|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

15:38 | 14/03/2024
Chia sẻ
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho ngành ngân hàng. Trong đó, có nhiệm vụ liên quan đến thị trường bất động sản.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện.

Nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng được yêu cầu giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm…

Với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các thông tư hướng dẫn; tinh thần là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHNN, các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết số 33; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng để kết nối với Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Pháp lý vẫn là vấn đề then chốt

Bên cạnh nguồn vốn, vướng mắc pháp lý hiện vẫn được Chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhắc đến như một vấn trọng tâm khi bàn về cách gỡ khó cho bất động sản.

Tại Hội nghị nói trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thắng thắn nhìn nhận, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, theo vị này, chỉ có sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp…

Về phía doanh nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) cho biết, các dự án trên cả nước của doanh nghiệp khi triển khai bị chậm hơn so với trước đây.

“Trước đây khi có chủ trương của Thủ tướng, chúng ta có luôn một hoạch định và thời gian, tính được hiệu quả của dự án, thì sau này, các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài. Điều này khiến dòng tiền và kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn”, vị này chia sẻ.

Theo đại diện Becamex IDC, qua nhiều hội nghị năm 2023 có thể thấy Thủ tướng và các bộ, ngành đã gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của bất động sản, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Những chỉ đạo của Chính phủ đang lan toả tới tất cả các địa phương. Tuy nhiên, chặng cuối là chặng quyết định nhất, đó là các thủ tục hoàn thành để được ngân hàng đến với doanh nghiệp.

“Tín dụng không khó, khi doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì pháp lý chưa đầy đủ. Vì vậy chúng ta cần tập trung vào vấn đề này”, ông Cương nhận định.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác Thủ tướng sáng 11/3, Bộ Xây dựng đánh giá thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đó, thị trường đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.

Bộ cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản.

Với NHNN, Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm; chủ động rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt, điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án.

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị thành lập tổ công tác của địa phương để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024.

Công Tâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.