|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Grab muốn làm 'CEO cả đời' của công ty nhận sáp nhập Gojek

07:13 | 25/12/2020
Chia sẻ
Định giá cao hơn và tình hình tài chính lành mạnh hơn đang giúp Grab có những lợi thế trong đàm phán sáp nhập Gojek.

Grab đã yêu cầu để người sáng lập Anthony Tan trở thành "CEO trọn đời" của pháp nhân hình thành sau khi startup này sáp nhập với Gojek, theo nguồn tin từ Nikkei.

Bên cạnh đó, Grab cũng tìm kiếm một số điều kiện sáp nhập khác. Những điều kiện này bao gồm cả việc trao cho ông Anthony Tan quyền biểu quyết lớn cũng như quyền phủ quyết đối với các quyết định của hội đồng quản trị và quyền tác động đến vấn đề lương, thưởng của mình.

CEO Grab muốn làm 'CEO cả đời' của công ty nhận sáp nhập Gojek - Ảnh 1.

Việc Grab và Gojek sáp nhập có thể tạo ra một trong những công ty Internet lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Nikkei)

Nikkei nói thêm rằng Grab và Gojek cũng có thể đang thảo luận các vấn đề như "ai sẽ nhận đề cử, với điều kiện nào cho vị trí CEO công ty trong trường hợp Anthony Tan qua đời".

Nếu các điều kiện nói trên được chấp thuận, nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc kế hoạch IPO của công ty sau sáp nhập Grab và Gojek sẽ bị ảnh hưởng vì những quan ngại liên quan đến quản trị. Nhiều nhà đầu tư và Grab và Gojek đang hi vọng vào một cuộc IPO nhanh chóng ngay sau khi thương vụ sáp nhập thành công.

Một cuộc sáp nhập có thể sẽ mang lại cho Grab nhiều "quyền lực" hơn vì Grab đang có định giá cao hơn và hoạt động tại nhiều thị trường so với Gojek. Một nguồn tin nội bộ nói với Nikkei rằng những đàm phán của Grab và Gojek hiện tại vẫn còn ở mức độ sơ bộ. Một bất đồng lớn giữa hai bên là cấu trúc cổ đông của pháp nhân hợp nhất.

Gojek đang yêu cầu con số 40% cổ phần, con số mà Grab cho là quá lớn đặt trong bối cảnh Grab có tình hình tài chính tốt hơn đối thủ Indonesia.

Gojek và Grab có thể đã đàm phán sáp nhập từ gần một năm trở lại đây khi nhà đầu tư vào cả hai bên cùng thúc giục hai bên "về chung nhà". Việc sáp nhập sẽ là điểm kết thúc cho những cạnh tranh khốc liệt cùng tốc độ "đốt tiền" có thể đã lên tới nhiều tỉ USD. Bên cạnh đó, cả Grab và Gojek đều chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 ở mảng gọi xe cốt lõi.

SoftBank, một cổ đông lớn của Grab, cũng đang đàm phán với ông Anthony Tan về nhiều điều kiện của thương vụ. Chi tiết về thoả thuận cổ đông giữa Grab và quỹ Vision Fund hiện chưa được công bố. Một hồ sơ vào năm 2018 cho thấy SoftBank chiếm 22% cổ phần của Grab song không giữ quyền biểu quyết nào. Hiện tại, cổ phần của SoftBank trong Grab đã chuyển giao sang quỹ đầu tư Vision Fund.

Ngay cả khi Grab và Gojek đồng ý sáp nhập, những quan ngại về hành vi phi cạnh tranh và độc quyền cũng là vấn đề mà hai bên phải vượt qua. Thị trường quan trọng nhất sẽ là Indonesia, nơi Grab và Gojek đều có thị phần chi phối ở mảng gọi xe và giao hàng.

Một quan chức cấp cao của Indonesia trước đó nói với Nikkei rằng "chính phủ muốn cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty duy trì để tạo thế cân bằng trên thị trường". Người này nói thêm nếu một công ty quá lớn hình thành, "người dùng sẽ không được hưởng lợi".

Thái Sơn