|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5 bài học lớn từ phong cách làm việc của người Nhật Bản

09:28 | 27/08/2019
Chia sẻ
Đánh giá cao ý tưởng ban đầu, bắt đầu và kết thúc bằng lời chào, chăm sóc môi trường làm việc là những bài học lớn mà một chuyên gia tài chính Mỹ tâm đắc khi làm việc ở xứ sở hoa anh dào.

Melissa Feineman - chuyên gia tài chính Mỹ có thời gian làm việc nhiều năm tại Nhật Bản - thực sự khâm phục tác phong làm việc của người Nhật.

Người Nhật Bản được thế giới biết đến với nền văn hóa độc đáo: từ ngành giải trí đa dạng và chạm tới mọi thái cực đến tinh thần làm việc nhiệt huyết đến mức cực đoan. Melissa Feineman - một chuyên gia tài chính Mỹ đã làm việc tại Nhật Bản nhiều năm khẳng định bản thân luôn ghi nhớ 5 thói quen tuyệt vời dưới đây của người Nhật.

Bắt đầu và kết thúc mọi cuộc gặp gỡ bằng một lời chào

Khi Melissa bắt đầu dạy ở một trường trung học cơ sở Nhật Bản, cô gần như hốt hoảng khi tất cả học sinh đứng dậy và cúi chào. Việc thực hiện các quy tắc cúi đầu chào có vẻ khá phức tạp nhưng quan sát những tương tác này tại nơi làm việc đã giúp cô hiểu rằng lời chào là điều cần thiết và không bao giờ nên bỏ qua.

Dành thời gian để nói chuyện với mọi người bất cứ khi nào bạn gặp họ có vẻ là một điều phù phiếm, đặc biệt là khi mọi người luôn vội vàng nhưng việc bắt đầu và kết thúc một cuộc trao đổi bằng thái độ lịch sự giúp làm dịu mọi tình huống. 

Những điều nhỏ nhặt như nói xin chào và tạm biệt sếp hay đồng nghiệp mỗi ngày, bắt đầu và kết thúc email bằng lời chào thân thiện có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong mối quan hệ tại văn phòng của bạn.

Chăm sóc môi trường làm việc

Trong hệ thống trường học của Nhật Bản, toàn trường sẽ tham gia vào một hoạt động trực nhật bao gồm việc dọn dẹp lớp học và khuôn viên trường. Học sinh, giáo viên và hiệu trưởng đều phải quét sàn, lau bảng và nhặt bất mẩu giấy hoặc rác nào bỏ vào thùng. 

Bởi học sinh biết rằng họ sẽ phải dọn dẹp nên ý thức giữ vệ sinh hàng ngày cũng rất lớn. Các em cảm thấy niềm tự hào và tính yêu lớn hơn với ngôi trường đang theo học.

Việc chăm sóc môi trường làm việc và học tập này có thể được áp dụng ở bất nơi nào. Lần tới, khi bạn thấy một mớ hỗn độn trong văn phòng, thay vì suy nghĩ ai là người đã gây ra sự bừa bộn, hãy dọn dẹp mọi thứ gọn gàng hơn so với khi bạn đến. 

Nếu công ty bạn có một khu vực ăn trưa chung, hãy chắc chắn rằng mặt bàn được lau sạch và sàn nhà không có rác. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một cử chỉ nhỏ như vậy có thể cải thiện tâm trạng của bạn và đồng nghiệp gần như ngay lập tức.

gh

Người Nhật có những nét văn hóa và tác phong làm việc vô cùng độc đáo - Ảnh: Themuse.

Học cách đánh giá cao những ý tưởng ban đầu

Người Nhật tin rằng mọi suy nghĩ hay ý kiến đều bao gồm 2 yếu tố: cảm xúc thật của bạn (honne) và những gì bạn nói ra (tatemae) để không gây tổn thương và duy trì sự hài hòa cho mối quan hệ.

Điều này đồng nghĩa với việc rất hiếm khi người Nhật trực tiếp chỉ trích hay phản đối người khác. Và những người đến từ các nền văn hóa phương Tây như Melissa có thể cực khó thích nghi.

Nhưng cuối cùng, người Nhật vẫn thể hiện cảm xúc thực sự của họ theo những cách hết sức tinh tế. Ví dụ, khi một nhân viên cố gắng thay đổi kết luận của cuộc họp, nhà quản lí sẽ hơi nghiêng đầu và mím môi. Thể hiện thái độ thông qua nét mặt là một trong những ngôn ngữ không lời phổ biến ở Nhật.

Hãy suy nghĩ về cách bạn sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày như dành một chút thời gian để nhìn khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của đồng nghiệp. 

Bạn có thu hút được sự quan tâm từ nhà phỏng vấn hay không? Mọi người có đang lắng nghe bài thuyết trình của bạn hay nhìn sang hướng khác? Một khi bạn biết cách phân tích những loại tín hiệu này, bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp ở bất cứ quốc gia nào.

Giữ bản thân luôn gọn gàng, vệ sinh

japan

Phụ nữ Nhật Bản luôn phải giữ gìn vệ sinh cá nhân hết sức khắt khe ở nơi làm việc. Ảnh: The Financial

Ở Nhật Bản, Melissa có một nhóm đồng nghiệp nữ thân thiết thường dùng bữa trưa cùng nhau. Khi trở lại văn phòng vào buổi chiều, phụ nữ Nhật sẽ vào nhà vệ sinh để trang điểm và thậm chí đánh răng. 

Đây có lẽ là điều hiếm gặp ở bất cứ nền văn hóa nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, xét về mặt giao tiếp, đây là sự tinh tế hết sức đáng quí. Nếu bạn làm việc trong môi trường đòi hỏi tiếp xúc với nhiều người, hơi thở có mùi sẽ làm phiền đồng nghiệp và khách hàng của bạn.

Dù ngoại hình không phải là tất cả mọi thứ nhưng những chi tiết nhỏ như hơi thở thơm tho hay một chút lăn khử mùi sau quãng đường dài tới công ty thực sự có thể giúp bạn tạo ấn tượng tích cực và tránh làm mất khách hàng tiềm năng hoặc đối tác kinh doanh. 

Không xem bất cứ điều gì là tầm thường

Người Nhật Bản nổi tiếng với việc chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Hãy nhìn vào nghệ thuật bonsai hoặc món sushi được chế biến tinh xảo của họ để hiểu được điều đó. Tác phong làm việc của họ cũng vậy.

Rất nhiều nghi thức kinh doanh của Nhật Bản xoay quanh những chi tiết có vẻ tầm thường như ai nên vào thang máy trước, nơi bạn nên ngồi trong taxi nếu đi cùng đồng nghiệp và loại trà nào bạn nên phục vụ cho khách tới nhà hay đối tác tới văn phòng.

Chú ý đến chi tiết nhỏ ở nơi làm việc, ngay cả khi nó có vẻ không quan trọng là điều rất cơ bản. Chắc chắn, bạn biết bạn nên tránh mắc lỗi chính tả trong sơ yếu lịch hay đi làm muộn nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về nơi bạn ngồi và tư thế của bạn trong một cuộc họp chưa? 

Melissa chia sẻ: "Tôi luôn áp dụng một trong những tác phong làm việc mà tôi học được ở Nhật Bản dù bản thân đã về Mỹ. Bạn sẽ thấy rằng việc thêm một chút lịch sự, tôn trọng và lưu ý đến chi tiết nhỏ trong công việc sẽ có ích ở bất kể nơi nào trên thế giới".

Thu Phương