Chiến lược ‘đinh’ của các cửa hàng tiện lợi Đông Nam Á: Đi thẳng vào dạ dày khách hàng!
Nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Đông Nam Á đang mở rộng các mặt hàng thực phẩm, đồ ăn tươi sống để "dụ dỗ" khách hàng từ những cửa hàng truyền thống và đẩy mạnh doanh số.
Nikkei cho rằng chiến lược này đang giúp nhiều chuỗi thu được trái ngọt ở các thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh là chìa khóa thúc đẩy
Cửa hàng tiện lợi Mynews.com ở Malaysia phục vụ đồ ăn ngay tại quầy thu ngân. (Ảnh: Inspire)
Doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong các cửa hàng tiện lợi tại Đông Nam Á, bao gồm cả đồ ăn tươi, sống, tăng với tốc độ kỉ lục 8% trong năm ngoái, theo Nielsen.
Số lượng cửa hàng tiện lợi được ghi nhận ở mức 74.000 tính đến năm 2018, và đang tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm.
Tăng trưởng doanh số mạnh được thúc đẩy bằng việc bổ sung nhiều quầy hàng thực phẩm, đồ ăn hướng tới nhóm khách hàng mua sắm ít nhưng mua sắm thường xuyên, cùng với đó là bổ sung thêm nhiều mặt hàng chăm sóc cá nhân.
Thực phẩm hiện quan trọng với nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đến mức rất nhiều trong số đó đã trở thành "đối thủ của một số chuỗi nhà hàng ăn nhanh lớn hơn", theo chia sẻ của giám đốc điều hành Nielsen Vaughan Ryan.
Sự tập trung vào đồ ăn, thực phẩm thực sự được thể hiện rõ rệt ở Malaysia bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi ghi nhận doanh số tăng trưởng 17% cho ngành hàng tiêu dùng nhanh, cao nhất trong khu vực.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương và Nhật Bản đầu đang đi đầu xu hướng khi giới thiệu cả những khu vực uống cà phê trong cửa hàng và thậm chí triển khai mô hình cửa hàng chỉ bán thực phẩm, đồ ăn.
Con đường ngắn nhất chinh phục khách hàng là đi qua dạ dày
Thực phẩm trở thành động lực phát triển của nhiều cửa hàng tiện lợi, (Ảnh: Inspire)
Mynews Holdings, đơn vị đang vận hành khoảng 480 cửa hàng tiện lợi Mynews.com ở Malaysia, đã mở một nhà máy thực phẩm gần Kuala Lumpur hồi tháng 6 để sản xuất bánh mì và cơm nắm Nhật Bản mang thương hiệu của chính mình.
Nhà máy này là một khoản đầu tư liên doanh trị giá khoảng 24 triệu USD với các công ty Nhật Bản, bao gồm công ty vận hành chuỗi nhà hàng Gourmet Kineya, công ty sản xuất bánh mì Ryoyupan và nhà đầu tư Inspire. Nó hiện có khoảng 200 nhân công.
Nhà máy mới là một nỗ lực của Mynews Holdigns trong việc "phát triển kinh doanh và cùng lúc đưa sự tiện lợi lên một nấc mới", CEO Dang Tai Luk nói. Nhà máy này sẽ có công suất đủ phục vụ 600 cửa hàng tuy nhiên hiện chỉ tập trung vào Kuala Lumpur và một số khu vực lân cận, nơi có mật độ cửa hàng Mynews lớn nhất.
Ở nhiều cửa hàng Mynews, các nhân viên thu ngân trông giống như những nhân viên làm bánh sandwich hơn với snack và đồ chiên ăn nhanh xếp xung quanh.
Tháng 10 năm ngoái, Mynews giới thiệu concept Maru Kafe với mục đích phục vụ cà phê và xây dựng không gian ăn uống phong cách bên trong cửa hàng.
Như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, người Malaysia có truyền thống ăn ngoài hàng ngày cả các khu chợ ẩm thực.
Thế nhưng, khi dân số đang thành thị hóa ngày càng cao và thu nhập tăng lên, "khách hàng sẽ thích tìm đến những phong cách sống mới", Eigo Ogiwara, giám đốc điều hành Boston Consulting Group nói.
Cũng theo Ogiwara, một số cửa hàng tiện lợi đã chứng minh được họ có thể thu hút khách hàng nhờ các sản phẩm tươi, ngon và tốt cho sức khoẻ.
Các công ty Nhật Bản cũng đóng một vai trò quan trọng trong mở rộng thị trường thực phẩm ăn nhanh, ông nhận định thêm. "Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc khiến đồ ăn ngon mắt hơn thông qua các hoạt động logistic và sản xuất".
Thực tế, động thái thay đổi của Mynews được lấy cảm ứng từ chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản từ năm 2016. Để khác biệt hóa với đối thủ 7-Eleven, lúc đó, FamilyMart tập trung vào thực phẩm tươi, sống thay vì các mặt hàng nói chung.
Món oden (bánh cá hầm) của họ trở thành một "quả bom tấn" của thị trường với hơn 1.000 đơn hàng hàng ngày ở mỗi cửa hàng. Món kem tại đây cũng rất được yêu thích.
Các món tươi, dùng ngay đóng góp một nửa doanh số bán hàng cho FamilyMart tại Malaysia và góp phần thúc đẩy sự mở rộng 100 cửa hàng trong gần hai năm vỏn vẹn. Họ thậm chí còn mở một cửa hàng chỉ bán đồ ăn trong một siêu thị và dự kiến sẽ mở rộng mô hình này.
Với FamilyMart, đồ ăn tươi mang lại nhiều lợi nhuận hơn nhờ giá linh hoạt. Với oden, có giá 3 ringgit, "không có một đối thủ tương đương nào, vì thế chúng tôi có thể chọn giá thành", Taro Kosaki, giám đốc bộ phận kinh doanh quốc tế của FamilyMart, cho hay.
Dựa vào thành công ở Malaysia, FamilyMart đang cố gắng bổ sung thêm các mặt hàng thực phẩm tươi ở nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Ông Kosaki cho biết các cửa hàng tiện lợi có thể lấp khoảng trống mà các khu chợ ẩm thực để lại khi đi xuống vì nhiều lý do, trong đó có các quan ngại liên quan đến an toàn thực phẩm.
Hợp tác thay vì cạnh tranh với các nền tảng công nghệ và trực tuyến
FamilyMart ở IOI City Mall chỉ bán đồ ăn. (Ảnh: FamilyMart)
7-Eleven cũng đang củng cố doanh số bán hàng ở Đông Nam Á, theo một người phát ngôn. Họ đang có 16.000 cửa hàng tại 5 thị trường thuộc khu vực này.
7-Eleven Nhật Bản, với kinh nghiệm thành công ở mặt hàng thực phẩm, vẫn thường xuyên gửi đội ngũ đến Việt Nam và Singapore hàng tháng để giúp cải thiện chất lượng và phát triển các sản phẩm mới.
Các cửa hàng tiện lợi hiện đang là kênh bán lẻ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau thương mại điện tử, trong đó ngành hàng FMCG để lại dấu ấn đậm nét. Không tính Singapore, ngành thương mại điện tử mới chỉ chiếm được 1% doanh số ngành hàng FMCG ở Đông Nam Á.
Với mật độ dày, các cửa hàng tiện lợi còn thực sự có lợi thế ở các thành số với giao thông tắc nghẽn như Bangkok, Manila hay Jakarta. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc thương mại điện tử vô hại.
"Khi thương mại điện tử phát triển, các cửa hàng vật lý phải thay đổi và các chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng phải làm vậy", Nick Miles, giám đốc khu vực Đông Nam Á thuộc Institute of Grocery Distribution, chia sẻ.
Nhiều cửa hàng đã bắt tay vào hành động bằng cách hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu đơn đặt hàng từ cửa hàng hoặc làm việc với các dịch vụ giao đồ ăn thay vì cạnh tranh với chúng.
Ở Việt Nam, 7-Eleven hợp tác cùng GrabBike để giao sản phẩm đến tận nhà. FamilyMart, trong khi đó, đang hợp tác với các đối tác giao đồ ăn ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia, theo Kosaki.