Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/3: Số ca tử vong ở Italy vượt Trung Quốc, Việt Nam có ca nhiễm thứ 85
Tính đến 7h sáng nay (20/3), toàn thế giới đã ghi nhận 244.919 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 10.031 người đã tử vong và 87.408 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 85
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, hôm qua (19/3), Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 86, trong đó 16 người đã được chữa khỏi.
Ngoài ra, có 122 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 42.918 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.
Số ca nhiễm ở Việt Nam hiện nay bao gồm:
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (13); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (20); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1).
Trong bối cảnh người Việt ở nước ngoài hồi hương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa trưng dụng khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II và 1 tòa nhà khu Pháp Vân - Tứ Hiệp làm nơi cách li tập trung, đủ chỗ cho khoảng 6.800 người.
Tại TP HCM, trong 10 ngày tới, dự kiến Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách li tại TP HCM.
Do đó, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đề nghị các lực lượng cần tính toán lại các khu cách li tập trung; khả năng đáp ứng về giường bệnh, bác sĩ, y tá, điều dưỡng và đội ngũ phục vụ, trang thiết bị… để đảm bảo không bị lúng túng khi triển khai.
Trên thế giới: Số người chết do COVID-19 ở Italy vượt Trung Quốc
Theo hãng tin AFP, Trung Quốc đại lục lần đầu tiên không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào nhiễm COVID-19 trong ngày kể từ khi virus xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12, trước khi lan rộng ra toàn thế giới.
Cụ thể, tính đến sáng nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 80.928 ca mắc COVID-19 và 3.245 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 ở phần còn lại của thế giới đã vượt qua cả Trung Quốc nơi mà đại dịch này gần như đã được ngăn chặn.
Italy hôm qua (19/3) đã vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia có nhiều người tử vong vì COVID-19 nhất trên thế giới. Nước này ghi nhận thêm thêm 427 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 3.405 ca. Italy cũng xuất hiện thêm 5.322 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm COVID-19 lên 41.035.
Tây Ban Nha – quốc gia có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu (sau Italy) hôm 19/3 đã ghi nhận thêm 3.308 ca nhiễm mới và 193 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 18.077 và 831.
Trong khi đó, Pháp báo cáo thêm 108 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 372. Quốc gia này cũng ghi nhận thêm 1.861 ca nhiễm, nâng tổng số lên 10.995.
Tại Châu Mỹ, trong vòng 24h qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến thêm 4.581 và 59 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong tính đến sáng nay lên lần lượt là 13.840 và 209 ca.
Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch chuẩn bị cho khả năng đại dịch COVID-19 kéo dài trong ít nhất 18 tháng, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/3 cho biết chloroquine và hydroxychloroquine - những loại thuốc vốn được dùng để trị bệnh sốt rét và viêm khớp nghiêm trọng đã được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tán thành để thử nghiệm chữa trị COVID-19, theo AFP.
Tại Trung Đông, Iran là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cũng là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Italy. Trong vòng 24h qua, quốc gia này có thêm 1.046 ca nhiễm COVID-19 và 149 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 18.407 và 1.284.
Với các quốc gia bị tê liệt bởi đại dịch và thị trường chứng khoán chao đảo, các nhà hoạch định chính sách đã mở ra một làn sóng các biện pháp nhằm củng cố nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỉ EURO. Tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã kêu gọi Quốc hội thông qua gói kích thích khẩn cấp trị giá 1 nghìn tỉ đô la,…
Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Năm đã đưa ra cảnh báo về những tác động có khả năng tàn phá của dịch COVID-19.
"Nếu chúng ta để virus lây lan như cháy rừng, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, nó sẽ giết chết hàng triệu người," ông Guterres nói.