Chiến lược cứu khách thuê của các trung tâm thương mại
Đại dịch COVID-19 đã đẩy hàng chục tập đoàn bán lẻ đến bờ vực phá sản và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản năm nay, bao gồm nhiều cái tên nổi tiếng như J.Crew, GNC. Có lẽ nhóm phá sản sẽ "kết nạp" thêm thành viên mới khi mà đại dịch vẫn hoành hành trên thế giới.
Vì thuê nhiều gian hàng, rất nhiều chuỗi bán lẻ là nguồn sống của các trung tâm thương mại. Thực tế ấy khiến một số chủ sở hữu trung tâm thương mại lớn nhất Mỹ, với nguồn tiền mặt dồi dào, phải tìm cách cứu họ để vực dậy cả ngành bán lẻ.
Simon Property Group – công ty sở hữu nhiều trung tâm thương mại nhất Mỹ- có 8,5 tỉ USD tiền mặt và tài sản thanh khoản cao, tính đến hết tháng 6. Đầu tháng 7, họ lại phát hành trái phiếu để huy động thêm 2 tỉ USD nữa.
Mấy hôm trước, Simon hợp tác với hãng quản lý thương hiệu Authentic Brands Group (ABG) để hỗ trợ tài chính, giúp Brooks Brothers thoát tình trạng phá sản. Theo nội dung tài liệu mà hai doanh nghiệp nộp lên tòa án, khoản vay trị giá 80 triệu USD, không phí và lãi suất do Sparc (công ty do Simon và ABG tạo ra) cung cấp .
Khoản vay yêu cầu Brooks Brothers sử dụng thương hiệu kèm với tên của bên cho vay. Và trong trường hợp Brooks Brothers thanh lý hoàn toàn, Sparc sẽ giữ quyền sở hữu trí tuệ.
ABG và Simon cũng đang hợp tác để mua lại hãng thời trang Lucky Brand với giá 191 triệu USD. Trong khi đó, bộ ba ABG, Simon và Brookfield Properties – một chủ sở hữu trung tâm thương mại khác, tìm cách mua lại chuỗi bán lẻ JC Penney.
Trước đó, Brookfield Properties, ABG và Simon đã chi 81 triệu USD để cứu Forever 21 sau khi chuỗi cửa hàng thời trang nộp đơn phá sản tháng 9/2019.
Jamie Salter, tổng giám đốc ABG, từng nói với CNBC rằng ông coi Brooks Brothers, JC Penney là hai thương hiệu đáng giải cứu.
Hiện nay ABG sở hữu nhiều thương hiệu bán lẻ từng phá sản, gồm Barneys New York, Nautica, Nine West and Juicy Couture. Ông Salter thổ lộ rằng hợp tác với một công ty như Simon sẽ giúp họ có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ngoài sản xuất thời trang và nhượng quyền thương hiệu.
Tình trạng các trung tâm thương mại tại Mỹ đóng cửa suốt nhiều tháng do COVID-19 tạo ra cơ hội mua vào hấp dẫn với các chủ bất động sản.
"Đây là món hời với các công ty như Simon. Họ đảm nhận vai trò như các công ty cổ phần tư nhân vậy (mua các doanh nghiệp có tiềm năng, cải tiến hoạt động, bán lại với giá cao). Họ đang ngồi trên một núi tiền và chờ thời. Có lẽ thương vụ với Aeropostale trước đây đã tạo nền tảng thành công cho hoạt động giải cứu", Scott Stuart, tổng giám đốc công ty Turnaround Management Association, phát biểu.
4 năm trước, Simon và General Growth Properties (hiện thuộc Brookfield) đã hợp tác với ABG để giải cứu hãng thời trang cho thanh thiếu niên Aeropostale. Cả ba đã thắng thầu, mua lại thương hiệu Aeropostale từ tòa án phá sản với giá 243,3 triệu USD, giải cứu hàng trăm cửa hàng.
Năm 2019, tổng giám đốc Simon, ông David Simon, tiết lộ tập đoàn đã "kiếm cả núi tiền" từ thương vụ Aeropostale. Ông không phủ nhận khả năng tập đoàn đổ thêm tiền vào các thương hiệu đang thuê mặt bằng của Simon, nhưng nhấn mạnh họ "chỉ mua các doanh nghiệp có thương hiệu và quy mô xứng đáng".
Bất chấp lợi nhuận khủng của Simon, nhiều nhà phân tích không ủng hộ ý tưởng của David. Một số chuyên gia bất động sản cho rằng Simon có thể đi quá xa so khỏi ngành kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
"Quan điểm của tôi là nhà đầu tư sẽ muốn họ đổ tiền vào ngành của họ hơn. Các hãng bán lẻ đó là khách hàng lớn của họ. Nhưng bán lẻ không phải ngành kinh doanh của họ", Haendel St. Juste – nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Mizuho, nhận định.
Dương như Brookfield cũng đang tìm kiếm thêm thương vụ. Hồi đầu tháng 5, công ty thông báo họ đang lập quỹ mới và đặt mục tiêu chi 5 tỷ USD để giúp các hãng bán lẻ đang lao đao.
"Họ tin rằng họ nên cứu một số thương hiệu tốt. Brooks Brothers là một ví dụ. Họ chẳng có vấn đề nào. Thương hiệu ấy lao đao chỉ vì chủ sở hữu nó mở rộng quá nhanh", Byron Carlock – Giám đốc mảng bất động sản Mỹ tại PwC nhận xét, "".
Dĩ nhiên, khi các thương vụ như Brooks Brothers còn quá ít, giới phân tích cho rằng họ cần thêm thời gian để đánh giá liệu chiến lược giải cứu sẽ thực sự hiệu quả hay không.
"Ưu thế của Simon là họ quá lớn nên có thể đánh cược vào những thương vụ như thế, nhưng họ phải chọn lọc kỹ", Vince Tibone – nhà phân tích tại Green Street Advisors - nhấn mạnh.