Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/8: Gần 20 triệu ca nhiễm toàn cầu
Việt Nam có 812 ca mắc COVID-19
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 10/8
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (9/8) Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc COVID-19 mới tại Hà Nội và Bắc Giang. Đến nay Việt Nam có 812 ca mắc.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 178.695.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 395/812 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 48,6% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện có 40 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 367 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Số trường hợp tử vong: 10 ca.
Thế giới gần 20 triệu ca nhiễm COVID-19, một số học khu Mỹ sắp mở lại các lớp học
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 9/8, toàn thế giới có tổng cộng 19.783.493 ca mắc COVID-19, trong đó có 728.532 người tử vong và 12.703.867 bệnh nhân phục hồi (đạt 64,2%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày toàn cầu đang tăng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc 5 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 5.147.805 (chiếm 26,04% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 52.281 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 947 ca, nâng tổng số lên 165.041. Tổng số người phục hồi là 2.634.420 (tỉ lệ phục hồi đạt 51,17%).
Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 8.502 ca ở Florida, 6.607 ca ở Texas và 6.462 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 4.423 ca, Illinois 2.190 ca, Arizona 1.054 ca.
Theo AFP, các học khu của bang New York được phép tổ chức lại các lớp học ở những nơi có tỉ lệ dương tính COVID-19 trung bình dưới 5%, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết trong thông cáo ngày 7/8. Năm học mới của bang New York dự kiến bắt đầu vào tháng 9.
Chỉ một số ít học khu của Mỹ dự kiến bắt đầu năm học mới với các hình thức giảng dạy trực tiếp. Thị trưởng thành phố Chicago Lori Lightfoot, học khu lớn thứ ba của Mỹ, ngày 5/8 thông báo bỏ kế hoạch giảng dạy theo mô hình kết hợp và toàn bộ học sinh bắt đầu năm học mới với hình thức học trực tuyến.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 46.305 và 841 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 3.013.369 và 100.543. Trong đó tổng số ca phục hồi là 2.094.293 (tỉ lệ phục hồi đạt 69,5%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 2.152.020 ca nhiễm và 43.453 ca tử vong, tăng lần lượt 65.156 và 875 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 68,76% với tổng 1.479.804 người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico, và Anh.
Theo Reuters, tỉ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới dường như đang tăng lên. Chỉ mới ba tuần trước, Ấn Độ ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.
Trước đó, các điểm nóng COVID-19 tại Ấn Độ tập trung tại New Delhi và Mumbai, nơi có những khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, đang trở thành những vùng dịch mới, khi lệnh phong tỏa được nới lỏng để cứu vãn nền kinh tế.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.212 ca mắc và 129 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 882.347 trường hợp, trong đó 14.854 trường hợp tử vong, và 690.207 người hồi phục (đạt 78,22%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.
Đây là ngày thứ 43 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.
Theo SputnikNews, Thứ trưởng Bộ Y tế Oleg Gridnev cho biết, vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới sẽ được đăng kí vào ngày 12/8.
Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 553.188 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 10.210, số ca bình phục là 404,568 (73,13%)
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong vài ngày nay, nhưng số ca tử vong lại có xu hướng tăng.
Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 469.407 ca, trong đó có 51.311 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới, và 313.386 người hồi phục (66,76%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang có xu hướng tăng.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.596 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 79.123 (93,53%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm nội địa (đều ở khu tự trị Tân Cương) và 6 ca ngoại nhập (2 ca ở thành phố Thượng Hải, 1 ở tỉnh Chiết Giang, 1 ở tỉnh Sơn Đông, 1 ở tỉnh Hồ Bắc và 1 ở tỉnh Quảng Đông).
Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện hôm 24/7 ở thành phố Đại Liên.
Theo CNN, thái độ không hài lòng của người dân với phản ứng COVID-19 của chính phủ ngày càng tăng khi Nhật Bản dường như đang đối mặt với một đợt bùng phát lớn khác.
Trong 10 ngày qua, Bộ Y tế Nhật đã ghi nhận hơn 900 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tới nay, quốc gia này đã báo cáo 45.439 ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát, với hơn nửa trong số này được ghi nhận kể từ tháng 7. Và 1.039 người tử vong vì COVID-19.
Nhiều ca nhiễm được phát hiện ở Tokyo với những ca nhiễm không thể truy vết. Trong tháng 5 và 6, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này hầu như ở mức dưới 100. Nhưng số ca nhiễm tăng dần kể từ đó và đạt đỉnh điểm 472 người vào ngày 1/8. Thủ đô Nhật Bản đã báo cáo hơn 14.500 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Giới chức Tokyo đã yêu cầu tất cả nhà hàng và quán bar đóng cửa trước 22h để giảm nguy cơ lây nhiễm trong không gian kín vì cho rằng nhiều ca mắc COVID-19 tại đây liên quan tới những người thường ra ngoài vào ban đêm.
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 6/8 nói sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp, bất chấp thực tế số ca nhiễm mới hiện nay cao hơn thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 7 tuần hồi tháng 4.
Người dân Nhật đang có những ý kiến không hài lòng với lãnh đạo của họ khi đưa ra các biện pháp chống đại dịch nửa vời, những bước đi không phù hợp, khi chi 16 tỉ USD trợ cấp để vực dậy ngành du lịch, giữa lúc nhiều thành phố trên cả nước vật lộn với làn sóng tăng ca nhiễm mới.
Nhiều người trong ngành dịch vụ khách sạn hiện phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chống lại lệnh đóng cửa lúc 22h.
Theo Guardian, Anh, do không có sự hỗ trợ và giám sát hiệu quả đối với những người phải phải cách li, nên dù Anh đã rất nỗ lực trong việc xét nghiệm và truy vết bệnh nhân COVID-19, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan tràn tại nước này, theo Costello, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học London, và là một cựu giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Giới chức y tế nước này cho biết không có dữ liệu nào để giám sát và cho thấy những người tự cách li tại nhà (áp dụng đối với người có triệu chứng nhẹ hoặc đã từng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19) có tuân thủ chỉ dẫn cách li 14 ngày tại nhà hay không.
"Nước này lẽ ra phải đưa ra được một chiến lược cách li và kế hoạch phòng chống COVID-19 hiệu quả từ tháng 2, nhưng họ đã không làm được như vậy trong suốt 6 tháng qua", giáo sư Costello cho hay.
Nước này hiện có 309.763 ca nhiễm, trong đó có 46,566 ca tử vong vì COVID-19 - cao thứ 4 thế giới.