|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cha đẻ ngành công nghiệp chip Đài Loan: Toàn cầu hóa và tự do thương mại đã chết

07:22 | 14/12/2022
Chia sẻ
Cha đẻ của ngành công nghiệp chip Đài Loan cho biết địa chính trị thế giới đã thay đổi tình hình và cảnh báo rằng "toàn cầu hóa và thương mại tự do gần như đã chết" và khó có thể quay trở lại.

Theo Nikkei Asia, mới đây, tại sự kiện khai trương nhà máy mới ở Mỹ, nhà sáng lập tập đoàn sản xuất chip bán dẫn TSMC, Morris Chang đã bày tỏ quan điểm về những biến động của tình hình địa chính trị thế giới mà các nhà sản xuất chip bán dẫn phải đối mặt trong thời gian qua.

Hôm 6/12, tại Phoenix, Arizona (Mỹ), TSMC đã đánh dấu cột mốc mới khi lắp đặt thiết bị đầu tiên mang tính biểu tượng tại nhà máy mới của tập đoàn sản xuất chip Đài Loan. Đây là nhà máy sản xuất chip tiên tiến đầu tiên của TSMC tại Mỹ sau hơn hai thập kỷ, với giá trị khoảng 40 tỷ USD. Trước đó, năm 1995, TSMC đã cho xây dựng nhà máy đầu tiên ở Camas, Washington, sau 8 năm thành lập công ty.

"27 năm đã trôi qua và [ngành công nghiệp bán dẫn] đã chứng kiến ​​một sự thay đổi lớn trên thế giới, một sự thay đổi lớn về tình hình địa chính trị trên thế giới. Toàn cầu hóa gần như đã chết và thương mại tự do cũng vậy. Nhiều người vẫn ước xu hướng này sẽ quay trở lại, nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ không xảy ra", ông Morris Chang nói. 

 Nhà sáng lập TSMC, Morris Chang phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nikkei Asia).

Bình luận của ông Morris Chang được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chip đang chia chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu thành hai phe. Việc Washington đàn áp tham vọng chip của Bắc Kinh đã khiến các công ty như TSMC ngày càng khó phục vụ khách hàng ở Trung Quốc. 

Từng được du học và làm việc tại Mỹ, Morris Chang cho biết ông luôn mơ ước xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở quốc gia này. "Tôi nghĩ đó là một giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng nhà máy đầu tiên gặp vấn đề về chi phí. Chúng tôi gặp vấn đề về con người, chúng tôi gặp vấn đề về văn hóa. Giấc mơ có thực cũng trở thành ác mộng. Chúng tôi mất vài năm để gỡ rối bản thân khỏi cơn ác mộng của mình, và tôi quyết định rằng tôi cần phải trì hoãn giấc mơ", nhà sáng lập TSMC chia sẻ về lần đầu tiên tập đoàn này Mỹ tiến.

Trong những thập kỷ sau đó, TSMC tập trung vào việc xây dựng năng lực sản xuất chip tiên tiến tại thị trường quê nhà, một chiến lược giúp công ty giảm chi phí trong khi liên tục mài giũa bí quyết công nghệ của công ty.

Theo nhà sáng lập, TSMC đã "chuẩn bị" nhiều hơn so với lần đầu tiên xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Mỹ với sự hỗ trợ của chính phủ nước này. TSMC đã công bố họ sẽ tăng gấp ba khoản đầu tư vào Arizona lên 40 tỷ USD để mang công nghệ chip tiên tiến nhất của mình đến Mỹ.

Washington đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia và các vấn đề về nguồn cung khi muốn đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn quan trọng trở lại. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đồng ý rằng thời đại toàn cầu hóa đang lùi xa và việc tìm nguồn cung ứng tại địa phương hiện là ưu tiên hàng đầu.

Lisa Su, Giám đốc điều hành của nhà phát triển chip AMD, nói với Nikkei Asia bên lề sự kiện rằng tính liên tục của chuỗi cung ứng hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các công ty như của bà. "Toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn đã sẵn sàng bước lên và làm việc cùng nhau. Ngành công nghiệp này đã trải qua rất nhiều khó khăn trong vài năm qua. Việc có thêm năng lực đa dạng về mặt địa lý là rất quan trọng", Su nói, đề cập đến tình trạng thiếu hụt chip chưa từng có.

"Cuối cùng, điều chúng tôi muốn làm là đảm bảo rằng những con chip quan trọng nhất của chúng tôi có chuỗi cung ứng ổn định", nữ CEO này nói thêm.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng chấp nhận ý tưởng sản xuất chip trong nước mặc dù công ty của ông trong nhiều năm đã dựa vào các nhà cung cấp toàn cầu để giảm chi phí cho sản phẩm.

"Trong vài năm qua, những tiến bộ mà chúng tôi đạt được với Apple silicon đã biến đổi các thiết bị của chúng tôi. Nó đã mở ra các mức hiệu suất mới cho người dùng của chúng tôi, cho phép họ làm những điều mà trước đây họ chưa từng làm được", Tim Cook nói.

"Và giờ đây, nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của rất nhiều người, những con chip này có thể tự hào được đóng dấu 'Made in America'.' Đây là một thời điểm cực kỳ quan trọng. Đó là cơ hội để Mỹ mở ra một kỷ nguyên mới trong sản xuất tiên tiến", ông nói thêm. Apple, AMD và Nvidia sẽ là những khách hàng đầu tiên của nhà máy TSMC ở Arizona.

Thùy Trang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.