Chàng trai nghèo khởi nghiệp từ mặt hàng lưu niệm cá nhân
Tuổi thơ cơ hàn
Khi bạn bè cùng trang lứa chỉ biết miệt mài với trang sách, con chữ thì cậu bé Đoàn Văn Dũng đã bươn chải kiếm sống nuôi gia đình. Mẹ anh mắc chứng mất trí nhớ, anh trai bị tâm thần, gia đình ba người sống chật vật bằng số tiền trợ cấp 700.000 đồng hàng tháng của xã. Từ năm lớp bảy, Dũng phải bốc vác thuê, chở cát sạn kiếm từng đồng thêm mớ rau, miếng thịt vào bữa cơm cho gia đình. Dù nhọc nhằn mưu sinh, Dũng vẫn là học sinh khá, giỏi trong 12 năm học. Năm lớp ba, anh nhận được học bổng của dự án Zhi Shan Foundation Taiwan (Đài Loan) dành cho học sinh nghèo vượt khó, được cấp cho đến khi tốt nghiệp đại học. Lên lớp 10, túng quẫn vì hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, Dũng quyết định bỏ học nuôi ý định tập trung đi làm kiếm tiền. Tiếc một người trò giỏi lại có hiếu, tiếc một người bạn chất phác, siêng năng, thầy cô và bạn bè tới nhà vận động anh đi học lại.
Vốn là con người hiếu học, anh gạt nước mắt, tự nhủ cố vượt qua khó khăn trở lại ngồi trên ghế nhà trường. Học xong 12, Dũng thi đại học đậu cả hai trường: Đại học Nông Lâm và Khoa Du lịch thuộc Đại học Huế. Ước mơ trở thành một CEO giỏi, Dũng chọn học ngành Quản trị kinh doanh, Khoa Du lịch. Ngày anh khăn gói lên thành phố học, nhìn mẹ hiền mừng rỡ, anh trai cười ngờ nghệch, Dũng quyết chí phải ăn học thành tài để đem lại tương lai tươi sáng hơn cho gia đình. Chàng sinh viên khoa du lịch trong bốn năm đại học vay vốn hỗ trợ sinh viên nộp tiền học phí, làm thêm nhiều nghề, từ nhân viên bán café cho đến đi phát tờ rơi để trang trải phí sinh hoạt và gửi thêm tiền về cho gia đình.
Anh Đoàn Văn Dũng thành lập Công ty TNHH MTV Net Cố Đô để kinh doanh hàng lưu niệm cá nhân. |
Lê Văn Đáp, người bạn thân từ thời đại học của Dũng, cho hay: “Dũng là một con người năng động, có ý chí. Một khi đã quyết làm việc gì, Dũng không ngại khó khăn mà theo đuổi đến cùng”.
Ý tưởng mặt hàng lưu niệm “cá nhân”
Từ khi còn là sinh viên, qua các dịp thực tập và tham quan nhiều nơi, được tiếp xúc các món quà lưu niệm bắt mắt, Dũng nhận thấy quà lưu niệm Huế còn sơ sài và đơn điệu. Từ đó, anh đã hình thành và nung nấu ý tưởng cho ra đời những mặt hàng lưu niệm phù hợp với thị hiếu khách hàng hơn. “Nhưng giữa ý định với việc bắt tay thực hiện là một khoảng cách khá xa, thực tế có nhiều khó khăn phải vượt qua hơn tôi nghĩ”, Dũng chia sẻ.
Thời gian đầu với hai bàn tay trắng, muốn làm nên sự nghiệp là điều không tưởng. Sau khi học hỏi các cách thức sản xuất và in ấn hàng lưu niệm, Dũng vay mượn người thân và bạn bè số vốn 60 triệu đồng. Anh chi 30 triệu đồng để mua các loại máy móc phục vụ cho việc sản xuất hàng lưu niệm. Qua được khó khăn huy động vốn, đến khi các sản phẩm ra đời Dũng lại gặp khó khăn khác. Ban đầu anh chỉ làm móc chìa khóa lưu niệm để thăm dò thị trường. Suốt một tuần liền anh đi chào hàng ở các cửa tiệm, các sạp bán hàng chợ Đông Ba, nhưng đổi lại sự nhiệt tình của anh chỉ là cái lắc đầu. Chẳng ai mạo hiểm nhập mặt hàng mới chưa có tên tuổi về bày bán. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Dũng chưa bao giờ sờn lòng, nghĩ đến mẹ và anh trai, Dũng lại có động lực để vượt qua tất cả.
Tháng 3/2014, Công ty TNHH MTV Net Cố Đô do Đoàn Văn Dũng làm giám đốc chính thức được thành lập. Ngoài những sản phẩm lưu niệm in hình danh lam thắng cảnh đất Cố đô, quảng bá hình ảnh, du lịch Huế, anh bắt đầu hướng đến việc cho ra đời các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn cá nhân của khách hàng trên đó, có thể là ảnh hoặc tên khách chẳng hạn. Vậy là những cuốn lịch, những bức tranh ghép, móc chìa khóa, vỏ ốp điện thoại, dây chuyền hay vòng đeo tay… lưu dấu vô vàn gương mặt, cái tên khác nhau xuất hiện. Anh Dũng chia sẻ: “Các mặt hàng chỗ tôi làm có độ tinh xảo cao, thích ứng được những yêu cầu của khách hàng”.
Hiện nay, công ty có 31 người và hơn 500 cộng tác viên trên toàn quốc. Doanh thu bình quân của công ty đạt khoảng 250 đến 300 triệu/tháng. Tháng 11/2016, anh nhận được giấy chứng nhận “Là hội viên chính thức của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế”, cũng là thành viên trẻ nhất trong hội. Chị Trần Thị Điểm, là vợ cũng là người đã sát cánh bên anh trong những chặng đường sự nghiệp chia sẻ: “Trong công việc, chồng tôi là một người có tính sáng tạo và cực kỳ nghiêm túc. Còn trong cuộc sống, anh lại có một trái tim tràn ngập yêu thương, biết quan tâm, lo lắng cho mọi người xung quanh”.
Từ thuở nhỏ đã bị cái nghèo đeo bám, lại là một chàng trai có tấm lòng nhân hậu, nên khi cuộc sống đã sung túc lên, Dũng hướng đến các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Anh hỗ trợ kinh phí, vật phẩm cho các tổ chức tình nguyện và giới thiệu các công ty phù hợp với ngành nghề cho các bạn sinh viên mới ra trường. Anh mong mỏi có thể mở rộng quy mô của công ty để tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn nữa.