rất lớn vào việc các đoàn tàu Shinkansen chạy đúng giờ.
Tuy nhiên, bà Tanaka Yuki cho rằng việc có nên hướng tới mức độ đúng giờ giống như Nhật Bản hay không sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng quốc gia. Trường hợp không giả định hoạt động vận chuyển tần suất cao như ở Nhật Bản, tình trạng tàu chậm trễ sẽ không ảnh hưởng lớn đến các chuyến tàu tiếp theo. Do đó, việc đảm bảo đúng giờ đến mức cao như Nhật Bản cần thiết đến mức độ nào sẽ tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia để xác định.
Một đặc điểm nổi tiếng nữa của hệ thống đường sắt cao tốc Nhật Bản là tính an toàn. Shinkansen của Nhật Bản có mức độ an toàn đặc biệt cao mặc dù mật độ vận chuyển cao, không có tai nạn chết người nào do sự bất cẩn của người vận hành đường sắt trong 60 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1964.
Bà Tanaka Yuki cho biết trong khi đường sắt thông thường có đường ngang, đường sắt cao tốc loại bỏ các đường ngang này bằng cách sử dụng phân cách cấp độ để ngăn người và các chướng ngại vật khác xâm nhập vào đường ray. An toàn đạt được bằng cách kết hợp các hệ thống điều khiển tàu sử dụng phát hiện vị trí và kiểm soát tốc độ để duy trì khoảng cách an toàn giữa các đoàn tàu.
Tàu Shinkansen của Nhật Bản chạy với tốc độ cao trên các đường ray chuyên dụng, vì vậy tận dụng được lợi thế là không cần phải cân nhắc đến va chạm với các tàu khác hoặc ôtô. Khi xảy ra động đất, hệ thống phát hiện động đất sớm sẽ xác định tác động của động đất lên Shinkansen và phanh khẩn cấp sẽ được kích hoạt để giảm tốc độ và dừng tàu.
Định vị từ góc độ tầm nhìn phát triển toàn diện quốc gia
Đề cập đến vai trò và những lợi ích mà hệ thống đường sắt tốc độ cao đem lại cho Nhật Bản, bà cho biết Shinkansen là hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, hoạt động với tư cách là xương sống của đất nước.
Việc xây dựng tuyến đường này đã mang lại những tác động tích cực rõ rệt như rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển; tăng đáng kể lượng khách du lịch và khách công tác đến các khu vực dọc tuyến; phát triển khu vực và phục hồi kinh tế. Hệ thống Shinkansen được đánh giá là đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao vào những năm 1960.
Theo bà Tanaka Yuki, tuyến tàu Shinkansen Hokuriku nối tỉnh Nagano với tỉnh Kanazawa), được khai trương vào năm 2015, đã ghi nhận lượng hành khách tăng gấp ba lần trong năm đầu tiên kể từ khi ra mắt. Giá đất xung quanh Ga Kanazawa đã tăng gấp đôi kể từ khi nhà ga mở cửa và khu vực này đang chứng kiến lượng khách du lịch dọc tuyến đường ngày càng tăng, dẫn đến sự hồi sinh của khu vực.
Ngoài ra, ở một số khu vực, có những trường hợp Shinkansen tác động làm thay đổi cách di chuyển của người dân, chẳng hạn như việc chuyển từ đi máy bay sang đi tàu Shinkansen.
Bà Tanaka Yuki cho biết khi xây dựng tuyến Shinkansen tại Nhật Bản, các kế hoạch phát triển được quyết định sau nhiều cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên luật pháp và quy định về địa hình, địa chất, phát triển cơ sở vật chất và công nghệ toa xe, chi phí xây dựng...
Ngoài ra, mỗi đơn vị khai thác đều tiến hành nhiều cân nhắc khác nhau, chẳng hạn như đánh giá tác động môi trường dựa trên Đạo luật đánh giá tác động môi trường, thu hồi đất cho địa điểm xây dựng theo kế hoạch, phát triển dọc theo tuyến đường sắt để tạo ra lợi ích kinh tế và phát triển nguồn nhân lực để vận chuyển an toàn.
Việc xây dựng Shinkansen đã được thực hiện sau khi xem xét cụ thể từ góc độ tầm nhìn phát triển quốc gia. Bà cho biết Kế hoạch Phát triển Không gian Quốc gia của Nhật Bản định vị Shinkansen là mạng lưới giao thông đường bộ tốc độ cao cốt lõi sẽ hỗ trợ xương sống của quốc gia và việc xây dựng Shinkansen đang được xem xét kết hợp với phát triển toàn diện quốc gia.
Theo bà Tanaka Yuki, khi Shinkansen lần đầu tiên được xây dựng ở Nhật Bản, việc xây dựng cũng vấp phải các ý kiến chỉ trích. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn được thúc đẩy và kết quả là Shinkansen đã trở nên một phần không thể thiếu của Nhật Bản ngày nay. Bà cho rằng chính sự nhiệt tình của các kỹ sư, chính trị gia và những người liên quan khác trong việc quyết tâm xây dựng Shinkansen đã dẫn đến việc hoàn thành được hệ thống đường sắt tốc độ cao này.
Shinkansen đã mang lại sự giàu có và thịnh vượng cho các thành phố và khu vực được kết nối bằng dịch vụ này. Hệ thống đường sắt tốc độ cao này đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, thúc đẩy du lịch, tăng cơ hội kinh doanh, phát triển kinh tế vùng, cải thiện cơ sở hạ tầng và góp phần vào nỗ lực của Nhật Bản nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Có thể nói Shinkansen đã cách mạng hóa cách mọi người đi lại ở Nhật Bản và tác động tích cực của Shinkansen đối với nền kinh tế của đất nước là rõ ràng. Đó là lý do mà Shinkansen được gọi là xương sống của nền kinh tế Nhật Bản.