|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cao tốc Bắc-Nam ế thầu: Đừng lo chuyện viển vông

11:50 | 26/02/2018
Chia sẻ
Con số quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho nhà đầu tư phải đảm bảo 20% không quan trọng bằng khung pháp lý để yêu cầu họ thực hiện.

Quan trọng là có vốn thật hay ảo

Theo đề xuất mới đây của Bộ GTVT lên Chính phủ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam phải đạt khoảng 20% tổng mức đầu tư. Trong khi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT kêu gọi đầu tư, có 5 dự án tổng mức đầu tư từ 15.000 - 20.000 tỉ đồng/dự án, đồng nghĩa với vốn chủ sở hữu tương đương 3000-4000 tỷ đồng.

Thế nhưng, rất nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng cho rằng, với mức quy định đưa ra như vậy là rất khó, thậm chí không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu.

Trước vấn đề trên, ngày 23/2, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông cho biết: "Con số tỷ lệ vốn chủ sở hữu có thể thay đổi theo từng lĩnh vực khác nhau, vấn đề là huy động thế nào cho rõ ràng, minh bạch.

Nhưng thường thì mức đóng góp phải cao, với các dự án trên thế giới phải trên 40%, chứ trên 20% sẽ không hiệu quả.

Tôi chỉ nói ngay nhìn vào thực tế làm nhà riêng, nếu làm nhà 1 tỷ đồng thì phải có 700-800 triệu mới dám làm, chứ có 100-200 triệu đồng chắc không ai dám liều bởi rủi ro, ảnh hưởng tiến độ và nhiều việc khác.

cao toc bac nam e thau dung lo chuyen vien vong

Không nên lo ngại việc 8 dự án cao tốc Bắc Nam bị ế thầu.

Từ khi xuất hiện hình thức BOT đến nay, cũng có tầm khoảng 15-30% tổng số dự án là "tay không bắt giặc" như BOT Cai Lậy, đường tránh Biên Hòa...nhưng tôi nghĩ chắc chắn đây là dự án của các công ty sân sau, nhiều tiêu cực thậm chí tham nhũng không ai quản lý.

Có lẽ với những tiêu cực xuất hiện, nên trên thế giới làm BOT không còn là phép màu, thậm chí hạn chế và chuyển sang BOT không thu phí, BOT nhà nước trả lãi theo phương án khác.

Xu hướng của thế giới là không còn trạm thu phí vì họ phát hiện tham nhũng quá nhiều, cứ nhìn sang Thái Lan, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc là thấy rõ nhất. Nhưng ngành xây dựng Việt Nam không như thế giới, luôn có một độ trễ, chứ không phải làm đến đâu hoàn thiện đến đó, vì vay vốn Ngân hàng, thời gian thanh toán, quyết toán cũng lâu hơn.

Để thấy việc đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu 10%-15%-20%, các nhà đầu tư nói không đủ khả năng, nhưng chúng ta cũng không có cơ sở để giám sát vì thực chất phải triển khai khung pháp lý, kiểm tra thực tế, vì vốn đăng ký dù có bao nhiêu thì cũng như không.

Có thể công ty đó khẳng định có 50% vốn nhưng không phải vốn thực, những ai từng làm doanh nghiệp đều hiểu việc này, vốn đăng ký pháp định là khác, vốn thực tế bỏ ra tài khoản ngân hàng là khác. Nên tôi khẳng định điểm quan trọng vốn này phải là vốn thật.

Cần hoàn thiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Không được để lặp lại tình trạng các dự án chưa quyết toán đã đòi thu phí, giống như một lãnh đạo nhà nước từng nói phải thúc các nhà đầu tư quyết toán nhanh, trị thật nghiêm những ai không quyết toán theo Luật xây dựng, chứ không năn nỉ, xuống nước.

Tóm lại, Bộ GTVT phải kết hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT chính sửa nhanh các Nghị định, Thông tư để có khung pháp lý để đưa mọi dự án vào khuôn khổ".

Bên cạnh đó, theo ông Sanh, hiện nay về Luật còn chưa nghiêm, chưa rõ và chưa thấy trách nhiệm của từng đơn vị nên BOT còn lúng túng.

Không thiếu nhà đầu tư tham gia

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, vừa qua BOT Cai Lậy được yêu cầu phải báo cáo trong thời hạn 2 tháng, nhưng đến giờ đã 3 tháng mà chưa ai báo cáo.

"Theo tôi, những việc nhỏ mà không giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách BOT rất lớn. Ở đây, nếu một số nhà đầu tư kêu khó thì cứ đấu thầu công khai, xem có doanh nghiệp nào muốn tham gia, tôi chắc chắn là có.

Bản thân tôi chỉ sợ Bộ GTVT bắt tay với nhà đầu tư, rồi làm khó Chính phủ. Cách làm là cứ la làng lên để cho nhà nước thấy rằng các chủ trương lớn sợ thực hiện không được, rồi nới rộng quy định.

Tôi khẳng định lợi nhuận cao tốc Bắc Nam là vô cùng lớn, nên việc kêu khó chỉ là ngụy biện.

Quan trọng Bộ GTVT có làm minh bạch, làm hết sức hay không, nếu không ai tham gia thì đừng làm BOT, làm hình thức khác. Tôi chỉ thấy đường sắt không ai làm, chứ không phải cao tốc, nếu không làm thì vẫn còn đường hàng không, đường biển, đâu nhất thiết phải đường bộ, mà phải làm bằng mọi giá.

Cứ công khai minh bạch mời các nhà đầu tư quốc tế, sửa các khung pháp lý, nếu không sửa sẽ bị nhà đầu tư lợi dụng.

Hiện nay cách quản lý giá xây dựng của Bộ GTVT còn nhiều sạn, dư địa để cho nhà đầu tư làm cao tốc, nên chắc chắn không thiếu nhà đầu tư, thậm chí lúc nào họ cũng sống trong thụ lộc.

Chính vì thế, miếng mồi béo bở này thậm chí còn tranh nhau chứ đừng đề cập đến việc không ai tham gia, tôi chỉ quan tâm đến việc ai làm, năng lực thực sự ra sao, có đảm bảo công bằng, minh bạch không?

Châu An