|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Bố già' ẩn dật của ngành điện thoại thông minh ở Trung Quốc

23:06 | 05/02/2019
Chia sẻ
Sở hữu tập đoàn sản xuất 4 thương hiệu điện thoại thông minh nổi tiếng, nhưng "bố già" Duan Yongping hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Tập đoàn BBK Electronics sở hữu các thương hiệu điện thoại thông minh Oppo, Vivo, OnePlus và Realme. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường IDC, Oppo là thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới. Trong khi đó, Vivo đang phát triển cực nhanh và OnePlus là thương hiệu đang lên tại Mỹ.

Mọi thành tựu ấy đều xuất phát từ tài năng của một con người bí ẩn. Ông là doanh nhân, nhà đầu tư, nhà từ thiện Duan Yongping.

Hành trình khởi nghiệp từ công việc giảng dạy

Duan Yongping sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị BBK Electronics, một tập đoàn điện tử 24 năm tuổi có trụ sở tại thành phố Đông Hoản. Ngoài smartphone, BBK còn sở hữu chuỗi sản xuất điện tử khổng lồ trong lĩnh vực TV, máy ảnh, máy nghe nhạc.

bo gia an dat cua nganh dien thoai thong minh o trung quoc
Ông Duan Yongping, người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị BBK Electronics. Ảnh: SCMP

Giới truyền thông và kinh doanh gọi Duan Yongping là "bố già" của ngành công nghiệp điện thoại thông minh Trung Quốc vì ông đã gây dựng Oppo và Vivo thành hai thương hiệu lớn, cạnh tranh sát ván với Samsung, Apple và cả Huawei. OnePlus và Realme cũng có tiềm năng trở thành những thế lực mới trên thị trường smartphone thế giới trong thời gian tới.

Vị tỷ phú ẩn dật

Hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, Duan là người khá kín tiếng. Trả lời phỏng vấn Bloomberg vào năm 2017, vị doanh nhân tiết lộ ông từng đầu tư vào Pinduoduo, trang thương mại điện tử lớn thứ ba tại Trung Quốc do Colin Huang Zheng, một người bạn của ông, sáng lập.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Duan trò chuyện với với sinh viên Trung Quốc đang học tại Đại học Stanford (Mỹ). Ông cùng vợ sống tại thành phố Palo Alto, bang California, Mỹ và thành lập tổ chức Enlight Foundation nhằm hỗ trợ sinh viên Trung Quốc trong quá trình học tại các trường đại học ở Mỹ.

bo gia an dat cua nganh dien thoai thong minh o trung quoc
Duan Yongping từng chi hơn 600.000 USD để ăn bữa cùng nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vào năm 2006. Ảnh: SCMP

Năm 2006, Duan chi 620.100 USD trong cuộc đấu giá bữa ăn trưa với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn Berkshire Hathaway. Đây là lần đầu tiên giới truyền thông biết tới ông. Ngoài vợ và Colin Huang, ông còn đưa 5 người bạn nữa tới bữa ăn cùng tỷ phú Buffett. "Tôi đã học rất nhiều điều từ Warren Buffett và triết lý đầu tư của ông và tôi muốn có một cơ hội để nói lời cảm ơn ông ấy", Duan nói với South China Morning Post hồi tháng 7/2006.

Xuất thân cơ hàn

Chào đời vào tháng 3/1961, Duan lớn lên trong một gia đình nghèo tại ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ông học ngành kỹ thuật vô tuyến điện tử tại Đại học Chiết Giang vào năm 1978. Sau khi làm giáo viên tại một trung tâm đào tạo nghề ở Bắc Kinh trong thời gian ngắn, Duan trở thành nhà nghiên cứu ở Đại học Nhân dân Trung Quốc và lấy bằng thạc sỹ kinh tế vào năm 1989 tại đây.

Cùng năm ấy, ông ứng tuyển vào tập đoàn Zhongshan Yihua tại Quảng Đông và biến một nhà máy đang bết bát thành doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Sau đó Yongping lập ra công ty sản xuất máy chơi game giá rẻ Subor trực thuộc Yihua.

Subor nhanh chóng nổi tiếng với các bảng điện tử dành cho giáo dục và phiên bản nhái của máy chơi game "4 nút" Nintendo Famicom. Thiết bị rất nổi tiếng tại Trung Quốc với tên gọi Little Tyrant. Siêu sao võ thuật Thành Long từng quảng cáo nó.

Little Tyrant giúp công ty đạt lợi nhuận 1 tỷ nhân dân tệ (148 triệu USD) vào năm 1995. Khi Yongping mới đến Zhongshan Yihua, tập đoàn đang thua lỗ.

Sau thành công lớn, Yongping muốn tách hoạt động của Subor Electronics ra khỏi Zhongshan Yihua Group nhưng không ban lãnh đạo tập đoàn không đồng ý. Ông thôi việc, lập ra BBK Electronics Corp vào tháng 8/1995 với 70% cổ phần.

bo gia an dat cua nganh dien thoai thong minh o trung quoc
Tài tử Thành Long từng đóng quảng cáo cho thiết bị chơi game Little Tyrant. Ảnh: SCMP

Yongping chia BBK thành 3 mảng - bao gồm thiết bị điện tử trong giáo dục, thiết bị nghe nhìn và thông tin liên lạc. Công ty nhanh chóng thành công với mặt hàng đầu phát VCD, DVD tại thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Giảm mức sở hữu trong tập đoàn, thăng hoa nhờ điện thoại thông minh

Năm 1999, Duan thỏa thuận với những người đứng đầu các mảng kinh doanh của công ty để thành lập các công ty con hoạt động độc lập và giảm cổ phần của ông tại BBK xuống mức 17%. Thỏa thuận dẫn đến sự ra đời của Oppo Electronics vào năm 2004 do Chen Mingyong, người từng điều hành mảng thiết bị nghe nhìn, làm chủ tịch. 5 năm sau, Shen Wei - ngừng từng quản lý mảng thiết bị thông tin liên lạc của BBK - thành lập Vivo Communication Technology.

Khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Duan thừa nhận sản xuất smartphone không phải là chuyên môn của ông, nhưng ông tin công ty của tập đoàn sẽ tạo dựng vị thế trong lòng người tiêu dùng. Sự lớn mạnh của các thương hiệu điện thoại thông minh do BBK khai sinh minh chứng cho niềm tin của ông.

bo gia an dat cua nganh dien thoai thong minh o trung quoc
Tổng thị phần của Oppo và Vivo lên đến 40%, vượt hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple và Samsung. Ảnh: China Daily

Nhu cầu smartphone tại Trung Quốc tăng gấp đôi vào giai đoạn năm 2010-2012, thời điểm nước này triển khai mạng 3G. Với số người dùng Internet và dân số lớn nhất toàn cầu, Trung Quốc có hơn 300 nhà sản xuất điện thoại vào khoảng 3 năm trước. Sự cạnh canh khốc liệt trên thị trường khiến số nhà sản xuất giảm còn khoảng 200 vào năm 2018.

Những thương hiệu lớn mở rộng thị phần nhờ các chương trình khuyến mãi, giảm giá, cùng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới thiết kế và tính năng.

Hãng nghiên cứu thị trường Canalys đánh giá Oppo và Vivo lần lượt là nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai và ba tại quốc gia tỷ dân. Tổng thị phần của Oppo và Vivo lên đến 40%, vượt hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple và Samsung. Xét trên phạm vi toàn cầu, theo số liệu mới nhất từ IDC, Oppo là thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới với 7,8% thị phần.

Theo Yongping, việc xuất hiện muộn hơn các đối thủ không phải là yếu tố tiêu cực đối với Oppo và Vivo. Ông cho rằng điều quan trọng là tập trung sàn lọc chặt chẽ các đối tác và nhà cung cấp, xây dựng "một tên tuổi lớn", sẵn sàng thay đổi nếu sai dám đối mặt với thất bại.

Xem thêm

Kim Cương