|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Gojek Việt Nam nói về mô hình kinh doanh tạo ra giá trị chia sẻ

23:16 | 08/11/2020
Chia sẻ
CEO Gojek Việt Nam cho rằng mô hình kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ đang là một xu thế với các doanh nghiệp trên thương trường.

Tại Đại hội Sales & Marketing VSM Camp 2020 diễn ra sáng ngày 7/11, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức đã có cuộc chia sẻ về mô hình kinh doanh "tạo ra giá trị chia sẻ" (Creating shared value - CSV) mà các doanh nghiệp cần hướng tới.

TGĐ Gojek: Mô hình kinh doanh CSV kì vọng là xu thế - Ảnh 1.

Ông Phùng Tuấn Đức chia sẻ về mô hình kinh doanh tạo ra giá trị chia sẻ (Creating share value - CSV) mà Gojek đang hướng tới. Ảnh: Minh Hằng

Giải thích về khái niệm "tạo ra giá trị chia sẻ" CSV, ông Đức cho biết, đây là một mô hình kinh doanh mà ở đó doanh nghiệp tìm cách chia sẻ các giá trị mà họ tạo ra với các bên liên quan gồm: Khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, các doanh nghiệp có liên quan, môi trường làm việc xung quanh, các cộng đồng xung quanh doanh nghiệp và cả Chính phủ.

Bản thân mô hình CSV yêu cầu doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận với thị trường. Ví dụ như cách truyền thống, các doanh nghiệp sẽ tìm cách xem xét mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận và thị phần mà chưa quan tâm đến tác động của chính doanh nghiệp đến các bên liên quan. 

Ông Đức nhấn mạnh, việc áp dụng mô hình CSV sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra những giá trị xã hội cho cộng đồng và đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp.

CEO Gojek Việt Nam dẫn ví dụ về tập đoàn sản xuất máy thở Medtronic PLC: Công ty đã chia sẻ thông số thiết kế thiết bị máy thở cho các doanh nghiệp khác trong mùa dịch. Từ đó, Vingroup đã đồng ý hợp tác và xuất khẩu hơn 50.000 đơn vị quạt thổi khí sang Mỹ và Ireland, đáp ứng nhu cầu sản xuất máy thở đang rất cấp bách của Medtronic.

Sự khác biệt giữa CSV và CSR

Ông Đức cho biết, mọi người thường hay nhầm lẫn giữa CSV và CSR. Trong khi CSR (Corporate Social Responsibility) là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, có xu hướng tập trung vào danh tiếng và thương hiệu của doanh nghiệp thì CSV tạo lập các giá trị chia sẻ, mong muốn có lại được lợi ích kinh tế và xã hội tương ứng với chi phí bỏ ra.

CEO Gojek: Mô hình kinh doanh CSV kì vọng là xu thế - Ảnh 2.

Những diễn giả tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Minh Hằng

Theo ông Đức, CSV là cơ hội, là đầu tư chứ đơn thuần là chi phí như mô hình CSR. Ông cho rằng, các công ty nên duy trì mô hình CSR nhưng đồng thời cũng nên bắt đầu với CSV. "CSV nên là triết lí và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp", CEO Gojek Việt Nam nói.

Khi được hỏi về việc CSV có phải là xu thế của tương lai hay không, ông khẳng định CSV là mô hình kinh doanh và sẽ tồn tại song song với CSR. 

Tuy nhiên, ông Đức cũng nhận định, doanh nghiệp sử dụng mô hình CSV không đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ thành công.

Cơ hội cho mô hình CSV

Theo ông Phùng Tuấn Đức, mô hình CSV nên hướng đến nhu cầu xã hội, đây chính là cơ hội thị trường lớn nhất chưa được đáp ứng.

Nếu doanh nghiệp hướng đến những nhu cầu của xã hội như cải thiện môi trường, giáo dục, tạo việc làm cho đối tượng thu nhập thấp, đào tạo kĩ năng cho người lao động hay phát triển kinh tế sẽ giúp tăng năng suất và tác động đến thành công của doanh nghiệp.

Ông Đức cho rằng, doanh nghiệp còn cần phải định nghĩa rõ sứ mệnh xã hội của mình, trở thành sứ mệnh xuyên suốt. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển dần sứ mệnh của công ty gắn liền với mục tiêu xã hội.

Vị đại diện Gojek lấy ví dụ như với Nestlé, công ty này luôn khẳng định sứ mệnh của mình là dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe. Từ đó gỡ bỏ rào cản và đem lại giá trị cho đối tác.

Mỗi ngành nghề sẽ tiếp cận với phương pháp CSV khác nhau. Riêng ông, nhìn chung có ba cách để thực hiện mô hình CSV.

Thứ nhất, doanh nghiệp nên xác định lại vấn đề năng suất trong chuỗi giá trị. Đây là một phương pháp hữu hiệu để đánh giá tốt nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó xây dựng tính bền vững cho riêng doanh nghiệp.

Thứ hai, cần xem xét lại các sản phẩm và thị trường để đối mới và sáng tạo. Cụ thể, ông Đức cho biết, khi các công ty khác tập trung vảo mảng gọi xe 4 bánh thì Gojek Việt Nam có con đường khác là phát triển ứng dụng gọi xe hai bánh.

Thứ ba, doanh nghiệp cần phát triển hệ sinh thái bởi các công ty không hoạt động tách biệt với môi trường xung quanh.

Kết thúc cuộc chia sẻ, CEO Phùng Tuấn Đức cho biết, một trong những câu nói ông thích nhất đó là "Great brands never have to give back" (những thương hiệu thực sự sẽ không cần phải mang lại điều gì cho xã hội, bởi bản thân doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã mang sứ mệnh đem lại giá trị cho những người xung quanh).

Minh Hằng