|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Intel muốn phá vỡ thế độc tôn của TSMC và Samsung trên thị trường chip

09:29 | 04/11/2022
Chia sẻ
Cuộc chiến trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng đang nóng dần lên khi Intel đặt mục tiêu phá vỡ thế độc tôn của TSMC và Samsung.

Kể từ khi trở lại Intel với tư cách là Giám đốc điều hành vào đầu năm 2021, Pat Gelsinger đã thực hiện một sứ mệnh: Biến công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ thành một nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn, theo Asia Nikkei.

Sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài - còn được gọi là mảng kinh doanh xưởng đúc – là thứ Intel đang nhắm tới. Công ty của Mỹ trước đó tạo dựng danh tiếng khi thiết kế và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của riêng mình cho PC và máy chủ.

Việc tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng khiến Intel phải cạnh tranh trực tiếp với hai nhà cung cấp của chính họ, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics.

Các nhân viên Intel làm việc trong xường đúc. (Ảnh: Asia Nikkei).

Đây là một chiến lược tốn kém. Kể từ khi Gelsinger quay trở lại vào năm 2021, Intel đã lên kế hoạch chi hơn 70 tỷ USD cho việc xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất chip, hay còn gọi là fabs.

Randhir Thakur, người đứng đầu Intel Foundry Services (IFS), nói với Nikkei Asia: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành xưởng đúc số hai trên thế giới vào cuối thập kỷ này”. IFS được thành lập vào năm ngoái để biến tầm nhìn của Gelsinger thành hiện thực.

Đối với Intel, động thái này vừa mở ra một nguồn doanh thu tiềm năng mới, vừa là một cách để lấy lại lợi thế công nghệ trong lĩnh vực sản xuất chip đã bị mất ở châu Á trong nhiều thập kỷ qua. Dù vậy, việc giá cổ phiếu Intel giảm hơn một nửa kể từ khi ông Gelsinger bắt tay vào làm xưởng đúc đã khiến giới đầu tư không thực sự tin tưởng.

Chi tiêu của công ty trong lĩnh vực này bao gồm 20 tỷ USD cho một cơ sở sản xuất chip ở Oregon và 16,8 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Đức, cũng như 3,5 tỷ USD để mở rộng cơ sở đóng gói chip ở New Mexico cùng khoản đầu tư 20 tỷ USD vào Arizona fabs và phần còn lại để mở rộng tại Ireland. Trên hết, Intel đã mua lại xưởng đúc Tower Semiconductor của Israel với giá 5,4 tỷ USD vào tháng Hai.

Việc nhu cầu sử dụng chip trên toàn cầu chậm lại đã gây áp lực lên phần doanh thu của Intel. Công ty đã báo cáo doanh thu quý III giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và hạ triển vọng doanh thu cả năm 2022.

Cùng với việc chi tiêu mạnh tay cho mảng kinh doanh xưởng đúc của mình, Intel cũng dự đoán kết thúc năm 2022 với dòng tiền tự do âm từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD, so với mức âm 1 tỷ đến 2 tỷ USD mà công ty dự đoán ​​vào đầu năm nay.

Trong khi các nhà đầu tư có thể nghi ngờ, giới phân tích và những người trong ngành cho rằng chiến lược kinh doanh xưởng đúc của Intel là "hợp lý" và các khoản đầu tư khủng hiện tại là điều mà Intel buộc phải làm để tham gia vào mảng kinh doanh này.

"Để một IDM [nhà sản xuất thiết bị tích hợp] như Intel thực sự tồn tại, có một số điều mà họ buộc phải làm. Họ có thể phát triển và mở rộng quy mô, hoặc chuyên môn hóa một mảng kinh doanh cụ thể", Wayne Lam, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của CCS Insight, cho biết

David Crawford, một lãnh đạo cấp cao tại Bain & Co., cũng đồng ý. “Tôi nghĩ đó là một chiến lược rất hợp lý để Intel mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh chế tạo. Nó nó không dành cho những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm. Chiến lược tồi tệ nhất đối với những công ty Intel là làm những điều bình thường”, ông Crawford chia sẻ.

Trước đây, Intel từng nói rằng Qualcomm, AWS của Amazon và MediaTek đã đăng ký sử dụng các dịch vụ sản xuất của họ. Intel đã không thông báo về bất kỳ khách hàng mới nào sử dụng các dịch vụ xưởng đúc trong quý III.

TSMC và Samsung thống trị thị trường xưởng đúc. (Nguồn: Asia Nikkei).

Một lý do khiến Intel phải vật lộn để giành được khách hàng là sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty dẫn đầu thị trường. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, kiểm soát hơn 53% thị trường xưởng đúc toàn cầu trong nửa đầu năm nay, công ty nghiên cứu Trendforce cho biết.

Ông lớn Samsung của Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai, với 16,5% thị phần. TSMC chỉ sản xuất chip cho những công ty khác, bao gồm những đơn vị lớn như Apple, Qualcomm, Nvidia hay Broadcom.

Samsung chủ yếu sản xuất chip để tự phục vụ, nhưng đã trở nên nghiêm túc hơn với hoạt động kinh doanh xưởng đúc của mình trong những năm qua. Năm 2019, họ tuyên bố sẽ chi 133 nghìn tỷ won (115 tỷ USD) vào năm 2030 để mở rộng đơn vị thiết kế chip và kinh doanh xưởng đúc.

Intel đứng sau cả hai công ty này trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn, nếu xét trên kích thước các loại chip được đo bằng nanomet. TSMC và Samsung đều bắt đầu sản xuất chip 3 nanomet trong năm nay và đặt mục tiêu đưa chip 2nm vào sản xuất từ năm 2025. Hiện Intel vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt chip 5nm, vốn được sử dụng rộng rãi ở các dòng smartphone.

Samsung băt đầu sản xuất hàng loạt chip 3 nm trong năm nay. (Ảnh: Asia Nikkei).

Theo Charles Shi, nhà phân tích chất bán dẫn của Needham & Co., để hoạt động kinh doanh xưởng đúc của mình thành công, Intel sẽ phải làm nhiều việc hơn là bắt kịp mặt trận công nghệ.

Intel cũng cần xây dựng danh mục sở hữu trí tuệ của bên thứ ba, dịch vụ thiết kế và hệ sinh thái đóng gói cũng như thử nghiệm chip với các đối tác để giúp khách hàng sử dụng quy trình sản xuất của Intel dễ dàng hơn.

Intel vẫn đang làm việc để bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nm và cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất Intel 3. câu trả lời cho công nghệ 3 nm của TSMC, vào nửa cuối năm 2023. Việc sản xuất Intel 18A, nhằm cạnh tranh với chip 2 nm của TSMC, dự kiến ​​sẽ ra mắt vào nửa cuối năm sau.

Bất kỳ trở ngại lớn nào đối với các kế hoạch đó sẽ đồng nghĩa với việc tạo thêm áp lực lên dòng tiền của Intel và từ các nhà đầu tư. Ông Lam tại CCS Insight cho biết: “Nếu họ gặp phải một sự cố khác thì mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn”.

Giữa tất cả những thách thức, một yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy chiến lược của Intel: Địa chính trị. "Nếu bạn hỏi tôi 5 năm trước rằng liệu Intel có thể kinh doanh trong xưởng đúc hay không, chắc chắn tôi sẽ nói không. Nhưng nếu bạn hỏi tôi bây giờ, tôi nghĩ rằng Intel có một số cơ hội sau những sự kiện xảy ra gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc”, một cựu lãnh đạo trong ngành chip chia sẻ.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất chip của nước này trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu xuất hiện trong đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo Intel Pat Gelsinger (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Asia Nikkei).

Bản thân Intel cũng lạc quan rằng họ có thể nắm bắt cơ hội này. Chủ tịch IFS Thakur nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi đã làm việc với các khách hàng của xưởng đúc kể từ khi ra mắt IFS, nên rất rõ ràng rằng nhiều công ty trong số này nhận thấy sự cần thiết của một chuỗi cung ứng chất bán dẫn cân bằng về mặt địa lý và linh hoạt hơn”.

Cả TSMC và Samsung cũng đang mở rộng cơ sở sản xuất của họ ở Mỹ, và hai ông lớn này cũng có mối quan hệ lâu dài cùng danh tiếng và khả năng đã được khẳng định. Tuy nhiên, những thay đổi về địa chính trị có thể mang lại cho Intel cơ hội mà họ đã chờ đợi.

“Cơ hội luôn có đối với Intel, vì rủi ro địa chính trị đang gia tăng với cả TSMC và Samsung. Chúng ta có thể đang hướng tới một số thay đổi cơ bản đối với bối cảnh địa chính trị ở châu Á trong thập kỷ tới", ông Shi của Needham & Co cho biết

Anh Nguyễn

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.