|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại với Mỹ có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng nợ tại Trung Quốc

08:27 | 22/07/2018
Chia sẻ
Giới đầu tư Trung Quốc đã tin tưởng vào các lời đảm bảo chính thức từ phía chính phủ rằng đồng nhân dân tệ sẽ vững chắc như pháo đài nhưng nay họ không còn cảm thấy như vậy và lại tìm cách đưa tiền ra nước ngoài.
chien tranh thuong mai voi my co the cham ngoi mot cuoc khung hoang no tai trung quoc 4 vũ khí cực mạnh giúp Trung Quốc thắng Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, không có khả năng Trung Quốc sẽ cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ để đáp lại lời đe dọa về thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Trước tiên, Mỹ hiện chưa đưa ra bất kỳ yêu sách cụ thể nào để Trung Quốc có thể đáp ứng. Tuy nhiên, cách Trung Quốc phản ứng có thể gây ra tác dụng phụ: một cuộc khủng hoảng nợ.

Thoạt nhìn, thuế suất bổ sung 25% đối với các mặt hàng máy móc và hàng điện tử trông như một loại thuế vô hình đánh vào hành vi offshore (chuyển sản xuất ra nước ngoài). Việc tập trung vào những ngành mà các nhà sản xuất từ Mỹ đang phát triển mạnh tại Trung Quốc như chất bán dẫn và các thành phần hạt nhân đã gợi nhớ lại lời hứa của ông Trump vào năm 2016: đánh thuế “bất kỳ ngành kinh doanh nào rời bỏ đất nước chúng ta”.

Hành vi offshore lúc này dường như không phải là mục tiêu. Với việc áp đặt thuế quan mới lên các mặt hàng xuất khẩu giá trị thấp chủ yếu liên quan đến chuỗi giá trị của châu Á, vấn đề như nằm ở chỗ Trung Quốc bán các mặt hàng giá rẻ mà Mỹ có thể mua.

Chính quyền Trump hiện có vẻ như muốn thu hẹp mức thâm hụt tài khoản vãng lai (đang ở mức 2,4% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2006 – 2007) trong khi Cục Dự trữ liên bang tăng trần lãi suất.

Khủng hoảng đã bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc. Ngày 13/7, đồng Nhân dân tệ chạm mức 6,725 NDT đổi 1 USD, yếu nhất trong năm và thấp hơn 5% so với hồi tháng 5.

Một động thái như vậy không gây rúng động lớn đối với các đồng tiền ít bị kiểm soát. Nhưng với Nhân dân tệ, ổn định lại là nguyên tắc chủ yếu trong những lời hứa hẹn của giới lãnh đạo Trung Quốc với người dân, và tỷ giá hối đoái được quản lý chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tin tưởng vào các lời đảm bảo chính thức từ phía chính phủ rằng đồng Nhân dân tệ sẽ vững chắc như pháo đài, nhưng nay họ không còn cảm thấy chắc chắn nữa và lại tìm cách đưa tiền ra nước ngoài.

Tháng 5 vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm trong dòng vốn ròng và dự trữ ngoại hối tại Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự tụt dốc trong hình ảnh mà Trung Quốc đang cố thể hiện: một nền kinh tế được điều hành tuyệt vời đến nỗi sự tăng trưởng GDP như một vầng thái dương chói lọi mà các đám mây như sụt giảm thương mại, việc làm, tiêu dùng cũng không thể che khuất được.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác: Chỉ số Shanghai Composite giảm 7% trong một tháng, xuống dưới lằn ranh đỏ của chính phủ (3000) lần đầu tiên kể từ tháng 9/2016. Trái phiếu doanh nghiệp cũng sắp đạt kỷ lục về số lượng mất khả năng chi trả nhiều nhất trong một năm.

Lợi suất của các trái phiếu lãi cao đang tăng vọt. Điệp khúc lo lắng về nợ nần dần đạt đỉnh, với các tin bài mỗi ngày về các chính phủ không thể trả lương cho nhân viên hoặc không thể đáp ứng các nghĩa vụ hưu trí. Bất động sản đang giảm giá ở một số thành phố và đóng băng ở một số khác, nơi chính phủ không có cách giải quyết nào khác ngoài việc ra lệnh dừng các giao dịch, một nỗ lực vô hiệu giống như bít lỗ vỡ đê bằng cách đút ngón tay vào đó.

Nguy cơ gánh nặng nợ khổng lồ sẽ kéo nền kinh tế vào suy thoái là rõ như ban ngày. Tuy nhiên rất khó để có được một ước tính chính xác các khoản nợ, vì quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc giữ một hình tượng bất bại đã khiến các định chế tài chính phải đẩy các khoản nợ vào những kênh mập mờ khác.

Tuy nhiên, xét trên bất kỳ một tiêu chuẩn đánh giá nào, số tiền cho vay mới mỗi năm cũng tăng nhanh hơn so với mức phát triển của nền kinh tế và lãi suất của các khoản nợ mới vượt quá mức tăng GDP. Nói cách khác, toàn bộ nền kinh tế là một mô hình Ponzi (mô hình kim tự tháp, giống bán hàng đa cấp).

Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc sở hữu tất cả mọi thứ, bao gồm cả các ngân hàng, và chỉ cần in thật nhiều đồng Nhân dân tệ để giữ cho nền kinh tế có khả năng thanh toán. Có một lỗ hổng trong lập luận, đó là vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Đồng Nhân dân tệ hoạt động như trung gian giữa nền kinh tế trong nước và quốc tế, và giá trị của nó là một vấn đề giữa cung và cầu.

Mô hình Ponzi được duy trì bởi việc phân tán đồng USD rẻ thông qua các kênh hợp pháp hoặc bất hợp pháp, và vấn đề bây giờ là cấu trúc thặng dư đó đang biến mất và nguồn tiền “nóng” từ Mỹ tìm kiếm lợi nhuận tại Trung Quốc ngày càng ít đi.

Khi USD vào, Ngân hàng trung ương Trung Quốc mua chúng và phát hành đồng Nhân dân tệ. Nếu phải phát hành nhiều Nhân dân tệ hơn số USD tương đương đã chảy vào thì sẽ tạo ra lạm phát, và lạm phát là một chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc.

Trở về với Trump và cuộc chiến thương mại của ông, ẩn dưới một mớ hỗn độn các động cơ thương mại là một ý tưởng cơ bản đã có từ rất lâu của phe cánh hữu thuộc đảng Cộng hòa: nước Mỹ đã phải chi trả quá nhiều cho vai trò lãnh đạo thời hậu chiến tranh thế giới II dưới chế độ tiền tệ Bretton Woods (*); đặt nước Mỹ đi đầu có nghĩa là nước Mỹ phải tiến lên một mình.

Bản vị USD (chế độ lấy USD làm chuẩn) chứ không phải các chính sách giao dịch đã củng cố hệ thống thương mại toàn cầu. Mỹ xem các khoản thâm hụt thương mại như là hậu quả của mong muốn sở hữu một loại tiền tệ có thể thống trị kinh tế toàn cầu chứ không phải là nạn nhân của các chính sách lợi dụng của Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của bản vị vàng vào nửa đầu thế kỷ 19 là nền tảng chính yếu của sự phát triển nền thương mại toàn cầu. Nhưng sự sụp đổ của nó, bắt đầu từ năm 1913, cũng đã dẫn đến sự sụp đổ giao dịch toàn cầu.

Sau hội nghị Brenton Woods, đồng USD đã tiếp quản như một tiêu chuẩn toàn cầu, và khi cố tổng thống Richard Nixon khiến cho đồng USD không cần đảm bảo bằng vàng nữa, nó đã trở thành một đồng tiền pháp định thuần túy. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể đưa ra bất kì tỷ giá hối đoái nào trên khắp thế giới để hỗ trợ cho mức tăng trưởng kinh tế quốc gia và cải thiện lối sống của mình dù chúng vượt qua mức thu được từ năng suất thực. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng muốn Nhân dân tệ làm được điều tương tự.

Rất dễ để coi sự sụt giảm giá trị của đồng Nhân dân tệ là một chiến lược để làm giảm hậu quả của đợt áp thuế quan của Mỹ. Sự thật thì cán cân luồng vốn (đầu tư trực tiếp, gián tiếp, các khoản đầu tư khác) lại là nguồn nhập khẩu vào Trung Quốc lớn hơn nhiều lần so với cán cân vãng lai (xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi dịch vụ, các khoản thu nhập, v.v…). Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ cố gắng kéo giảm tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn.

Các nhà chức trách Trung Quốc còn có nhiều mối quan tâm như lượng vàng dự trữ, sự thành công của đợt ra mắt trên sàn chứng khoán của Xiaomi Corp. và Ant Financial, và phát hành các trái phiếu sinh lời hơn là các công ty tư nhân và công ty phần lớn thuộc nước ngoài vốn chiếm ưu thế trong xuất khẩu.

Cho tới bây giờ, Trung Quốc đã xoay xở để giữ cho lượng nợ xấu khổng lồ của nước này thanh toán được nhờ vào các nguồn đầu tư nước ngoài, khi chính sách nới lỏng định lượng đã giúp đưa nhiều USD hơn vào thị trường thế giới.

Bong bóng tín dụng Trung Quốc vỡ tan là điều không thể tránh khỏi nếu có một chính sách USD chặt chẽ hơn. Khi điều đó xảy ra, đồng Nhân dân tệ sẽ phải giảm giá sâu. Điều này sẽ gây ra tình trạng giảm phát trên thế giới. Nó cũng sẽ dẫn đến phần đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu bị sụt giảm, làm giảm đáng kể nhu cầu hàng hóa của quốc gia, giảm bớt vai trò của nước này trên chính trường thế giới.

Phần lớn hoạt động thương mại của Trung Quốc thật sự không công bằng. Tuy nhiên, sự bất công bắt nguồn từ trợ cấp vô hạn định của Trung Quốc cũng tương tự bất công đến từ chính sách của Mỹ ưu tiên cho các tập đoàn lớn với người trả giá là các công nhân.

Cả hai đều là các vấn đề khó đề cập đến, khó hơn nhiều so với việc trừng phạt xuất khẩu. Không ai được lợi khi Trung Quốc co lại và hướng nội. Ông Trump nên cẩn cận với những gì mình muốn.

(*): Hội nghị tiền tệ Bretton Woods do Mỹ khởi xướng năm 1944 đã đưa ra chế độ tiền tệ Bretton Woods thừa nhận USD là đồng tiền chuẩn, có thể sử dụng USD cho thanh toán quốc tế, ngoại thương và các quan hệ đối ngoại khác không hạn chế.

Xem thêm

Phương Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.