Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, Bắc Giang tiếp tục là 'điểm sáng'
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng mạnh ở đầu năm và có xu hướng giảm trong quý IV khi chỉ tăng 3% do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Đáng chú ý, bước sang tháng 12/2022, IPP ước giảm 1% so với tháng trước cho thấy mức độ khó khăn của các doanh nghiệp.
Luỹ kế cả năm 2022, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước đạt 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm % vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm %; ngành khai khoáng tăng 5,19% (do sản lượng khai thác than tăng 4,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 8,3%), đóng góp 0,17 điểm % trong mức tăng chung.
Số lao động tăng không đáng kể so với năm 2021
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,9% so với năm 2021; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và tăng 0,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và giảm 0,1%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4% và tăng 0,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.
Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng IIP
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 so với năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước.
Các địa phương có IIP cao chủ yếu do chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Cụ thể, Bắc Giang tăng 31,5%; Cần Thơ tăng 29,6%; Vĩnh Long tăng 24,9%; Kon Tum tăng 22,2%; Điện Biên tăng 21,7%. Địa phương có IIP năm 2022 tăng thấp hoặc giảm so với năm trước là: Trà Vinh giảm 24,1%, Hà Tĩnh giảm 16,5%, Bình Thuận tăng 1,3%, Đắk Nông tăng 3,8%; Ninh Bình tăng 4,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 tăng cao so với năm trước: Bia tăng 35,3%; thủy hải sản chế biến tăng 15,7%; linh kiện điện thoại tăng 15,1%; ô tô tăng 14,9%; xăng, dầu tăng 13,7%; sơn hóa học tăng 10,4%; thép thanh, thép góc và xe máy cùng tăng 9,9%; bột ngọt 9,3%; giày, dép da tăng 8,8%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Dầu mỏ thô khác và ti vi các loại cùng giảm 1,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,8%; phân hỗn hợp NPK giảm 7,7%; điện thoại di động giảm 9,1%; sắt, thép thô giảm 12,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021 (năm trước tăng 4,8%).
Chỉ số tồn kho năm nay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 10,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%).