Đề xuất giao ACV làm NĐT sân bay Long Thành: Bộ trưởng GTVT khẳng định tài chính ACV tương đối tốt
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (chiều ngày 14/10), các đại biểu cho ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Theo đó, bên cạnh các đại biểu tán thành với phương thức huy động vốn thực hiện 4 hạng mục và công trình phụ trợ thì còn một số đại biểu cho ý kiến và thắc mắc về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại, AVC đang đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sắp tới là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không.
Phối cảnh sân bay Long Thành.
Giải trình về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án rất cấp thiết, bởi Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Vì vậy, sau khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giảm tải đáng kể cho Sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lân cận.
Về nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không ACV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước đã báo cáo Chính phủ, theo đó, tài chính của ACV tương đối tốt.
"Hiện các kế hoạch mà ACV trình Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, Ủy ban Quản lí vốn nhà nước xem xét giám sát chặt chẽ về khả năng đáp ứng vốn. Hàng năm, Bộ GTVT sẽ có báo cáo cụ thể, chi tiết về tiến độ, phương án tài chính, các giai đoạn triển khai dự án đến Quốc hội giám sát", Bộ trưởng Thể khẳng định.
Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã bổ sung 2 dự án này vào giai đoạn đầu tư công trung hạn, vì hai tuyến đường này nằm ngoài phạm vi 5.000 ha Dự án sân bay Long Thành.
Khi Quốc hội thông qua chủ trương thì Chính phủ sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư công và tiến hành các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng. Vì công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến tái định cư. Do vậy, khi được Quốc hội thông qua, dự kiến 2021 sẽ triển khai và hoàn thành trước khi khởi công Dự án.
Về hình thức đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện nay ACV là đơn vị với gần 100% vốn nhà nước, được giao đầu tư 21 sân bay, thực tế chỉ có 8 sân bay mà ACV có nguồn thu, còn các sân bay còn lại làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trong 8 sân bay quốc tế có lãi phải bù cho các sân bay thực hiện nhiệm vụ an ninh, chính trị. Vì vậy, nếu được giao ACV sẽ điều hành dự án này và nguồn thu từ dự án này sẽ hỗ trợ ACV điều hành các sân bay khác tốt hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Tờ trình gửi Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành. Tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu tham khảo mô hình quốc tế, cũng như phân tích ưu, nhược điểm của từng hình thức đầu tư trên cơ sở 6 tiêu chí, trong đó có vai trò và lợi ích của Nhà nước; năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; nhu cầu và khả năng huy động vốn…, ACV được đề xuất sẽ đóng vai trò chính trong việc đầu tư các hạng mục chủ chốt nhất tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư theo phương án Chính phủ chọn là gần 111.700 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025.
Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục. Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lí nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lí nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lí bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo qui định của Luật Đầu tư.