|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Câu hỏi để ngỏ về dự án sân bay Long Thành

20:36 | 20/10/2019
Chia sẻ
Cuối cùng việc chọn nhà đầu tư ở sân bay Long Thành theo hình thức nào vẫn là câu hỏi còn để ngỏ ở cuộc họp của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Vấn đề của dự án có quy mô hơn 111 ngàn tỉ đồng không phải là nguồn vốn cực lớn lấy từ đâu mà là phải làm rõ cơ sở pháp lý, phân vai chịu trách nhiệm trước khi chọn nhà đầu tư.

Câu hỏi để ngỏ về dự án sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh:TL

Quốc hội không quyết chỉ định hay đấu thầu

Tại phiên họp của UBTVQH hôm 17-10 nhằm cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành (giai đoạn I), Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn I. 

Trong đó Chính phủ trình Quốc hội cho phép dự án được đầu tư theo hình thức giao thực hiện (chỉ định thầu), cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay (VATM) .

Tuy nhiên, khi Chính phủ trình ra nội dung này, ngay tại văn bản thẩm tra của Ủy ban Kinh tế được trình cùng ngày, có nêu rõ: “Dự án sân bay Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ trong việc lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời phải đảm bảo cơ sở pháp lý”.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Chính phủ đề xuất chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác cảng là áp dụng quy định tại khoản 4 điều 22 của Luật đấu thầu và thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Khoản này quy định các trường hợp được chỉ định thầu: chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; một nhà đầu tư có khả năng thực hiện (công nghệ hoặc thu xếp vốn); nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng được yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ. 

“Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không áp dụng quy định trên thì cần trình Quốc hội xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách đặc biệt. Ủy ban đề nghị Chính phủ giải trình rõ về lý do, cơ sở pháp lý để UBTVQH, Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định”, theo gợi ý của Ủy ban kinh tế.

Kết luận cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tái khẳng định hình thức đầu tư là đấu thấu hay chỉ định thầu thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Nhưng qua các vấn đề nêu trên, có thể thấy cả Chính phủ và Quốc hội đều đang tìm cách phân định rõ vai trò: Cơ quan nào có quyền ra quyết định về hình thức đầu tư, nhất là chỉ định thầu tại dự án sân bay Long Thành? Hơn nữa, dự án đã thông qua chủ trương đầu tư tại Quốc hội, đến giờ này vì sao vẫn còn những sự phân vân lớn như vậy?

Giở lại Nghị quyết 94//2015 của Quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án (6-2015) thì thấy Quốc hội giao cho Chính phủ 7 nhiệm vụ cụ thể, phê duyệt các quy hoạch và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn... liên quan đến công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CHK. Trong nghị quyết không đề cập đến hình thức đầu tư.

Theo Luật đầu tư công thì thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, công trình đặc biệt quan trọng quốc gia là thuộc Quốc hội và các bước tiến hành cụ thể đối với dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ. 

Như vậy theo luật và cả nghị quyết thì Quốc hội không phê duyệt đến hình thức đầu tư. Tuy nhiên cũng phải đánh giá cao sự thận trọng của Chính phủ trước khi đi đến quyết định chỉ định thầu hay không là phải trải qua những bước thẩm định rõ ràng. 

Bởi lẽ, ở những dự án, công trình quốc gia khác, khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư xong là Chính phủ tiếp tục thực hiện. 

Nhưng ở một dự án đầu tư xây dựng sân bay có tổng mức khái toán ban đầu 5,45 tỉ đô la thì càng trải qua nhiều bước thẩm định, giám sát càng thể hiện trách nhiệm và sự thận trọng cần thiết.

Đó cũng là lý do mà khác các dự án khác, ngay trong nghị quyết của Quốc hội cách đây 3 năm, ghi rõ việc Quốc hội phê duyệt từng giai đoạn đối với dự án. 

Nhất là dự án này có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài thì “Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung. 

Sau đó trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể.

Do vậy, cũng căn cứ vào nội dung phê duyệt tại nghị quyết 94, Hội đồng thẩm định Nhà nước phải có báo cáo đầy đủ các nội dung và chỉ tiêu cụ thể. 

Nhưng đến nay, Chính phủ chưa có báo cáo đầy đủ, làm rõ một số nội dung:  tổng mức đầu tư (là 4,779 tỉ đô la Mỹ nhưng còn một số hạng mục mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa- theo Ủy ban Kinh tế); hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của dự án, công nghệ quản lý, vận hành, đào tạo nhân lực...Do đó UBTVQH không có đủ căn cứ, cơ sở trình Quốc hội xem xét, thẩm định.

Ba nội dung chưa phản ánh đủ dự án

Hiện nay, Chính phủ mới chỉ trình Quốc hội thông qua ba nội dung chính: quy mô đầu tư giai đoạn I của dự án như chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt (nghiên cứu luôn giai đoạn II và III), điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất theo hướng tăng thêm, mở thêm hai tuyến đường kết nối vào dự án và hình thức đầu tư (chỉ định thầu).

Với thời gian gấp rút để triển khai dự án (giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào 2025), vấn đề đối với sân bay Long Thành là phải hoàn tất hàng loạt nội dung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn I. Chỉ có một bức tranh đầy đủ, chi tiết hơn về dự án thì Quốc hội mới đủ cơ sở quyết định đầu tư. 

Bằng không, việc lựa chọn thông qua một số nội dung lớn, quan trọng của dự án nhưng không rõ là nội dung nào quan trọng hơn nội dung nào là một bài toán khó. Hoặc nội dung nào thì Quốc hội quyết, nội dung nào Chính phủ toàn quyền quyết định.

Chỉ khi nào phân định rõ cơ sở pháp lý và vai trò của các cơ quan trong việc quyết định các phân đoạn đầu tư dự án này thì dự án sân bay Long Thành sẽ được đẩy nhanh hơn nữa và minh bạch về trách nhiệm hơn nữa.

Đó là sự thận trọng cần thiết.

Lan Nhi