Chỉ 6% khách hàng truyền thống mua sắm vì chương trình khuyến mãi
Báo cáo mới nhất của Nielsen cho biết chỉ 6% người tiêu dùng truyền thống đi mua hàng do muốn tận dụng các chương trình khuyến mãi; còn lại 57% dành cho người tiêu dùng đa kênh (Omni channel). Điều này khá bất ngờ khi các siêu thị thường xuyên có những khuyến mãi.
Cũng theo Neilsen, 82% khách hàng truyền thống thường xuyên mua hàng theo kế hoạch, điều này khiến các thương hiệu khó lôi kéo được khách hàng mới; trong khi 52% người mua đa kênh sẽ so sánh các thương hiệu khác nhau trước khi quyết định.
Đặc biệt, 44% người mua hàng đa kênh thường mua dự trữ số lượng lớn, còn người tiêu dùng truyền thống hiếm khi làm điều này (19%) có thể vì đặc thù di chuyển xe máy.
Nguyên do, theo Neilsen lý giải, là người tiêu dùng Việt đã hình thành xu hướng mua sắm mới –mua sắm đa kênh. Người mua hàng truyền thống và người mua hàng đa kênh có nhiều sự khác biệt, điều này mở ra cơ hội cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ.
Người mua hàng đa kênh kết nối Internet nhiều hơn, họ sẽ trở nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về thương hiệu và sản phẩm mà họ sắp bỏ tiền ra mua. Các nhà bán lẻ cần làm thế nào để sử dụng những kênh tương tác mới trực tuyến tiếp cận người mua hàng một cách hiệu quả hơn. Thực tế, những nhà bán lẻ truyền thống đang mở rộng sự hiện diện của họ trên các kênh trực tuyến, trong khi nhà bán lẻ trực tuyến lại mở nhiều cửa hàng vật lý.
Ông Roberto Butragueno, Phó Giám đốc, Khối Bán Lẻ, Nielsen Việt Nam nhận định, người tiêu dùng Việt Nam được là một trong số những người tiêu dùng kết nối nhiều nhất trên thế giới, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, họ dịch chuyển qua lại giữa kênh truyền thống và trực tuyến vượt xa hơn khách hàng tại những thị trường phát triển.
Báo cáo người mua hàng đa kênh cung cấp thông tin so sánh về người mua hàng truyền thống và người tiêu dùng đa kênh. Trong đó, báo cáo cũng chỉ ra đặc điểm chân dung người mua hàng (tuổi, giới tính, thu nhập, nghề nghiệp...); hành vi mua sắm (hành vi trước khi quyết định và sau khi mua hàng, yếu tố thức đẩy và rào cản tiếp cận người tiêu dùng đa kênh...); sức mạnh thương hiệu của các nhà bán lẻ (tiêu chí lựa chọn kênh khi mua hàng, chỉ số sức mạnh thương hiệu của các nhà bán lẻ truyền thống và bán lẻ điện tử).