|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/2: WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin Việt Nam sắp nhập

08:23 | 16/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 16/2 có những tin đáng chú ý như Hàn Quốc bắt đầu phân phối thuốc điều trị, Israel tuyên bố vắc xin Pfizer hiệu quả 94%, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong gần 4 tháng.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (16/2) Hải Dương ghi nhận hai ca mắc COVID-19 đều là F1 đã cách ly trước đó, liên quan đến ổ dịch Cẩm Giảng và ổ dịch Kinh Môn.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.372 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 679 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 128.080.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.567 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 43 ca; số ca âm tính lần hai là 31 ca, số ca âm tính lần ba là 20 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 109,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,41 triệu người tử vong và 84,18 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu giảm liên tục trong một tháng qua.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

NBC News đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai phiên bản vắc xin COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford phát triển, bật đèn xanh cho các nước trên thế giới triển khai các loại vắc xin này thông qua cơ chế COVAX.

Hai phiên bản vắc xin COVID-19 của AstraZeneca là sản phẩm của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và Hàn Quốc. Các cơ sở tại hai quốc gia này là nơi sản xuất gần như toàn bộ lô vắc xin AstraZeneca đầu tiên cho chương trình COVAX.

Trước đó, WHO lần đầu chấp thuận sử dụng khẩn cấp một loại vắc xin COVID-19 là vắc xin của Pfizer/BioNTech.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,31 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 49.360 ca trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong gần 4 tháng qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 919 ca, nâng tổng số lên 498.168. Tổng số người phục hồi là hơn 18,34 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 64%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ giảm liên tục trong hơn một tháng trở lại đây.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,92 triệu ca nhiễm và 155.836 ca tử vong, tăng lần lượt 9.036 và 72 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,63 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 32.197 và 601 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,86 triệu và 239.895 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,8 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. Số ca bệnh mới hàng ngày lên xuống thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 14.207 ca mắc và 394 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,08 triệu trường hợp, trong đó 80.520 trường hợp tử vong, và hơn 3,6 triệu người hồi phục (đạt 88%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/2: WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin của AstraZeneca, loại Việt Nam sắp nhập - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Israel, quốc gia đang dẫn đầu thế giới về lượng mũi vắc xin được tiêm trên đầu người, với 3,8 triệu người đã tiêm liều đầu tiên, trong khi 2,4 triệu người được đã tiêm đủ hai liều, hôm 14/2 cho biết, qua nghiên cứu trên 600.000 người đã tiêm hai mũi vắc xin Pfizer/BioNTech cho thấy vắc xin này hiệu quả 94%. Giới chức nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân trên 16 tuổi vào cuối tháng 3, theo AFP.

Israel đang nới lỏng các hạn chế được áp dụng trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba dù vẫn đang ghi nhận 2.000 - 3.000 ca bệnh mới/ngày trong vài ngày gần đây. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, trong đó có một trường hợp nội địa ở tỉnh Hà Bắc, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Đây là ca nhiễm nội địa đầu tiên sau 7 ngày nước này không có ca bệnh trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.772 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.499 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 344 ca mắc mới, với 323 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 83.869 ca, trong đó có 1.527 trường hợp tử vong, và 73.794 người đã hồi phục (88%). 

Nước này hôm nay nới lỏng một số quy định hạn chế COVID-19 với các ngành nghề kinh doanh, nhưng vẫn giới hạn tụ tập riêng tư trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại đây ở mức 300 ngày thứ ba liên tiếp, có vẻ do ít xét nghiệm hơn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo Yonhap.

Hàn Quốc đã xác định 94 trường hợp nhiễm các biến thể COVID-19 từ Anh, Nam Phi và Brazil kể từ tháng 12/2020.

KDCA cho biết giai đoạn đầu tiên của chương trình vắc xin sẽ được triển khai vào ngày 26/2 cho nhóm ưu tiên ngoại trừ những người trên 65 tuổi do không đủ dữ liệu lâm sàng về hiệu quả vắc xin cho nhóm tuổi này. KDCA sẽ quyết định chương trình tiêm chủng cho người già ở các cơ sở chăm sóc sau khi nhận được dữ liệu bổ sung từ AstraZeneca để đảm bảo tính an toàn.

Thuốc điều trị nội địa bằng kháng thể đơn dòng chống COVID-19 của Celltrion sẽ được cung cấp cho các cơ sở y tế địa phương bắt đầu từ 17/2, và hiện chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân có sự chấp thuận của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, nhiều khả năng là bệnh nhân cao tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính.

Như Ý