Toyota và triết lí kaizen cải tiến ngành nông nghiệp Nhật Bản
Toyota Motor mới đây đã mang triết lí kaizen (tập trung vào cải tiến không ngừng nghỉ về mặt hiệu quả) vào lĩnh vực nông nghiệp. Công ty này theo đó đã ra mắt dịch vụ Hosaku Keikaku của mình từ năm 2014 và đã mang nó tới 90 nông trại tại đất nước mặt trời mọc.
Theo Nikkei, dịch vụ của Toyota có thể đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ các nông dân cao tuổi của Nhật Bản trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động.
Ngành nông nghiệp vốn kém thu hút nhân sự tại quốc gia này do thời gian làm việc dài và quan điểm cho rằng nông dân không có nhiều sự linh hoạt trong thời gian nghỉ ngơi.
Dù vậy, một nông trại có tên One tại thành phố Kanazawa đã áp dụng thành công tuần làm việc năm ngày vào đầu năm nay sau khi sử dụng dịch vụ của Toyota.
Thay đổi từ những điều nhỏ nhất
Nông nghiệp Nhật Bản đang gặp cuộc khủng hoảng nhân sự kế nhiệm. (Ảnh: Nikkei)
Hệ thống của Toyota bao gồm hai phần. Một phần là hệ thống dựa trên điện toán đám mây trong đó nông dân thu thập dữ liệu về các khu vực trồng trọt nhờ điện thoại thông minh. Một phần khác có sự tham gia của các nhân viên Toyota tới nông trại để tư vấn các hoạt động thiếu hiệu quả.
Ở One, mọi thứ bắt đầu với việc dọn dẹp những đống lộn xộn ở trang trại. Các thiết bị và dụng cụ được đặt trên sàn giờ được treo và đặt gọn gàng trên giá, móc đánh dấu cụ thể vị trí.
Các hộp chứa đồ trong khi đó được gắn bánh xe và mũi tên chỉ đường được vẽ trên sàn nhà. Tất cả những bước đơn giản này sẽ làm cho công việc dễ dàng và an toàn hơn.
Sau đó, mọi sự chú ý được dành cho hoạt động quản trị nông trại cốt lõi. Một trong những thay đổi hiệu quả nhất là cách quản lí đơn hàng. Trước đó, nếu như trang trại đang lên kế hoạch sản xuất 300 kg rễ sen nhưng sau đó lại có thêm đơn hàng 50 kg nữa, các nông dân sẽ phải dựng lại kế hoạch từ đầy gây khó chịu và thiếu hiệu quả.
Dựa trên lời khuyên của Toyota, nông trại này bắt đầu yêu cầu khách hàng đặt hàng trước ít nhất hai ngày.
Cải tiến không ngừng nghỉ theo triết kí kaizen
Những thay đổi đơn giản như vẽ mũi tên chỉ dẫn trên sàn cũng khiến hoạt động tại One hiệu quả hơn. (Ảnh: Nikkei)
Quản trị dữ liệu cũng khiến mọi thứ vận hành trơn tru hơn. Nhu cầu rễ sen thường tăng mạnh vào tháng 12 khi khách hàng có nhu cầu chuẩn bị các món ăn truyền thống cho Năm mới.
Trước khi sử dụng hệ thống của Toyota, One thường nhận được nhiều đơn hàng vượt quá khả năng của mình. Các nông dân hiện tại đã bắt đầu thu hoạch trước đó dựa trên các dữ liệu trong lịch sử. Nông trại này cũng mua một chiếc tủ lạnh lớn để chứa rễ sen đợi chuyển tới khách hàng.
Những cải thiện Toyota mang lại đang giúp nông dân có nhiều ngày nghỉ hơn. One hiện tại đã áp dụng tuần làm việc 5 ngày cùng thời gian làm việc mỗi ca chỉ kéo dài 8 tiếng.
"Giờ thì chúng tôi không biết sẽ làm gì nếu làm thêm giờ", Yoshimata Miyano, Phó Chủ tịch One, nói. Ông nhớ lại thời điểm khi làm thêm giờ là một phần của quá trình làm việc hàng ngày.
Dưới mục tiêu mới, One đặt kế hoạch thúc đẩy doanh thu bằng cách giới hạn số giờ làm việc trong khi đó mở rộng vận hành. Miyano và các cộng sự cũng tự mình xác định các vấn đề mà nhân viên của Toyota chưa phát hiện ra.
Nhiều nông trại ở Nhật Bản đang gặp phải vấn đề thiếu người kế nhiệm khi các nông dân cao buổi bắt đầu nghỉ hưu. Trước đó, nông nghiệp thường là một ngành kinh doanh gia đình với nhân sự phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình.
Thế nhưng, với ngày càng ít người thích lĩnh vực này, các nông dân phải thuê nhân sự bên ngoài để đảm bảo vận hành.