|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cao Dĩ Tường, văn hóa làm việc đến chết và câu hỏi bỏ ngỏ từ chia sẻ của 'shark' Thái Vân Linh

07:29 | 29/11/2019
Chia sẻ
Sự ra đi của nam diễn viên dưới sức ép công việc khiến nhiều người liên tưởng đến cái chết của hàng triệu người trẻ tuổi mỗi năm trên khắp châu Á vì làm việc kiệt sức, đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong showbiz mà còn lan rộng và ám ảnh hơn ở môi trường công sở.

Áp lực công việc và cái chết của nam diễn viên Cao Dĩ Tường

Hôm 27/11, Đài Chiết Giang (Trung Quốc) thông báo nam diễn viên Cao Dĩ Tường đột tử khi đang ghi hình chương trình thực tế "Chase me". Cao Dĩ Tường từng tham gia khá nhiều bộ phim và nổi tiếng nhất có lẽ là thông qua "Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên".

Mặc dù là người có thể chất rắn rỏi, yêu thích thể thao, yêu cầu vận động mạnh khi tham gia chương trình đã khiến nam diễn viên Hoa ngữ đột tử.

6879eabdgy1g95vlwx5dlj20tm18gq68_ideo

Nam diễn viên quá cố Cao Dĩ Tường. (Ảnh: Weibo)

Người hâm mộ đang rất bàng hoàng trước sự ra đi của Cao Dĩ Tường và càng tức giận hơn khi chi tiết hợp đồng mà nhiều người nhận định không khác gì "hợp đồng sinh tử" của nam diễn viên được tiết lộ.

Bên cạnh một số điều khoản cơ bản, hợp đồng trên nêu rõ: "Tiết mục có tính cạnh tranh cao, có thể gây ra ảnh hưởng về tâm sinh lí cho nghệ sĩ. Vì vậy, nghệ sĩ cần phải có hiểu biết đầy đủ, hoàn toàn tự nguyện tham gia và chịu trách nhiệm trước hậu quả".

Trước nam diễn viên Cao Dĩ Tường, hai nữ "idol" Hàn Quốc Sulli (cựu thành viên nhóm f(x)) và Goo Hara (thành viên nhóm Kara) cũng mới vừa qua đời cách đây không lâu.

avatar1574647140318-15746471403251383906878-crop-1574647478577729533771

Đôi bạn thân Sulli và Goo Hara. Ảnh: Naver

Tương tự trường hợp của Cao Dĩ Tường, hai nữ nghệ sĩ Kpop, vốn là bạn thân của nhau, cũng gặp không ít áp lực trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu chỉ trích từ cộng đồng "anti-fan", khiến tâm lí rơi vào trạng thái bất ổn.

Một ngôi sao thần tượng Hàn Quốc thường phải dành hàng năm làm thực tập sinh, chăm chỉ tập luyện thanh nhạc và vũ đạo cực kì vất vả. Ngoài ra, họ còn phải liên tục ép cân để duy trì vóc dáng hoàn hảo và chạy lịch trình rất căng thẳng. Do đó, thời gian dành cho công việc là cực kì nhiều.

Nhìn chung, sự ra đi của các nghệ sĩ trên dưới sức ép công việc khiến nhiều người liên tưởng đến cái chết của hàng triệu người trẻ tuổi mỗi năm trên khắp châu Á vì làm việc kiệt sức, đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong showbiz mà còn lan rộng và ám ảnh hơn ở môi trường công sở.

Ở Nhật Bản có một thuật ngữ riêng để mô tả tình trạng làm việc đến chết là "karoshi", trong khi nghĩa tương đương ở Trung Quốc là "guolaosi" và tại Hàn Quốc là "gwarosa".

159 tiếng làm ngoài giờ, cái chết của nhà báo và lời cảnh tỉnh cho Nhật Bản

Vào năm 2013, nữ nhà báo Miwa Sado (31 tuổi) đã làm thêm đến 159 tiếng trong suốt một tháng ròng tại đài phát thanh truyền hình NHK (có trụ sở tại Tokyo), trước khi qua đời vì suy tim vào tháng 7/2013.

Tương tự, năm 2015, một nhân viên 24 tuổi của tập đoàn quảng cáo Nhật Bản Dentsu đã nhảy qua ban công trong phòng kí túc xá để tự tử sau khi làm thêm giờ hơn 100 tiếng trong một tháng, tờ USD Today đưa tin.

Salaryman

Một người đàn ông gục bên cạnh tàu điện ngầm do kiệt sức. (Nguồn: Think for IAFOR)

Nền văn hóa mãnh liệt này là sản phẩm của thời kì hậu chiến tranh tại Nhật Bản nhằm kéo nền kinh tế đi lên. Cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida từng yêu cầu các tập đoàn lớn đảm bảo việc làm cả đời cho nhân viên, trong khi chỉ yêu cầu họ trả ơn bằng lòng trung thành.

Chính văn hóa doanh nghiệp ấy khiến người dân Nhật Bản làm việc ngoài giờ liên tục, gặp phải vấn đề sức khỏe và trường hợp qua đời do mất sức ngày càng tăng lên.

Theo hãng tin Nippon, các tập đoàn cố gắng "lách luật" chính phủ Nhật Bản đặt ra về số giờ làm việc trong vài năm gần đây bằng cách khuyến khích nhân viên báo sai lệch số giờ làm việc thực tế của họ.

Một báo cáo năm 2016 đã phân tích tình trạng "karoshi" và nguyên nhân dẫn đến cái chết của người lao động. Báo cáo khẳng định hơn 20% trong số 10.000 nhân viên Nhật Bản cho biết họ làm thêm ít nhất 80 giờ mỗi tháng.

Không ngủ, không tình dục, không cuộc sống

Một bài viết trên South China Morning Post (SCMP) hôm 20/3 miêu tả môi trường làm việc vắt kiệt sức lực của những kĩ sư trẻ tuổi tại Thung lũng Silicon Trung Quốc - Thâm Quyến.

SCMP kể về một cặp đôi trẻ, trong đó người đàn ông vì quá tập trung để duy trì startup đến mức anh không thể ngủ vào ban đêm, còn cô gái được nhà tuyển dụng hỏi liệu cô có sẵn sàng chia tay với bạn trai vì công việc mới. Hai người thực sự muốn xây dựng tổ ấm nhưng không có năng lượng cho hoạt động tình dục sau giờ làm.

0054c51c-4ae9-11e9-8e02-95b31fc3f54a_image_hires_141820

Cặp đôi trẻ quá mệt mỏi sau một ngày làm việc mệt mỏi, không hứng thú với hoạt động tình dục. (Ảnh: SCMP)

Đây chỉ là một trong nhiều cuộc vật lộn mà hàng trăm nghìn công nhân trẻ trong ngành công nghệ Trung Quốc đang trải qua, SCMP nhấn mạnh.

Năm ngoái, trung bình mỗi tuần Trung Quốc tạo ra 4 tỉ phú mới, trong đó công nghệ đứng đầu danh sách động lực tạo ra khối tài sản mới, sau đó là bất động sản, theo Hurun Report.

Đối với mỗi câu chuyện thành công lại có hàng nghìn người hi vọng trở thành Jack Ma tiếp theo. Các công ty công nghệ ở Trung Quốc thường kì vọng nhân viên làm việc nhiều giờ liền để chứng minh sự tận tụy. Điều đó đã tạo ra "thời khóa biểu 996": làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần.

Vợ của anh Yang, 29 tuổi, đang làm quản lí sản phẩm tại Vọng Kinh - nơi từng được biết đến với tên gọi "Koreatown". Vào thời điểm cặp đôi trở về nhà sau một ngày làm việc dài, lúc đó đã gần nửa đêm.

Họ cố nhiều tháng liền để thụ thai một đứa trẻ nhưng quá mệt mỏi với tình dục vào các ngày trong tuần. Anh Yang lo lắng vì vợ có thể khó mang thai hơn khi bước qua tuổi 30: "Tôi hi vọng chúng tôi sẽ xúc tiến mục tiêu đó nhanh hơn".

Ngày càng có nhiều cái chết trẻ của các kĩ sư công nghệ Trung Quốc, mà theo truyền thông địa phương là do khối lượng công việc quá tải. Vào năm 2015, anh Li Junming, một nhà phát triển cho gã khổng lồ Tencent, đã gục ngã và qua đời trong khi đi dạo với người vợ đang mang thai.

Hong Kong, Hàn Quốc: Làm việc đến chết là văn hóa chung

Người lao động tại đặc khu hành chính Hong Kong cũng không còn xa lạ gì với việc làm thêm giờ. Theo thống kê gần nhất tờ SCMP trích dẫn, người Hong Kong đang làm thêm giờ nhiều hơn bất kì nước châu Á nào khác.

Một khảo sát do Regus thực hiện vào năm 2015 cho thấy 20% người ở Hong Kong làm ngoài giờ 4 - 6 tiếng/tuần và 19% làm thêm 6 - 8 tiếng/tuần. Con số này cao hơn so với Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Trong khi đó, CNN cho biết trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc làm thêm giờ nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác ngoại trừ Đức - nền kinh tế nổi tiếng cần cù của thế giới.

Tháng 7/2018, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua đạo luật yêu cầu giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 tiếng/tuần xuống 40 tiếng/tuần với chỉ 12 tiếng làm thêm giờ. Tổng thống Moon Jae-in xem đây là một "cơ hội quan trọng để đưa Hàn Quốc đi từ một xã hội làm việc quá sức thành một xã hội mà người dân có nhiều thời gian bên gia đình hơn".

Câu hỏi đặt ra từ nhận định của Shark Thái Vân Linh: Người trẻ có rời công ty trước 7h tối hay không?

Doanh nhân Thái Vân Linh từng làm việc tại nhiều công ty tài chính lớn ở Mỹ trước khi giữ chức Giám đốc Chiến lược và Vận hành tại Công ty quản lí Quỹ đầu tư VinaCapital.

shark-thai-van-linh-khach-hang-se-khong-den-neu-ban-chi-co-san-pham1528112700

Shark Thái Vân Linh. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo Shark Linh, khi bà tình cờ gặp cơ hội, bà đã chuẩn bị từ trước đó 10 năm. Lời khuyên của bà dành cho các bạn trẻ là không quan trọng họ muốn làm gì, trong ngành hay lĩnh vực nào mà quan trọng là họ tăng trưởng như thế nào.

Trong một tập của chương trình "Thương vụ bạc tỉ" (Shark Tank), Shark Linh từng chia sẻ: "Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa.

Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa".

"Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội", bà Linh kết luận.

Yên Khê