Chính phủ Nga mâu thuẫn về chính sách, hướng đi nào để bảo vệ nền kinh tế?
Đau đầu vì lạm phát
Trong một năm trở lại đây, ít có đồng tiền nào giảm giá mạnh hơn ruble của Nga. Tháng 9/2022, 1 USD đổi được hơn 60 ruble. Trong những ngày gần đây, 1 USD có thể mua tới gần 100 ruble.
Sự mất giá của đồng nội tệ gây tổn hại tới niềm tự hào của người dân Nga, bởi họ coi một đồng tiền mạnh là biểu tượng của một quốc gia hùng mạnh. Việc này cũng gây ra căng thẳng trong chính phủ Nga.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Nga đang muốn thực hiện những chính sách trái chiều nhau. Tình hình kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực chiến đấu của Nga tại Ukraine.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các quan chức Nga đã ngăn nền kinh tế sụp đổ. Đồng nội tệ của Nga rớt xuống mức 135 ruble/USD, sau đó lại phục hồi. Nền kinh tế lao dốc rồi được cải thiện. Nhờ doanh thu dầu khí khổng lồ, Bộ Tài chính Nga đã nâng đỡ nền kinh tế bằng cách vung tiền chi tiêu cho quốc phòng và phúc lợi.
Xuất khẩu năng lượng tích cực cũng giúp giá ruble đi lên, làm giảm chi phí nhập khẩu và xoa dịu áp lực lạm phát. Trong năm 2022, giá tiêu dùng ở Nga tăng 14% và GDP thực giảm 2% - tốt hơn nhiều so với các dự báo trước đó.
Giai đoạn mới của cuộc chiến khiến các quan chức phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Bộ Tài chính Nga đang muốn hỗ trợ nền kinh tế. Tờ Bloomberg đưa tin Moscow dự định tăng chi tiêu quốc phòng từ 3,9% lên 6% GDP.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng muốn tăng cường chi tiêu cho an sinh xã hội. Ông Putin hẳn muốn thấy nền kinh tế tăng trưởng tốt trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024.
Nhưng ngân hàng trung ương Nga có ưu tiên khác. Đồng ruble mất giá gây thêm áp lực lên lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh nhập khẩu gia tăng. Lạm phát giá tiêu dùng tháng 9 của Nga đạt 5,5%, cao hơn hẳn mức 4,3% ghi nhận vào tháng 7.
Diễn biến trên buộc Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina phải hành động. Các nhà hoạch định chính sách Nga đã gây chấn động thị trường khi tăng lãi suất 3,5 điểm % vào tháng 8. Sang tháng 9, Nga tăng lãi suất thêm 1 điểm % nữa, lên 13%.
Song, lãi suất cao gây rắc rối cho Bộ Tài chính. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Lãi suất chính sách tăng cũng kéo chi phí vay đi lên, ảnh hưởng tiêu cực với những người mua nhà và bản thân chính phủ.
Ông Putin muốn tạo ra kỳ tích phi thường là bảo vệ đồng ruble mà không tăng thêm lãi suất. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Hai ý tưởng chính đang được xem xét là kiểm soát đồng tiền và tăng cường xuất khẩu năng lượng. Theo tờ Economist, cả hai giải pháp đều khó có khả năng thành công.
Chính phủ Nga muốn ngăn người dân đưa tiền ra khỏi đất nước. Hôm 20/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Alexei Moiseev ám chỉ rằng chính phủ đang các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy sang tất cả các quốc gia khác, ngay cả những nước được coi là “thân thiện” với Moscow.
Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của các biện pháp trên có lẽ không lớn. Các công ty xuất khẩu của Nga đã xây dựng được những tổ chức vận động hành lang lớn.
Một cựu thứ trưởng Nga cho biết những công ty thống trị ngành năng lượng, nông nghiệp và khai thác mỏ rất giỏi trong việc tìm ra các lỗ hổng trong quy định kiểm soát tiền tệ.
Cuộc chiến trên mặt trận kinh tế
Nga có thể sẽ phải cân nhắc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường. Nhưng hơn một nửa lượng dự trữ trị giá 576 tỷ USD của nước này đang bị phương Tây đóng băng. Việc sử dụng nửa còn lại cũng không hề dễ dàng bởi dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chưa kể, dự trữ ngoại hối sẵn có của Nga đã giảm 20% so với giai đoạn trước chiến sự. Do đó, biện pháp này cũng chỉ có thể bảo vệ đồng ruble trong một thời gian ngắn.
Ngoài tăng lãi suất, cách duy nhất để hỗ trợ đồng ruble là tăng cường xuất khẩu năng lượng. Trên lý thuyết, Nga có lợi thế nhờ đà tăng của giá dầu thô. Kể từ tháng 7, các đợt cắt giảm sản lượng của Arab Saudi đã giúp giá dầu Brent tăng gần 30% lên khoảng 95 USD/thùng.
Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có lẽ sẽ không tiếp tục gia tăng. Giá dầu thô đã sụt giảm trong những ngày gần đây trong bối cảnh chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nguồn cung của các nước ngoài OPEC tăng mạnh, tờ Wall Street Journal cho biết. Thị trường tương lai cũng báo hiệu rằng giá dầu thô sẽ đi xuống trong phần lớn năm 2024.
Tin xấu khác đối với Nga là giờ đây nước này phải kiếm nhiều tiền hơn từ dầu mỏ chỉ để duy trì tổng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng. Nguyên nhân là doanh thu từ khí đốt đã sụt giảm sau khi nước này khóa van đường ống chính tới châu Âu.
Chừng nào lạm phát chưa được xử lý, xung đột giữa Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Nga sẽ ngày càng gia tăng. Mong muốn tăng chi tiêu của chính phủ trước kỳ bầu cử sẽ buộc ngân hàng trung ương phải kéo lãi suất lên cao ngất hoặc bỏ cuộc, dẫn đến lạm phát nhảy vọt.
Hoặc, Tổng thống Putin có thể giảm chi tiêu quân sự nhưng các kế hoạch cho năm 2024 cho thấy ông không mặn mà với ý tưởng đó. Cuộc chiến với Ukraine diễn ra càng lâu, các khó khăn kinh tế của Nga sẽ càng nhân lên gấp bội.