|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung Satra – 'đại gia' nhiều tiền bậc nhất Sài Gòn

14:13 | 18/09/2019
Chia sẻ
Khá tương đồng với một "đại gia" khác ở TP HCM là Benthanh Group, bức tranh tài sản của Satra đến nay vẫn là một ẩn số.

Trong các doanh nghiệp TP HCM sắp thực hiện cổ phần hoá, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) không có được sự giàu có về đất đai như Benthanh Group hay Saigontourist… Dù vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Satra được mệnh danh là đứa "con cưng" của TP HCM. 

Đây chính là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất trực thuộc UBND TP HCM, sở hữu hệ sinh thái sản xuất - phân phối có bề dày và sở hữu những mỏ vàng, nơi cung cấp dòng tiền hàng nghìn tỉ mỗi năm mà biết bao doanh nghiệp khác khao khát. 

Theo Tổng giám đốc Satra Lê Minh Trang, mục tiêu mà ban lãnh đạo Satra đặt ra là trở thành nhà phân phối lớn với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, kho hàng tại TP HCM và các trung tâm đô thị lớn của cả nước trong tương lai.

Trong kế hoạch phát triển năm 2019, Satra dành đến 1.700 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư, cao gấp nhiều lần những năm qua nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong mảng thương mại và bán lẻ.

Từ Chợ đầu mối Bình Điền, Vissan… đến "mỏ vàng" liên doanh Heineken

Hiện tại, hệ thống bán buôn và bán lẻ của Satra có tổng diện tích 284.000 m2, bao gồm Khu Trung tâm Thương Mại Bình Điền (Chợ đầu mối Bình Điền) được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam hoạt động sầm uất từ khuya đến sáng, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nông sản, thực phẩm cho cư dân thành phố và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó là các trung tâm thương mại Centre Mall, Siêu thị Tax, Siêu thị Sài Gòn (Satra Mart), chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods; chuỗi cửa hàng xăng dầu, Satra Bakery & Café, Nhà Hàng Việt,…

binh-dien

Trung tâm thương mại Bình Điền. (Nguồn: Satra)


satra1

Ở lĩnh vực sản xuất, Satra tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu các loại thực phẩm. Hiện Satra đang sở hữu 67% vốn tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống tại phía Nam.

Vissan có vốn điều lệ 809 tỉ đồng chính là đơn vị thành viên hoạt động hiệu quả nhất hiện nay của Satra. Tháng 3/2016, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế - Anco (công ty con của tập đoàn Masan) đã chi ra đến 2.130 tỉ đồng để vượt qua ông lớn Hàn Quốc CJ trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 24,94% vốn Vissan. Mức giá 126.000 đồng/cp mà Anco chi ra phần nào cho thấy sự hấp dẫn của Vissan.

Ngoài Vissan, Satra cũng đang sở hữu cổ phần tại một số công ty liên kết khác trong lĩnh vực chế biến thực phầm gồm CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre (Tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre), Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), CTCP Kinh doanh Thủy Hải Sản Sài Gòn (APT),…

Tuy nhiên, tài sản lớn nhất phải kể đến đó chính là cổ phần trong liên doanh Heineken Việt Nam. Hiện Satra nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và 40% cổ phần Công Ty TNHH Bia Và Nước Giải Khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).

Tại Việt Nam, Heineiken Việt Nam đang là quán quân về lợi nhuận và vượt xa hãng bia có doanh thu lớn nhất là Bia Sài Gòn (Sabeco).

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế 8.658 tỉ đồng, cao hơn 2.600 tỉ đồng so với con số mà Sabeco đạt được. Mỗi năm, liên doanh này đều đặn rót về cho Satra hàng nghìn tỉ đồng cổ tức và trở thành nguồn thu chính của Satra trong nhiều năm qua.

Tài sản thực có thể lớn gấp nhiều lần

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kí vào giữa tháng 8, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) thuộc diện doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa chậm nhất vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, cũng khá tương đồng với một "đại gia" khác ở TP HCM là Benthanh Group, bức tranh tài sản của Satra cho đến nay vẫn là một ẩn số do Tổng công ty này chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán mà chỉ công bố duy nhất BCTC riêng của Công ty mẹ.

Theo đó, báo cáo riêng lẻ Satra không thể hiện đúng quy mô và tình hình tài sản nhà nước đang được Tổng công ty quản lí do việc hạch toán theo phương pháp giá gốc trên báo cáo tài chính công ty mẹ.

satra2

(Huy Nguyên tổng hợp)

Theo BCTC riêng Công ty mẹ bán niên 2019, tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của công ty mẹ Satra  đạt 17.016 tỉ đồng. Trong đó, riêng khoản tiền mặt đã lên đến 10.147 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 12.856 tỉ đồng (vốn điều lệ 8.660 tỉ đồng) cho thấy một nền tảng tài chính "đẹp như mơ" của Satra.

Dù vậy, đây vẫn chưa phải là tài sản quý giá nhất của Satra, bởi phần lớn tài sản "chìm" đang được Satra để tại các khoản đầu tư vào các công ty con, đơn vị liên doanh và đầu tư dài hạn khác trị giá 1.731 tỉ đồng trên báo cáo riêng lẻ.

Con số 1.731 tỉ đồng tính theo giá gốc đầu tư từ rất lâu không thể hiện đúng quy mô tài sản của Tổng công ty này đang sở hữu như đã nói ở trên. Chỉ tính riêng phần vốn tại Vissan, 25% cổ phần mà Satra đã bán cho Anco trong năm 2016 đã có giá hơn 2.100 tỉ đồng, cao hơn con số tổng 1.731 tỉ đồng mà công ty mẹ Satra đang ghi sổ.

Vậy thì 40% cổ phần của Satra tại liên doanh Heineken Việt Nam – doanh nghiệp dẫn đầu ngành bia về hiệu quả lợi nhuận, vượt trội so với Sabeco có giá bao nhiêu? 

Hiện là rất khó để có thể xác định được mức giá hợp lí tại thời điểm này. Tuy nhiên, con số 110.000 tỉ đồng, xấp xỉ 5 tỉ USD mà Vietnam Beverage - công ty con của ThaiBev đã chi ra để để sở hữu 53,6% vốn tại Sabeco vào cuối năm 2017 là con số có thể tham khảo để hình dung khối tài sản khổng lồ mà Satra đang sở hữu.

satra3

Kết quả kinh doanh của Heineken Việt Nam chưa bao gồm nhà máy tại Hà Nội. (Huy Nguyên tổng hợp)

Vẫn còn dấu hỏi về chất lượng quản trị tại công ty mẹ

Satra hiện đang quản lý vốn tại 6 công ty con, 20 đơn vị liên doanh liên kết và 14 đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc. 

Theo báo cáo của Satra, bên cạnh các đơn vị hoạt động hiệu quả nói trên, vẫn còn một số doanh nghiệp thành viên Satra chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Tân Châu, Công ty TNHH Lương thực Ngọc Đồng tình hình đang gặp khó khăn.

satra4

Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh hợp nhất 2015-2018. (Huy Nguyên tổng hợp)

Trong khi đó, báo cáo kết quả hoạt động tại công ty mẹ Satra cũng thể hiện phần nào sự yếu kém tại công ty mẹ và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, cùng với đó là phụ thuộc lớn vào hiệu quả hoạt động của các đơn vị liên doanh liên kết và một vài công ty con sở hữu trên 51% vốn như Vissan.

Nửa đầu năm nay, doanh thu Công ty mẹ Satra đạt 3.995 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp của Công ty mẹ Satra đạt 281 tỉ đồng, tăng 18%. Dù vậy, hiệu quả kinh doanh dựa theo tỷ suất biên lợi nhuận gộp của Satra là quá mỏng, chỉ 7%.

Chi phí quản lí doanh nghiệp và chi phí bán hàng chiếm đến 12,5% doanh thu. Theo đó, nếu không có các khoản lợi nhuận được chia từ các liên doanh liên kết thì Satra có thể sẽ ở trạng thái lỗ ròng.

Trong kì, Satra lãi 226 tỉ đồng từ tiền gửi cùng với 2.064 tỉ đồng thu nhập khác (nhiều khả năng là cổ tức, lợi nhuận được chia từ liên doanh Heineken Việt Nam). Con số trên vượt qua mức lợi nhuận trước thuế 1.950 tỉ đồng của Satra trong nửa đầu năm.

Cổ tức là yếu tố chính giúp Satra nhiều năm liên tiếp dẫn đầu về lợi nhuận trong số các doanh nghiệp vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. 

Năm ngoái, doanh nghiệp này nhận được 3.081 tỉ đồng cổ tức từ các liên doanh liên kết bao gồm 2.400 tỉ đồng cổ tức từ liên doanh với Heineken; cùng với khoản lãi tiền gởi 481 tỉ đồng giúp Satra lợi nhuận trước thuế 3.130 tỉ đồng của Tổng công ty.  

Huy Nguyên