|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cha đẻ mỳ ăn liền nảy ra ý tưởng 'tỷ đô' khi nấu ăn giúp vợ

00:28 | 17/01/2018
Chia sẻ
Khởi nghiệp ở độ tuổi tứ tuần với mỳ ăn liền, Momokufu Ando không chỉ giúp hàng triệu người Nhật Bản thoát nạn đói, mà còn tạo ra món ăn phổ biến khắp thế giới.

Momokufu Ando, người phát minh mỳ ăn liền, đã trở thành biểu tượng của ngành ẩm thực Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát ý kiến vào năm 2.000, những người dân Nhật khẳng định mỳ ăn liền là phát minh hàng đầu trong thế kỷ 20. Ando qua đời vào năm 2007, thọ 96 tuổi. Nhưng di sản của ông mãi trường tồn, ít nhất là nhờ sự phổ biến của loại mỳ ăn liền mà ông phát minh.

Chào đời tại Wu Baifu, Đài Loan vào năm 1910, Momokufu Ando tới Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai và lấy tên mới. Ban đầu ông làm những việc vặt - như bán tất và làm muối.

chuyen khoi nghiep muon cua cha de my an lien
Momofuku Ando (người đứng giữa) trong Bảo tàng Mỳ ăn liền ở thành phố Osaka, Nhật Bản.

Nhưng mãi tới khi bước vào độ tuổi tứ tuần, Ando mới nảy ra ý tưởng khiến cuộc đời ông trở nên vĩ đại. Trong cuốn tiểu sử, Ando kể rằng ý tưởng lóe lên khi ông thấy nhiều người vây quanh một quầy bán mỳ ở thành phố Osaka. Do tình trạng thiếu lương thực khá phổ biến ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, ông tin rằng mỳ có thể giúp người dân tránh nạn đói.

Mặc dù tìm ra cách chế biến mỳ ăn liền bằng cách trộn mỳ với dầu ăn, mãi tới năm 1958, Ando mới thành lập công ty Nissin. Sản phẩm đầu tiên - loại mỳ mang tên "Chikin Ramen" có giá cao hơn mỳ thường nên người dân coi nó là hàng xa xỉ. Nhưng họ thích đặc tính chín nhanh trong nước sôi của nó. Khi mỳ Cup ra đời, công ty đặt mỳ trong cốc xốp để người sử dụng đổ nước sôi vào cốc. Mỳ ăn liền nhanh chóng trở thành sản phẩm phổ biến nhất thị trường và nhiều công ty, như Maruchan, nhảy vào.

Lợi nhuận của tập đoàn Nissin đạt 300 triệu USD vào năm 2007, khi Ando qua đời. Để tưởng nhớ công lao của ông, chính quyền thành phố Osaka đã xây dựng Bảo tàng Mỳ ăn liền.

Nhạc Dương