|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Tôi không làm thêm giờ, chấm hết’ - người Nhật cai nghiện việc

20:33 | 18/08/2019
Chia sẻ
Ý tưởng rằng công việc đòi hỏi sự hy sinh cá nhân đã bén rễ sâu trong văn hóa Nhật Bản, khiến mơ ước làm việc chừng mực và rời văn phòng khi hết giờ trở nên xa vời với họ.

Quyết tâm của Yui Higashiyama, quản lý dự án 30 tuổi, người không muốn gì hơn là rời văn phòng và vào quán bar yêu thích của cô trong giờ giảm giá, khuấy động công ty thiết kế web hư cấu nơi cô làm việc.

Vị giám đốc khắc nghiệt và những đồng nghiệp năng nổ cố gắng phá vỡ kế hoạch của cô. Khi nhóm của cô đối mặt thời hạn dường như không thể trong tập 9, cô gác lại cam kết của mình để cân bằng cuộc sống - công việc và đột ngột tuyên bố "Tôi sẽ làm thêm giờ!".

Cô Higashiyama là nhân vật chính của "Tôi sẽ không làm thêm giờ, chấm hết!" - chương trình truyền hình đã tạo hiệu ứng ở Nhật Bản, đất nước với văn hóa làm việc căng thẳng đến nguy hiểm, đôi khi gây chết người.

Nghỉ ngơi nghĩa là lười biếng

Người lao động cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ngay cả khi các tập đoàn lớn của Nhật Bản và các quan chức chính phủ ngày càng khuyến khích họ giảm bớt giờ làm.

Nhà sản xuất chương trình nói rằng họ hiểu rõ vấn đề này.

"Tôi nhận thức sâu sắc rằng nghỉ ngơi đồng nghĩa với lười biếng. Phải mất một thời gian dài để tôi chấp nhận sự thật rằng không làm việc vào cuối tuần hoặc buổi tối các ngày trong tuần cũng không sao", Kaeruko Akeno, tác giả tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho chương trình, nói với New York Times.

‘Tôi không làm thêm giờ, chấm hết’ - người Nhật cai nghiện việc - Ảnh 1.

"Tôi sẽ không làm việc ngoài giờ, chấm hết!" nói về nhân vật nữ chính Yui Higashiyama (giữa), người đấu tranh cho quyền của mình để rời công sở đúng giờ. Ảnh: TBS.

Lao động Nhật Bản làm việc trong số giờ dài nhất thế giới. Theo báo cáo của chính phủ, năm 2017, hơn 1/4 nhân viên toàn thời gian làm việc trung bình hơn 49 giờ một tuần, tức làm việc hiệu quả trong sáu trên bảy ngày.

Trong một số trường hợp cực đoan, sự cống hiến đó cho nơi làm việc có thể dẫn đến cái chết. Trong năm 2017, dữ liệu của chính phủ cho thấy làm việc quá sức đã cướp đi 190 mạng sống - dưới hình thức kiệt sức, đau tim, tự tử - một con số tồn tại ít nhiều không đổi trong thập kỷ qua.

Theo Yoshie Komuro, giám đốc điều hành của Work Life Balance, công ty tư vấn giúp nhà tuyển dụng giảm giờ làm thêm của nhân viên, những lý do khiến mọi người làm việc quá nhiều rất phức tạp.

Ngoài thái độ văn hóa về giá trị của làm việc chăm chỉ, một số chủ lao động giảm chi phí bằng cách làm thêm giờ, nhân viên làm việc nhiều giờ hơn để được trả thêm tiền và làm hài lòng sếp. Việc thăng chức thường phụ thuộc nhiều vào thời gian ở bàn làm việc hơn năng suất thực tế.

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp để giảm thời gian làm việc dài và thay đổi các chuẩn mực văn hóa xung quanh công việc.

Vào tháng 4, luật mới có hiệu lực giới hạn thời gian làm thêm không quá 45 giờ một tháng và 360 giờ mỗi năm, cấm các trường hợp đặc biệt. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã quảng bá chương trình mà họ gọi là Thứ sáu Đặc biệt, yêu cầu nhà tuyển dụng cho phép nhân viên nghỉ sớm vài giờ vào thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng.

Ý tưởng rằng công việc đòi hỏi sự hy sinh cá nhân đã bén rễ sâu trong văn hóa Nhật Bản và làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề xã hội khác của đất nước.

Tại Nhật Bản, phụ nữ - đặc biệt là các bà mẹ - phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nơi làm việc. Phụ nữ muốn thành công trong công ty Nhật Bản thường cảm thấy áp lực lớn hơn để chứng tỏ bản thân, đồng thời cân bằng nhu cầu gia đình.

Quyết tâm thay đổi

"Chỉ bằng câu nói 'Tôi sẽ không làm thêm giờ', nhân vật nữ anh hùng của chương trình đã cam kết hành động quyết liệt. Cô ấy cho thấy những chiến lược rõ ràng để giải quyết các vấn đề hiện nay ở Nhật Bản, từ mức lương thấp đến tỷ lệ sinh thấp", Tomohiro Machiyama, một nhà phê bình phim nổi tiếng, viết trên Twitter.

Trong tiểu thuyết cùng tên, quyết định làm thêm giờ dẫn đến sự sụp đổ của nữ chính. Cô trở nên nghiện công việc, phải vào bệnh viện và mất bạn trai.

Nhà văn Akeno dựa trên những trải nghiệm của chính cô về cuộc sống văn phòng ở Nhật Bản để viết cuốn tiểu thuyết này. Đối với công việc đầu tiên của mình, cô đã làm việc tại nơi mà cô mô tả là một "công ty đen", từ chỉ các doanh nghiệp bóc lột nhân viên quá giới hạn cho phép.

Khi cô Akeno tốt nghiệp đại học vào đầu những năm 2000, Nhật Bản rơi vào tình trạng chậm phát triển và công việc rất khó tìm. Nhiều người ở cùng độ tuổi cuối cùng đã nhảy giữa các công việc tạm thời hoặc rời bỏ hoàn toàn lực lượng lao động.

‘Tôi không làm thêm giờ, chấm hết’ - người Nhật cai nghiện việc - Ảnh 2.

"Tôi nhận thức sâu sắc rằng nghỉ ngơi đồng nghĩa với lười biếng", Kaeruko Akeno, tác giả tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho chương trình, nói với New York Times. Ảnh: New York Times.

"Những người đến tuổi lao động vào thời điểm đó có những bất an về việc làm. Chúng tôi sợ rằng nếu chúng tôi không có ích cho các công ty, chúng tôi sẽ bị loại bỏ", cô nói.

Tình hình đã thay đổi. Lực lượng lao động già nua và chuỗi tăng trưởng kinh tế chậm nhưng tương đối ổn định gần đây đã làm cho người lao động có giá trị hơn. "Tôi sẽ không làm việc ngoài giờ, chấm hết!" khám phá những thay đổi trong cách thế hệ thiên niên kỷ và người lớn tuổi Nhật Bản nghĩ về công việc.

Mặc dù chính phủ và những lao động trẻ tuổi đang cố gắng để ngày làm việc ngắn hơn, những nhân viên lớn tuổi đề cao công việc dường như không thể cảm thấy thoải mái với ý tưởng làm việc một tuần 40 giờ.

Akeno nói rằng văn hóa này đã thẩm thấu vào những phần khác của cuộc sống ở Nhật Bản. Khi rời bỏ công việc để trở thành một nhà văn, cô thấy mình làm việc gần như không ngừng nghỉ. Khi cô có đứa con thứ hai, cô vẫn đang viết đến thời điểm được đưa vào phòng sinh.

Lần duy nhất cô dừng lại là khi cô chăm sóc em bé. Cuối cùng, cơ thể cô kiệt quệ và phải mất hai năm mới bình phục hoàn toàn.

"Những gì được tôn vinh không phải là bạn đạt được những gì mà là cách bạn thu xếp để có thể không bao giờ nghỉ ngơi", cô nói.

Tuyết Mai