|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng đến 12 triệu đồng/lượng

16:31 | 25/11/2021
Chia sẻ
Đồng loạt rời mốc kỷ lục của tuần trước, đến nay giá vàng trong nước và thế giới đã có sự đảo chiều phục hồi trở lại, tuy nhiên, chênh lệch giữa hai thị trường này lại ngày càng nới rộng, lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Giá vàng trong nước về mốc 60 triệu đồng/lượng khi vàng thế giới đảo chiều

Sau khi vươn lên mốc 62 triệu đồng/lượng vào giữa tuần trước, giá vàng trong nước liên tục sụt giá xuống dưới mốc 60 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến hôm nay (25/11) kim loại quý tại hầu hết các doanh nghiệp đều trở lại vùng 60 triệu đồng.

Ghi nhận vào lúc 15h, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đã quý Sài Gòn giao dịch ở mức 59,45 - 60,15 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 180.000 đồng/lượng ở chiều bán so với sáng hôm qua.

Tuy nhiên, so với ngày 18/11, khi giá vàng SJC vọt lên mốc hơn 62 triệu đồng/lượng, giá hiện tại đang thấp hơn 2 triệu đồng/lượng.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), hiện giá vàng miếng trở lại mốc 59,4 triệu/lượng (mua) và 60,1 triệu đồng (bán), cao hơn 400.000 đồng ở chiều mua và 300 đồng/lượng so với ngày 24/11.

Giá vàng - Ảnh 1.

(Nguồn: VTC News)

Trên thị trường thế giới, sau 5 phiên liên tục giảm, giá vàng cũng đã có sự đảo chiều tăng trở lại khi vàng giao ngay ở mức gần 1.794 USD/ounce, tăng khoảng 5 USD so với lần khảo sát sáng nay.  

Theo Reuters, giá vàng tăng vào thứ Năm (25/11) khi đồng USD giảm giá, mặc dù các bình luận của các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm giảm sức hút của kim loại này và giữ nó ở dưới mốc 1.800 USD/ounce.

Giá vàng - Ảnh 2.

Diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới. (Nguồn: Kitco.com)

Ông Hitesh Jain, chuyên gia phân tích tại Yes Securities có trụ sở tại Mumbai, cho biết: "Chính sách tiền tệ bình thường hóa sẽ đè nặng lên vàng trong ngắn hạn. Nhưng các ngân hàng trung ương lớn khó có thể mạnh tay tăng lãi suất do gánh nặng tài khóa của lãi suất cao hơn và nợ chính phủ tích lũy lớn".

Jain nói thêm, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ ôn hòa hơn và khả năng mất đà tăng trưởng kinh tế trong năm tới khi các tác động cơ bản của đại dịch giảm đi, sẽ hỗ trợ vàng vào năm 2022. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của vàng. 

Các nhà đầu tư cũng đã xem xét một loạt dữ liệu của Mỹ, bao gồm cả việc điều chỉnh tăng GDP quý III, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 52 năm vào tuần trước và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cao hơn.

Ông Ajay Kedia, giám đốc tại Kedia Commodities ở Mumbai, kỳ vọng đồng USD sẽ giảm thêm để hỗ trợ vàng và cho biết kim loại này có mốc hỗ trợ kỹ thuật tốt ở mức 1.780 USD.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hơn 22%

Thời gian qua, thị trường vàng diễn ra sôi động cả trong nước lẫn thế giới. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi, đó là giá vàng trong nước luôn cao hơn so với giá vàng thế giới, dù rằng theo xu hướng, giá vàng trong nước sẽ tăng, giảm theo sự  biến động của giá vàng thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước đã có sự chênh lệch so với giá vàng thế giới từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên, mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng.

Điển hình như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, mỗi lượng vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 1 - 2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, thời điểm giá vàng trong nước đạt đỉnh hơn 62 triệu đồng/lượng, mức vênh giữa hai thị trường cũng chỉ lên tới 4 - 4,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn từ 15 - 18% so với thế giới.

Cùng tăng trở lại nhưng độ vênh của SJC và vàng thế giới tiếp tục nới rộng đến 12 triệu đồng/lượng - Ảnh 3.

Giá vàng trong nước ngày càng bỏ xa vàng thế giới. (Ảnh: Reutes)

Đáng chú ý, thời điểm này, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương khoảng 49,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước gần 12 triệu đồng/lượng, tương đương chênh tới hơn 22%. Đây là mức chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Lý giải cho việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân đến từ việc Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.

Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng và là đơn vị tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. 

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với mức chênh lệch cao như vậy có thể sẽ "khuyến khích" việc buôn lậu vàng, một số đối tượng sẽ mua vàng từ nước ngoại về bán lậu tại thị trường trong nước. 

Ngoài ra với việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới càng lớn sẽ khiến người mua không dám bỏ tiền đầu tư vàng vào thời điểm này. 

Bên cạnh đó, hiện tượng người dân hạn chế bán vàng ra cũng phần nào khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người có thể sẽ chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn. 

Theo đó, lượng người đang cất giữ và chưa muốn bán vàng ra cũng không hề nhỏ. Điều này khiến giá vàng ở mức cao và giữ mức chênh lệch lớn với vàng thế giới.

Như Huỳnh