Cạnh tranh hạ giá, Formosa Hà Tĩnh lỗ gần tỷ USD
Theo Báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn nhựa Formosa, doanh thu của các đơn vị thành viên đang hoạt động tại Việt Nam đạt khoảng 141,5 tỷ Đài tệ (hơn 110.000 tỷ đồng), giảm 10,5% so với kết quả của năm 2022.
Với dệt may, tập đoàn lý giải Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (còn được gọi là Formosa Đồng Nai) cho biết phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt nhất của ngành dệt may trong gần 4 thập kỷ qua.
Công ty thành viên này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực như lạm phát cao, nhu cầu sụt giảm và cạnh tranh giảm giá đối với các sản phẩm dệt may từ Trung Quốc, ngành dệt may chỉ có thể giảm sản xuất để ứng phó. Kết quả là doanh số bán hàng dệt may, nylon, bông rayon giảm sút và qua đó lỗ khoảng 2,2 tỷ Đài tệ - tương đương năm trước.
Với ngành thép, thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ và nhu cầu thấp trong năm 2023 dẫn đến làn sóng bán phá giá với sản lượng lớn tại khu vực Đông Nam Á.
"Để duy trì thị phần và tránh mất khách hàng, Formosa Hà Tĩnh đã phải giảm giá để cạnh tranh, dù giá nguyên liệu đầu vào không giảm đáng kể", báo cáo viết.
Kết quả, công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ghi nhận doanh thu khoảng 124,5 tỷ Đài tệ, giảm 3,2% so với cùng kỳ và bị lỗ khoảng 20,1 tỷ Đài tệ (hơn 15.700 tỷ đồng).
Đây là con số gây thất vọng khi mức lỗ đã cao gấp đôi mức 10 tỷ Đài tệ của năm 2022 hay so với mức lãi gần 33,5 tỷ Đài tệ năm 2021. Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm gần nhất hơn 30 tỷ Đài tệ (hơn 23.500 tỷ đồng hay xấp xỉ 1 tỷ USD).
Điểm sáng của Formosa Hà Tĩnh trong năm ngoái là đã phát triển tốt thị trường xuất khẩu, điển hình là thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu và Mỹ.
"Công ty sẽ tiếp tục thâm nhập và mở rộng doanh số xuất khẩu, phát triển các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, tích cực tiến vào phân khúc cao cấp của các ngành công nghiệp để trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới", tập đoàn nêu.
Hiện Thép Formosa Hà Tĩnh và Thép Hòa Phát là 2 nhà sản xuất nội địa duy nhất có thể sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC). Hòa Phát cũng trải qua giai đoạn khó khăn 2021-2022 nhưng vẫn có lãi lần lượt 8.400 tỷ và 6.800 tỷ đồng.
Hiện Formosa Hà Tĩnh còn là doanh nghiệp FDI hàng đầu tại Hà Tĩnh với mức đóng góp ngân sách lớn trước đây. Kết quả kinh doanh đi xuống 2 năm vừa qua cũng khiến nguồn thu của tỉnh này sụt giảm lớn.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước tính 17.422 tỷ đồng, tương đương 92% dự toán tỉnh giao và bằng 97% so với năm 2022. Trong đó thu từ xuất nhập khẩu đóng góp khoảng 9.100 tỷ đồng, bằng 98% cùng kỳ chủ yếu do Formosa giảm nhập nguyên liệu.
Thu ngân sách nhà nước của Hà Tĩnh tính trong 6 tháng đầu năm đã tăng trở lại 7% đạt 9.497 tỷ đồng, bằng 55% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu 4.642 tỷ đồng, đạt 49% so với dự toán và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. '
Kết quả này là có đóng góp lớn từ việc Formosa Hà Tĩnh tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Công ty FDI này nộp ngân sách hơn 3.675 tỷ đồng, chiếm gần 80% số thu toàn ngành thuế, tăng 10% so với nửa đầu năm ngoái.
Formosa Hà Tĩnh nhận được Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 12/6/2008. Hiện nay dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với vốn điều lệ 5,5 tỷ USD, vốn đầu tư 12,787 tỷ USD. Các cổ đông chủ yếu của công ty bao gồm tập đoàn sản xuất nhựa Đài Loan (Trung Quốc) Formosa Plastic, China Steel (CSC) và công ty thép JFE (Nhật Bản).
Dự án Nhà máy gang thép và cảng Sơn Dương của doanh nghiệp này có tổng diện tích 3.318ha, trong đó diện tích đất liền là 2.025 ha và diện tích mặt nước là 1.293ha. Công ty có 2 lò cao, với công suất 7,1 triệu tấn phôi thép mỗi năm.