|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến sinh tồn của các hãng máy ảnh Nhật trong thời đại smartphone

07:10 | 10/08/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường máy ảnh thế giới giảm tới 80%, còn số lượng điện thoại thông minh liên tục tăng, các hãng máy ảnh Nhật Bản đang chật vật để tồn tại.

Năm 1988, Fujifilm công bố máy ảnh số thương mại đầu tiên trên thế giới. FUJIX DS-1P, tên sản phẩm, có hàng loạt tính năng đột phá - như có thể lưu trữ tới 10 ảnh trên thẻ nhớ SRAM. 

Thời thế đã thay đổi từ thời điểm ấy, đặc biệt là khi tập đoàn Apple công bố điện thoại iPhone vào năm 2007. Đó là thiết bị có thể lưu trữ vài nghìn ảnh, CNBC nhận định.

Apple đã bán khoảng 100 triệu điện thoại iPhone trong năm đầu tiên ấy. Tới năm 2018, thị trường máy ảnh số tiêu dùng đã giảm xấp xỉ 80%, chỉ còn 19 triệu chiếc. 

Instant camera

Phiên bản máy ảnh Instax Mini LiPlay của Fujifilm. Ảnh: Fujifilm

Trong số 8 nhà sản xuất máy ảnh, Sony là hãng duy nhất báo lãi trong năm tài chính 2018 (kết thúc vào tháng 3 năm nay). Nhưng lợi nhuận không đến từ hoạt động bán camera, mà phát sinh từ việc Sony đưa công nghệ camera vào thị trường điện thoại.

Damian Thong, một nhà phân tích của tổ chức Macquarie, nhận xét rằng camera là đồ chơi của người giàu, trong khi điện thoại thông minh đã đại trà hóa hoạt động chụp ảnh.

"Ngày nay, chúng ta thấy khoảng 5 tỉ điện thoại thông minh trong tay người lớn và chúng ta có thể chụp ảnh mọi nơi. Trong tương lai, camera sẽ không biến mất, nhưng chúng sẽ tạo thành thị trường ngách một lần nữa", Damian nói.

Fujifilm và thị trường máy ảnh cổ điển

Khi Fujifilm công bố máy ảnh mới nhất của họ hồi tháng 7, đó là dấu hiệu cho thấy trào lưu chụp ảnh theo trường phái cổ điển vẫn thu hút một bộ phận giới trẻ. Instax Mini LiPlay, tên sản phẩm, là camera lai có khả năng lưu hàng nghìn ảnh số và in chúng ngay lập tức.

camera

Người dùng có thể chèn mã QR vào ảnh để tạo file âm thanh khi quét ảnh bằng điện thoại thông minh. Những phiên bản máy ảnh cổ điển như Instax Mini LiPlay đã thịnh hành trong nhiều thập kỉ và là một ví dụ về cách thức mà những nhà sản xuất camera ở Nhật Bản cố gắng sáng tạo trong bối cảnh những thay đổi về thị trường và công nghệ liên tục diễn ra.

Bên cạnh yếu tố cổ điển, một trong những điểm hấp dẫn của máy ảnh chụp lấy ngay là khả năng "sờ mó" và thể hiện sự hài lòng với ảnh ngay lập tức. Không ai nghi ngờ những camera "hoài cổ" như thế rất hấp dẫn đối với trẻ em và thiếu niên.

Fujifilm đã bán 10 triệu máy ảnh chụp lấy ngay trong năm tài chính 2018, chiếm hơn nửa số máy ảnh mà các hãng bán trên thị trường camera năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Sản phẩm hình ảnh và camera (CIPA).

Phong cách chụp ảnh cổ điển có thể là yếu tố mà Fujifilm nghĩ tới khi hãng tuyên bố hồi tháng 6 rằng họ sẽ đưa máy ảnh phim đen trắng trở lại thị trường. Bằng cách công bố máy ảnh Neopan Acros 100II, hãng đã hưởng ứng lời kêu gọi của giới nghiếp ảnh về việc hồi sinh dòng máy đen trắng dù nhu cầu với nó không cao. 

Ra đời năm 1934 theo chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp phim của chính phủ Nhật Bản, Fujifilm bắt đầu sản xuất phim nhựa và phim chụp ảnh trước khi chế tạo máy ảnh vào thập niên 40.

Giải pháp hình ảnh không phải mảng chủ lực

Mặc dù Fujifilm vẫn sản xuất phim và máy ảnh, bao gồm dòng máy chụp lấy ngay Instax và Fujifilm X, triển vọng cho mảng kinh doanh giải pháp hình ảnh của hãng vẫn mờ nhạt. Nó chỉ mang về 3,6 tỉ USD, tương đương 16% khoản doanh thu 22,6 tỉ USD của tập đoàn trong năm tài chính 2018.

Hồi năm 2000, doanh thu từ mảng giải pháp hình ảnh chiếm 33,5% tổng doanh thu của Fujifilm trong năm 2000, khi doanh thu phim màu đạt đỉnh. Mặc dù doanh số máy ảnh số tăng năm ngoái, phim cho máy ảnh chỉ chiếm chưa tới 1% doanh thu.

"Gà đẻ trứng vàng" của Fujifilm trong năm ngoái là mảng y tế và giải pháp vật liệu, với tỉ trọng trong doanh thu lên tới 43%. Mảng giải pháp xử lí tài liệu, thông qua sự liên kết với hãng Fuji Xerox, chiếm 41% doanh thu.

Vào thời điểm cách mạng số bắt đầu cách đây chừng 20 năm, Fujifilm đã trải qua nhiều thập kỉ sản xuất phim X quang và đã tận dụng công nghệ ấy để biến họ thành một nhà cung cấp dịch vụ y tế và xử lý tài liệu.

may X quang Fuji

Máy chụp X quang là một trong những dòng sản phẩm chủ lực của hãng Fujifilm ngày nay. Ảnh: Fujifilm Global

Fujifilm cũng thâu tóm một số công ty y tế trong vài năm qua, bao gồm một hãng sản xuất máy nội soi, một nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học, một công ty nuôi cấy tế bào. Trog khi đó, một số sản phẩm quan trọng nhất của họ là máy chụp X quang và phim bảo vệ phân cực dành cho màn hình tinh thể lỏng.

"Phim ảnh màu, thứ từng là sản phẩm chính của chúng tôi, đòi hỏi công nghệ rât tiên tiến để có thể đặt xấp xỉ 20 lớp nhạy sáng với các chức năng khác nhau thành tấm phim có độ dày chỉ khoảng 20 micron", Kana Matsumoto, nữ phát ngôn viên của Fujifim, nói.

Kana nói thêm rằng Fujifilm đã kết hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất thế giới trong các lĩnh vực phân bố nano, sản xuất tấm phim và phủ chính xác để tạo ra những sản phẩm như phim X quang, vật liệu in và phim quang học dành cho màn hình hiển thị.

Nhạc Dương