Cảnh báo nhiều chiêu trò chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng: Lừa nâng cấp SIM, tạo mã độc cướp tài khoản Facebook
Thời gian gần đây, xuất hiện trở lại thủ đoạn lừa đảo nâng cấp sim điện thoại và chiếm quyền sử dụng sim để nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Một số ngân hàng như VPBank hay HSBC, Nam A Bank... cũng đưa thông tin khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, không để sập bẫy các thủ đoạn lừa đảo.
Qua điều tra, một số khách hàng của VPBank đã bị lừa với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Cụ thể, đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng...
Đồng thời dụ dỗ khách hàng gửi tin nhắn theo hướng dẫn để nâng cấp. Thực chất bước này là để lừa khách hàng kích hoạt esim trên thiết bị mới của kẻ tấn công và thay thế cho SIM hiện tại của khách hàng.
Tiếp theo, đối tượng chiếm quyền kiểm soát email, điện thoại, thông tin số CMND và gọi điện lên tổng đài để cấp lại user đăng nhập internetbanking qua email, cấp lại password internetbanking qua tin nhắn điện thoại.
Từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, kích hoạt lại Smart OTP và chuyển hết tiền trong tài khoản của khách hàng sang tài khoản ở các ngân hàng khác.
Phía ngân hàng cho biết chiêu thức lừa đảo này đã xuất hiện từ vài năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn do nhiều khách hàng có nhu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Các nhà mạng viễn thông và các ngân hàng cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, song vẫn có trường hợp khách hàng bị “sập bẫy” kẻ gian.
Bên cạnh chiêu trò "nâng cấp sim", nhiều chiêu trò lừa đảo khác cũng ngày càng được biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn và xuất hiện tràn lan trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.
Theo đó, đối tượng tự lập một liên kết có tên miền gần giống với Ban Tổ chức một cuộc thi nào đó rồi kêu gọi bình chọn.
Để bình chọn, người dùng phải truy cập vào liên kết vốn chứa mã độc được chia sẻ rồi đăng nhập thông tin tài khoản như tên đăng nhập, mật khẩu. Từ đây, đối tượng đánh cắp nhiều thông tin tài khoản của người dùng, thu thập hình ảnh, dữ liệu của chủ tài khoản và cắt ghép thành các đoạn video ngắn.
Sau đó, nhóm đối tượng đã mạo danh các chủ tài khoản để nhắn tin/thực hiện video call (sử dụng những video được cắt ghép sẵn từ trước) đến những người thân, bạn bè trong danh bạ Facebook của chủ tài khoản đó để vay mượn hoặc nhờ chuyển tiền.
Liên quan tới các tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.
Trước đó, các cơ quan chức năng khác như Bộ Công an, Bộ Công thương... cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu lừa chiếm đoạt tài sản.
Để tránh trở thành nạn nhân, các cơ quan khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.