|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 3/8: Một bang của Australia ban bố tình trạng thảm họa, Malaysia phạt nặng người không đeo khẩu trang

07:45 | 03/08/2020
Chia sẻ
Tính đến 6h sáng nay, thế giới đã vượt mốc 18 triệu ca mắc COVID-19. Việt Nam có thêm một ca nhiễm mới.

Thêm một ca mắc mới COVID-19 ở Quảng Ngãi, Việt Nam có 621 ca bệnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 4/8

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (3/8) Việt Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới COVID-19 tại Quảng Ngãi, nâng số ca mắc tại Việt Nam đến nay lên 621 ca.

Ca bệnh 621 (BN621): Bệnh nhân nữ, 60 tuổi, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ngày 18-22/7, bệnh nhân chăm sóc người ốm tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 31/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho. 

Ngày 01/8, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 02/8 là dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 103.268.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 3/8: Bang của Úc ban bố 'tình trạng thảm họa', Việt Nam thêm 1 ca - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 373/620 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 60,1% tổng số ca bệnh.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện có 19 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 223 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Số trường hợp tử vong: 06 ca.

Thế giới vượt mốc 18 triệu ca nhiễm COVID-19, một bang của Australia ban bố "tình trạng thảm họa"

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 3/8, toàn thế giới có tổng cộng 18.218.855 ca mắc COVID-19, trong đó có 692.307 người tử vong và 11.435.144 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh.

Theo SCMP, WHO hôm 31/7 thông báo nhóm nghiên cứu của họ đã hoàn thành nhiệm vụ sơ bộ cho cuộc điều tra về nguồn gốc động vật và vật chủ trung gian truyền nCoV, kéo dài ba tuần ở Trung Quốc. Nhóm sẽ tiếp tục tăng tốc "nghiên cứu về hai ẩn số quan trọng còn lại của virus SARS-CoV-2, nguồn gốc động vật và các vật chủ trung gian tiềm năng của nó".

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 3/8: Bang của Úc ban bố 'tình trạng thảm họa', Việt Nam thêm 1 ca - Ảnh 2.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP)

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa mốc 4 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.811.959 (chiếm 26,47% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 47.350 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 424 ca, nâng tổng số lên 158.322. Các số liệu đều giảm mạnh so.

Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 7.104 ca ở Florida, 4.225 ca ở Texas và 6.063 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 3.165 ca, Arizona 1.465 ca, Louisiana 3.467 ca.

Theo AFP, cố vấn dịch tễ học của Mỹ - Anthony Fauci, đã đưa ra quan ngại hôm 31/7 về sự an toàn của vắc xin COVID-19 đang được phát triển bởi Trung Quốc và Nga, do hệ thống quản lí ở các nước này không minh bạch như ở phương Tây. 

Một số công ty Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đua vắc xin toàn cầu, trong khi Nga tuyên bố đặt mục tiêu sẽ là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được vắc xin vào tháng 9.

CNN dẫn lời Tiến sĩ Deborah Birx - điều phối viên nhóm chuyên trách phản ứng với COVID-19 hôm chủ nhật (2/8) cho biết Mỹ đang ở giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch khi virus hiện lan rộng hơn đợt sóng đầu tiên rất nhiều.

Bà nhấn mạnh người dân Mỹ cần tuân thủ các khuyến cáo về y tế, trong đó có việc đeo khẩu trang và giữ cách biệt cộng đồng.

Theo CBS, một học sinh trường trung học Greenfield-Central ở bang Indiana, Mỹ, được phát hiện dương tính với COVID-19 ngay trong ngày đầu trở lại trường học (sau khi tiến hành xét nghiệm vài ngày trước đó). "Điều này không thay đổi kế hoạch của chúng tôi" hiệu trưởng trường này nói về kế hoạch mở lại trường học.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 24.801 và 488 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.733.677 và 94.104.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong 24 giờ qua tại nước này giảm mạnh, nhưng nhìn chung các con số vẫn đang có xu hướng tằng.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.804.702 ca nhiễm và 38.161 ca tử vong, tăng lần lượt 52.783 và 758 so với ngày hôm trước.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico, và Anh.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah - cố vấn thân cận của Thủ tướng Narendra Modi, đứng đầu một bộ đi đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh đã thông báo dương tính với COVID-19  hôm chủ nhật (2/8).

Theo Hindustantimes, Ấn Độ sẽ mở lại phòng tập gym, trung tâm dạy yoga và dừng áp giờ giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 5/8. 

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.427 ca mắc và 70 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 850.870 trường hợp, trong đó 14.128 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.

Đây là ngày thứ 38 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.

Nước này đang chuẩn bị khởi động một chiến dịch vắc xin chống COVID-19 trên diện rộng vào tháng 10 tới, bác sĩ và giáo viên sẽ là những người được ưu tiên.

Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 511.485 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 8.366.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng.

Mexico đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 434.193 ca, trong đó có 47.472 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang trên đà tăng.

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.385 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 79.003 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Trung Quốc đang tăng mạnh trong những ngày qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 33 ca nhiễm nội địa (30 ca ở khu tự trị Tân Cương, 3 ca ở Liêu Ninh) và 16 ca ngoại nhập (4 ca ở tỉnh Tứ Xuyên, 3 ca ở tỉnh Sơn Đông, 3 ca ở tỉnh Hồ Bắc, 2 ca ở tỉnh Quảng Đông, 2 ca ở tỉnh Thiểm Tây, 1 ca ở tỉnh Thượng Hải và 1 ca ở tỉnh Phúc Kiến).

Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện ở thành phố Đại Liên.

Australia trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 641 ca nhiễm, 7 ca tử vong, nâng tổng số lên 17.923 ca nhiễm, trong đó có 208 trường hợp tử vong.

Theo thống kê, từ tháng 4 tới tháng 6, số ca nhiễm mới mỗi ngày của nước này chỉ trên dưới con số 20 ca, những tư đầu tháng 7 trở lại đây số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của Australia đang trên đà tăng mạnh trở lại.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 3/8: Bang của Úc ban bố 'tình trạng thảm họa', Việt Nam thêm 1 ca - Ảnh 3.

Nhóm cảnh sát và binh sĩ đi tuần tại khu vực Docklands, Melbourne, sau khi giới chức bang Victoria của Australia ban hành lệnh hạn chế ngăn nCoV mới, ngày 2/8. (Ảnh: AFP)

Theo AFP, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew hôm qua (2/8) ban bố "tình trạng thảm họa" trên toàn bang và cho biết thủ phủ Melbourne sẽ áp các biện pháp hạn chế "Giai đoạn 4" tới 13/9 trước tình hình dù đã phong tỏa từ đầu tháng 7, thành phố này vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo Straits Times, Giới chức Malaysia hôm qua (2/8) đã ban hành qui định đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Theo Đạo luật Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Malaysia, những người không tuân thủ qui định mới này có thể bị phạt tiền lên tới 1.000RM (tương đương 236USD).

Nước này hiện ghi nhận 8.999 tổng số ca nhiễm trong đó có 125 trường hợp tử vong do COVID-19.

Theo Reuters, khoảng 17.000 người tuần hành ở thủ đô Berlin, Đức, phản đối các biện pháp ngăn chặn COVID-19 vì cho rằng vi phạm các quyền và sự tự do.

Những người tham dự cuộc tuần hành gồm những người ủng hộ chủ nghĩa tự do, trung thành với hiến pháp, những nhà hoạt động chống vaccine và một bộ phận nhỏ thuộc phe cực hữu.

Đức hiện có 211.462 tổng số ca nhiễm và 9.226 ca tử vong vì đại dịch.

Như Ý

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.