Châu Âu vẫn bất an về cam kết lâu dài của Mỹ: Liệu tổng thống tiếp theo có duy trì chính sách của ông Biden?
Khi ông Biden bay đến khu vực bờ biển tại Cornwall (Anh) để tham dự cuộc gặp quan trọng đầu tiên với nhà lãnh đạo của các quốc gia đồng minh vào tháng 6/2021, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng thời kỳ ông Donald Trump công khai chỉ trích đồng minh và tránh hợp tác quốc tế đã kết thúc.
"Nước Mỹ đã trở lại", ông Biden tuyên bố. Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ba lãnh đạo khác cùng đặt ra câu hỏi: "Nhưng được bao lâu?".
Một năm rưỡi sau, nỗi lo lắng giữa các đồng minh châu Âu vẫn chưa biến mất. Cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng trước là một hồi chuông cảnh báo châu Âu.
Lo ngại của châu Âu
Một số ứng cử viên được ông Trump hậu thuẫn đã tỏ ý hoài nghi về sự can dự của quân đội Mỹ tại Ukraine. Những người theo chủ nghĩa biệt lập này không chiếm được đa số phiếu tại Quốc hội, qua đó giúp các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao châu Âu “thở phào nhẹ nhõm”, song một số ứng viên vẫn trúng cử.
Khi các đảng viên Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1, các nhà lãnh đạo của đảng đã đánh tín hiệu họ sẽ xem xét kỹ hơn nguồn tài trợ của Mỹ cho cuộc chiến tại Ukraine.
Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, người nhiều khả năng sẽ trở thành tân Chủ tịch Hạ viện, cho biết vào tháng 10 rằng người Mỹ sẽ không ủng hộ việc viết một “tấm séc trắng” đối với Ukraine.
Ông Daniel S. Hamilton, một nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, nhận định các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tăng cường giám sát các đợt hỗ trợ kinh tế trong tương lai dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông Hamilton lưu ý lưỡng đảng trong Quốc hội vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Hiện tại, ở châu Âu, các đảng chính trị cầm quyền phần lớn cũng đều đang ủng hộ Ukraine, ngoại trừ lãnh đạo ở Hungary.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu, và các điều khoản mà Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra có thể chấm dứt xung đột hay không.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vừa qua với ông Macron, ông Biden cho biết ông sẵn sàng ngồi lại với ông Putin, nếu nhà lãnh đạo Nga “tìm cách chấm dứt chiến tranh”. Nhưng ông Biden khẳng định ông sẽ không nói chuyện với ông Putin nếu chưa tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Biden nói: “Tôi sẽ không làm điều đó một mình”.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đang hồi hộp chờ xem cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự ủng hộ của Mỹ đối với NATO.
Từ lâu, cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích NATO và muốn từ bỏ tư cách thành viên. Điều này làm tăng thêm tính cấp bách của những nỗ lực nhằm củng cố NATO của Mỹ trong hai năm tới, trước khi có thể có sự thay đổi trong các luồng gió chính trị.
Ông François Heisbourg, nhà phân tích chiến lược và cố vấn của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược tại Paris, đánh giá hiện nay, châu Âu đang lo ngại về những biến chuyển trong tương lai xa hơn và sự thay đổi về bản chất.
Mối lo ngại trên sẽ ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã dành nhiều năm để khẳng định rằng châu Âu cần giảm bớt phụ thuộc vào quân đội Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng.
NATO đổi chiến lược
Cuộc chiến tại Ukraine nổ ra vào tháng 2 đã thúc đẩy nỗ lực thay đổi chiến lược của NATO, từ việc trang bị để đối phó với một cuộc xung đột với quân đội Nga, sang huy động nhiều nguồn lực hơn để gia tăng hiện diện quân sự dọc theo biên giới với Nga nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trong tương lai. Chiến lược này được gọi là “răn đe phủ đầu.”
Bà Sophia Besch, một thành viên tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói rằng sự thay đổi chiến lược tại châu Âu diễn ra một phần do lo ngại những thay đổi chính trị tại Mỹ có thể làm lung lay những cam kết của Mỹ với NATO.
NATO đã tăng cường khả năng phòng thủ và sự hiện diện của lực lượng vũ trang dọc theo sườn phía tây của Nga từ 4 lên 8 nhóm tác chiến.
Các nước NATO cũng đang xem xét nâng cấp hệ thống tên lửa và máy bay, đồng thời mua thêm tàu và thiết bị phòng thủ hàng hải.
Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia gần với Nga, đang xúc tiến việc gia nhập NATO. Động thái này sẽ chấm dứt 73 năm do dự trong việc ký kết hiệp ước phòng thủ chung.
Vào ngày 29/11, Ngoại trưởng các nước NATO đã gặp nhau tại thủ đô Bucharest của Romania và tái khẳng định “chính sách mở cửa” của NATO, bao gồm cả việc sẵn sàng để Ukraine gia nhập liên minh, một lập trường từng khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận trong quá khứ.