|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chỉ một mức lương, doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được không?

08:00 | 19/05/2018
Chia sẻ
Không có Hội đồng quản trị, không có Tổng Giám đốc, tất cả các quyết định kinh doanh đều do toàn thể người lao động trong công ty họp bàn đưa ra, và tất cả mọi người cùng nhận chung một mức lương. Tồn tại một doanh nghiệp như vậy ư?
chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong Vì đâu thù lao của CEO và nhân viên chênh nhau hàng nghìn lần?
chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong [Infographic] Top 5 CEO có thu nhập khủng so với nhân viên cùng công ty

Đó là câu chuyện về doanh nghiệp hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất đồ ăn chay Suma Wholefood tại Anh. Khác với các doanh nghiệp tư bản thông thường:

- Tất cả cổ đông của Suma đồng thời là người lao động tại Suma và ngược lại, tất cả người lao động của Suma cũng đồng thời là cổ đông.

- Suma không có CEO, không có Hội đồng quản trị hay Ban Tổng Giám đốc ra lệnh cho nhân viên

- Tất cả các quyết định lớn đều được toàn thể nhân viên kiêm cổ đông họp bàn và biểu quyết công khai. Mỗi người một phiếu bầu có giá trị ngang nhau, không hơn không kém.

- Người lao động tại Suma luân phiên đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và thành thạo nhiều kỹ năng công việc

- Mọi người lao động tại Suma nhận cùng một mức lương duy nhất. Năm 2017 mức lương này là 15,6 bảng Anh/giờ (khoảng 480.000 đồng/giờ)

Đến đây sẽ có người dự đoán rằng một doanh nghiệp không có người lãnh đạo lại cào bằng lương thưởng như vậy sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Thực tế là:

- Suma đã hoạt động theo mô hình này từ năm 1977, đến nay Suma đã 41 năm tuổi.

- Năm 2014, Suma được vinh danh là doanh nghiệp hợp tác xã của năm

- Năm 2015, Suma có 166 nhân viên kiêm cổ đông tạo ra doanh thu 40 triệu bảng Anh

- Năm 2017 Suma đạt doanh thu 48 triệu bảng Anh (gần 1.500 tỷ đồng) và vinh dự nhận giải thưởng của Nữ hoàng Anh cho doanh nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực thương mại quốc tế - giải thưởng cao quý nhất của nước Anh cho doanh nghiệp

chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong
Năm 2017, người lao động tại Suma kỷ niệm 40 năm thành lập. Ảnh: Website Suma.

Tại sao lại chọn mô hình doanh nghiệp HTX?

Trên toàn nước Anh tại thời điểm cuối 2017 có 6.815 doanh nghiệp HTX với tổng số 13,6 triệu nhân viên-cổ đông tạo ra tổng doanh thu 35,7 tỷ bảng Anh (hơn 46 tỷ USD).

Khác với Suma, đa số HTX có phân chia các bậc lương khác nhau, tuy nhiên chênh lệch nhỏ hơn rất nhiều so với các tập đoàn tư bản. Mỗi doanh nghiệp cũng có ngành nghề và quy mô hoạt động khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung: Người lao động đồng thời là chủ sở hữu công ty.

Các công ty này không có cổ đông ngoài, không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đại hội cổ đông cũng chính là đại hội công nhân viên.

Trái với lo ngại của nhiều người, các doanh nghiệp HTX được điều hành bởi người lao động hoàn toàn có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp tư bản thông thường.

Các doanh nghiệp HTX lớn nhất tại Anh hoạt động đa ngành với nhiều mảng hoạt động khác nhau đem về doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong

Doanh thu của top 10 doanh nghiệp HTX lớn nhất tại Anh. Nguồn: uk.coop (1 bảng Anh = 1,3 USD).

Lập luận ủng hộ mô hình này khá đơn giản mà thuyết phục: Công dân được tham gia bầu cử các quan chức lãnh đạo trong hệ thống chính trị, mỗi người một phiếu bầu với giá trị ngang nhau.

Vậy tại sao người lao động không tham gia chọn ra người lãnh đạo của doanh nghiệp mà chúng ta làm việc? Mặc dù chúng ta dành ra tới 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần ở nơi làm việc, quãng thời gian tỉnh táo nhất, năng suất nhất cuộc đời chúng ta là ở nơi làm việc?

Các quyết định của doanh nghiệp như sản xuất cái gì, ở đâu, bằng công nghệ gì, xả thải đi đâu, phân phối lợi nhuận thế nào …. có ảnh hưởng vô cùng to lớn không chỉ đối với bản thân người lao động mà còn tới gia đình, người thân, và cộng đồng. Do vậy, để cho toàn thể người lao động được tham gia vào bình đẳng vào quy trình ra quyết định là chính là thể hiện sự dân chủ tại nơi làm việc.

Câu chuyện thành công của Mondragon

Các doanh nghiệp hợp tác xã hoàn toàn có thể phát triển thành các tập đoàn đa ngành với quy mô không thua kém gì các doanh nghiệp tư bản.

Tập đoàn Hợp tác xã Mondragon trụ sở tại miền bắc Tây Ban Nha hiện có hơn 74.000 lao động kiêm cổ đông làm việc tại 261 công ty con và chi nhánh, tạo ra hơn 12 tỷ Euro (14,3 tỷ USD) doanh thu mỗi năm và là một trong 10 tập đoàn lớn nhất Tây Ban Nha.

Mondragon hiện hoạt động trong 4 lĩnh vực chính bao gồm tài chính-ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bán lẻ và giáo dục.

chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong

Phân bố lao động của Mondragon theo lĩnh vực hoạt động. Nguồn: Mondragon.

Mondragon có ngân hàng riêng để phục vụ cho các thành viên của công ty gồm đầy đủ các dịch vụ nhận tiền gửi, cho vay, tiết kiệm hưu trí… Mondragon cũng có trường đại học riêng, không chỉ để dạy kiến thức cho các sinh viên trẻ tuổi mà còn dạy cả những lao động lớn tuổi về cách xây dựng và phát triển một doanh nghiệp HTX, tư duy làm chủ, cách thức lãnh đạo doanh nghiệp.

chi mot muc luong doanh nghiep co ton tai va phat trien duoc khong
Toàn cảnh khu văn phòng và nhà xưởng của Mondragon, phía bắc Tây Ban Nha. Ảnh: BBC.

Các quyết định sản xuất kinh doanh thường được quyết định bằng thảo luận công khai của người lao động trong chi nhánh, công ty con. Các quyết định lớn hơn được đại hội thành viên toàn tập đoàn thông qua.

Công việc điều hành hàng ngày được giao cho một ban giám đốc. Khác với các tập đoàn tư bản, thành viên ban giám đốc được bầu bằng phiếu phổ thông của người lao động, chứ không phải người nào nhiều tiền, nắm nhiều cổ phiếu thì có nhiều phiếu bầu.

(Để so sánh, Tập đoàn đầu tư BlackRock tại Mỹ có doanh thu 11 tỷ USD, thấp hơn Mondragon 23%, nhưng CEO nhận thù lao tới 25,5 triệu USD.)

Ngoài ra, thu nhập của thành viên ban giám đốc không cao quá 6 lần thu nhập của một thành viên bất kỳ trong HTX. Năm 2015, thu nhập thấp nhất của một thành viên Mondragon là 28.000 euros, tương đương 32.000 USD. Điều này đồng nghĩa với việc không có lãnh đạo nào của Mondragon có thu nhập đến nửa triệu USD.

Để đảm bảo tính cạnh tranh, các HTX thành viên của Mondragon tuyệt nhiên không ưu ái lẫn nhau trong công việc làm ăn. Giả sử một HTX của Mondragon và một công ty tư bản cùng chào bán một loại nguyên liệu với chất lượng ngang nhau nhưng giá bán của HTX Mondragon cao hơn, các HTX khác sẽ ưu tiên mua của công ty tư bản, kiên quyết không thiên vị cho HTX anh em của mình.

Nếu việc sản xuất kinh doanh một ngành nghề không còn tạo ra lợi ích kinh tế nữa, Mondragon sẽ điều chuyển người lao động ở bộ phận đó sang các vị trí, bộ phận khác phù hợp với kỹ năng của từng người. Tập đoàn cũng sẽ tổ chức các khóa học tập, đào tạo kỹ năng mói nếu cần thiết.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, nhiều doanh nghiệp tư bản phải đóng cửa nhà máy, sa thải hàng ngàn nhân viên vì nhu cầu sụt giảm, mặc dù người nhân viên không hề làm gì sai.

Tuy nhiên ở Mondragon, không một người lao động nào bị nghỉ việc vì lý do này. Đây như là một minh chứng cho sự thành công và ưu việt của mô hình doanh nghiệp HTX kiểu Mondragon.

Kiên Dương