Chiến lược khi VN-Index tiến sát vùng 1.400 điểm: Điều chỉnh là cơ hội
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên mở cửa tuần đầy hưng phấn khi chinh phục thành công ngưỡng 1.380 điểm chỉ trong những phút đầu giao dịch. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt thị trường, tiêu biểu là nhóm ngân hàng, thép. Chỉ số tăng xấp xỉ 10 điểm trong tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Sang phiên thứ Ba (12/10), chỉ số duy trì đà tăng gần 4 điểm và tiếp cận ngưỡng 1.400 điểm trong đầu phiên sáng. Tuy vậy, sự phân hóa dần được mở rộng ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, thép,...chìm trong sắc đỏ khiến VN-Index quay về mức hỗ trợ 1.390 điểm.
Dù chịu áp lực bán mạnh, VN-Index vẫn cho thấy tín hiệu tích cực khi ngược dòng thành công, đóng cửa tăng nhẹ 0,71 điểm lên 1.394,8 điểm (+0,05%).
Tâm lý giao dịch của nhà đầu tư nhìn chung cũng đã trở nên lạc quan hơn đáng kể so với giai đoạn trước đây,thể hiện qua khối lượng giao dịch trong những phiên gần đây được duy trì ở mức cao. Tuy thanh khoản thị trường giảm nhẹ trong phiên 12/10 nhưng là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán ra là không nhiều.
Đánh giá tương đối lạc quan về xu hướng thị trường trong giai đoạn tới, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch ra sao trong giai đoạn này?
SSI: Nhịp điều chỉnh ngắn là cơ hội tích lũy cổ phiếu
Theo góc nhìn từ khối phân tích của SSI, sau khi chính thức vượt qua Mô hình Tam giác cân, VN-Index đã nằm trong xu hướng tăng. Vì vậy, chỉ số có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên với mục tiêu đầu tiên là vùng đỉnh trước nằm tại vùng 1.425 điểm.
Trong phiên 12/10, VN-Index hồi phục nhẹ vào cuối phiên và đóng cửa gần mức tham chiếu. Trong khi đó, khối lượng giao dịch giảm nhẹ và cho thấy áp lực bán ra là không mạnh nên xu hướng tăng vẫn được duy trì. Các nhịp điều chỉnh ngắn sẽ tạo ra cơ hội để nhà đầu tư mua vào.
Maybank Kim Eng: Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao
VN-Index có một phiên giằng co và dù đóng cửa vẫn giữ sắc xanh phiên thứ 7 liên tiếp, đây có thể xem là một nhịp nghỉ của chỉ số sau liên tục 6 phiên tăng khá mạnh trước đó. Sau liên tục nhiều phiên tăng, việc áp lực chốt lời ở mức lớn hơn cũng là điều khó tránh khỏi, MBKE cho rằng trạng thái giằng có sẽ vẫn có thể còn trong vài phiên tới, dù vậy triển vọng ngắn hạn của chỉ số vẫn đang ở mức lạc quan.
Trong thời gian tới, thử thách thật sự dành cho đường giá sẽ tại vùng 1420 điểm - khu vực đỉnh lịch sử của chỉ số. Kháng cự gần nhất tại 1350 điểm - vùng di chuyển của MA-50.
Thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn neo cao hơn đôi chút mức trung bình 20 ngày, do có sự đóng góp từ "tân binh" SHB trong hai ngày gần đây.
Theo MBKE, thanh khoản tại HOSE hiện vẫn đang giữ mức trung bình và vẫn cần có thêm sự cải thiện để củng cố đà tăng của giá. Trạng thái kỹ thuật của VN-Index đang ở mức lạc quan nhưng một số phiên giằng co có thể là điều cần tính đến trong các ngày tới.
MBKE khuyến nghị nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong bối cảnh hiện nay và thực hiện chiến lược để lãi chạy với tỷ trọng đề xuất là 30% tiền/70% cổ phiếu.
VCBS: Cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trụ
VN-Index đang cho thấy dấu hiệu tích cực khi chính thức vượt 1.380 điểm sau 3 lần thất bại trước đó. Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện và duy trì ở mức cao cũng phần nào thể hiện tâm lý giao dịch tương đối lạc quan trên thị trường.
Nếu chỉ số chung có thể giữ vững mốc 1.380 điểm trong những phiên tới thì nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt chú trọng vào nhóm cổ phiếu "trụ" đóng vai trò dẫn dắt chỉ số.
Đồng thời cũng nên chọn lọc và đưa vào danh mục đầu tư dài hạn một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với nền tảng tài chính lành mạnh và triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Cơ hội ở các cổ phiếu đã có nền tích lũy tích cực
VN-Index giằng co với diễn biến tranh chấp giữa dòng tiền và áp lực bán chốt lời. Động thái tranh chấp này là diễn biến tự nhiên của thị trường sau nhịp tăng nhanh. Nhìn chung VN-Index vẫn đang trong xu thế tích cực ngắn hạn.
Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tranh chấp hiện tại để cơ cấu danh mục hợp lý, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại các cổ phiếu đã có nền tích lũy tích cực.