Câu hỏi trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: Cần làm gì để biến ba thách thức thành cơ hội từ nâng hạng?
Trước tiền, cần phải nói rằng, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu quyết tâm cao được cơ quan quản lý nhà nước đặt ra và tích cực hành động để thực hiện mục tiêu này trước năm 2025.
Trước thềm nâng hạng, câu hỏi được số đông nhà đầu tư đặt ra rằng thị trường sẽ được hưởng lợi như thế nào từ câu chuyện này và Việt Nam cần làm gì để tận dụng những tác động tích cực khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi?
Hai vấn đề này được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang bị khối ngoại rút ròng kỷ lục với quy mô khoảng 3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024. Với thực trạng này, giới đầu tư kỳ vọng liệu thị trường có thu hút được dòng vốn trở lại trong năm tới khi câu chuyện nâng hạng đang tới gần như vừa đề cập.
Những câu hỏi trên sẽ được các chuyên gia giải đáp tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: Khai thông & Bứt phá. Diễn đàn được tổ chức ngày 8/11 tới đây tại TP HCM với sự hiện diện của các chuyên gia đến từ những công ty chứng khoán lớn như SSI, VPS, VPBankS, MBS, Rồng Việt, TPS hay các công ty quản lý quỹ như SSIAM, Dragon Capital, PVIAM, Eastspring Investments (Eastspring Việt Nam)…
Trước thềm diễn ra sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM). Ông Nguyễn Bá Huy là người có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là một trong những diễn giả sẽ hiện diện tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025.
Theo ông Nguyễn Bá Huy, FTSE Russell trong kỳ đánh giá tháng 9/2024 đã ghi nhận những cải thiện tích cực của thị trường Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai Thông tư 68 từ tháng 11/2024. Với các cải thiện này, Việt Nam đã đáp ứng phần lớn tiêu chí nâng hạng.
Việc FTSE Russell có khả năng nâng hạng lên trạng thái Thị trường Mới nổi có thể khá quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Trước hết và quan trọng nhất, chúng tôi đang nhìn vào ước tính dòng vốn thụ động 1,7 tỷ USD trọng số dự kiến khoảng 0,6% trong chỉ số FTSE Emerging. Ngoài dòng vốn thụ động, việc nâng hạng sẽ tăng sự hiện diện của thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng nhiều quỹ và ETF thị trường mới nổi toàn cầu sẽ thêm thị trường Việt Nam vào rổ, từ đó thúc đẩy dòng vốn mới trong dài hạn”, Giám đốc Đầu tư SSIAM chia sẻ.
Về mặt thanh khoản thị trường, chuyên gia từ SSIAM dự đoán sẽ thấy khối lượng giao dịch cao hơn, đặc biệt là ở các cổ phiếu vốn hóa lớn đáp ứng các điều kiện của rổ. Quá trình nâng hạng cũng thúc đẩy cải thiện quy định liên tục.
Ví dụ, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã cải thiện quy trình giao dịch chứng khoán, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia thị trường. Thông tư này đánh dấu một bước tiến gần hơn để đáp ứng các yêu cầu nâng hạng EM của FTSE Russell.
Với sự công nhận tích cực gần đây của FTSE Russell về những cải thiện của thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 9 năm 2025 sẽ là thời điểm có khả năng cho quyết định nâng hạng EM.
Mặc dù việc nâng hạng là một chất xúc tác tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Bá Huy đưa quan điểm, thị trường cần lưu ý rằng mức ảnh hưởng trong ngắn hạn có thể không quá lớn.
Dẫn chứng từ quan sát các nước khác như Kuwait, Arab Saudi, Trung Quốc, dòng tiền được chia theo tranches giải ngân vào thị trường sau khi được công bố vào rổ nhằm tránh xáo động lớn về mặt dòng tiền. Vì vậy nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng sự bùng nổ về mặt dòng tiền trong ngắn hạn.
Dựa trên những phân tích trên, chuyên gia SSIAM cho rằng ngoài cơ hội từ việc nâng hạng, vẫn còn một số thách thức sau.
Thứ nhất, dòng tiền mới có thể mang lại một số biến động ngắn hạn khi thị trường điều chỉnh theo cơ sở nhà đầu tư mới.
Thứ hai, việc nâng hạng TTCK đặt ra thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng của thị trường để duy trì trạng thái thứ hạng. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng của hệ thống giao dịch cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống đối với việc gia tăng mạnh hoạt động giao dịch cần được đảm bảo để hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt.
Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam cần giải quyết được vấn đề về lượng hàng hóa đáp ứng đủ các điều kiện của FTSE Russell liên quan đến giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch trung bình, tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do (free float) và tỷ lệ room ngoại. Điều này sẽ giúp tăng hiệu ứng lan tỏa của việc nâng hạng thị trường.
Với ba vấn đề kể trên, Việt Nam cần làm gì để biến thách thức thành cơ hội. Câu hỏi trên sẽ được các chuyên gia uy tín có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường giải đáp tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. Diễn đàn với sự hiện diện của gần 30 chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản với 4 phiên thảo luận.
Phiên 1: Bối cảnh vĩ mô và xu hướng dịch chuyển dòng vốn.
Phiên 2: Bất động sản Việt Nam: Cơ hội đầu tư trong chu kỳ mới.
Phiên 3: Quản lý tài sản: Giải pháp đầu tư thụ động phát huy hiệu quả.
Phiên 4: Chiến lược đầu tư chứng khoán đón đầu bứt phá 2025-2027.