|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản

18:30 | 30/06/2022
Chia sẻ
Tính riêng ngành khai thác, trong nửa đầu năm nay giảm khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2 triệu tấn. Tính riêng trong tháng 6, mức giảm được ghi nhận là gần 10% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia dự báo thời gian tới, ngành chế biến thuỷ sản sẽ thiếu nguyên liệu.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết mặc dù ngành thuỷ sản trong nửa đầu năm 2022 rất tốt nhưng nửa cuối năm sẽ gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là đối với mảng khai thác khi giá vật tư liên tục tăng cao. 

 

 Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. (Ảnh: H.Mĩ)

 

Theo đó, giá dầu diesel tăng khoảng 45% so với cuối năm 2021 dẫn đến giá các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản khác cũng tăng theo khoảng 10 - 20%.

Trong khi đó, giá bán hải sản chỉ tăng từ 10 - 20% đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá chọn loại 1. 

Nhóm tàu hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng có bị ảnh hưởng nhưng không lớn. Tuy nhiên, đối với các tàu cá hoạt động vùng khơi đang chịu rất nhiều khó khăn, tại một số địa phương đặc biệt là tại miền Trung có nhiều tàu cá nằm bờ không đi hoạt động sản xuất. 

“Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu chế biến”, ông Luân nói. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết tính riêng ngành khai thác, trong nửa đầu năm nay giảm khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2 triệu tấn. Tính riêng trong tháng 6, mức giảm được ghi nhận là gần 10% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia cũng dự báo thời gian tới, ngành chế biến thuỷ sản sẽ thiếu nguyên liệu.

“Từ giờ đến cuối nếu không có chính sách hỗ trợ cho ngư dân, rất nhiều tàu thuyền sẽ phải nằm bờ. Lượng khai thác thuỷ sản sẽ giảm không chỉ ở mức 2,6% như 6 tháng đầu năm mà sẽ còn giảm sâu hơn nữa”, ông Việt nói.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,2 triệu tấn tăng 2,5% cùng kỳ 2021. Trong khi đó, hoạt động tiêu thụ tăng trưởng mạnh với giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ USD, tăng 46% cùng kỳ năm 2021 và đạt 67% kế hoạch năm 2022. 

Việc thiếu nguyên liệu không chỉ xảy ra đối với khai thác, ngành chế biến tôm cũng chịu chung hoàn cảnh. Mặc dù sản lượng tôm nuôi trong 6 tháng đầu năm tăng gần 11% lên 448 nghìn tấn nhưng do nhu cầu thị trường nước ngoài phục hồi mạnh sau đại dịch nên mức tăng này vẫn chưa đủ cho các nhà máy. 

Theo VASEP, thiếu nguyên liệu cho chế biến nên doanh số xuất tôm trong tháng 6 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7% đạt 450 triệu USD. 

Luỹ kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thuỷ sản. 

Theo VASEP, lạm phát giá và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp tôm trong giai đoạn hiện nay. 

Tôm chân trắng tươi/đông lạnh cỡ nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này. 

Theo Báo Sóc Trăng, ngay từ đầu tháng 5, thời tiết khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu mưa nhiều hơn, gây biến động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và phát sinh dịch bệnh. Các thông tin phản hồi từ một số trang trại nuôi tôm lớn cũng như người nuôi tôm nhỏ lẻ cho biết đã có sự xuất hiện của bệnh EHP, đặc biệt là tại các vùng nuôi ven biển.

Một số trại nuôi tôm lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ buộc phải thu hoạch trước thời hạn để bảo toàn vốn nuôi khiến lượng tôm cỡ nhỏ tăng đột biến trong tháng 5, gây bất lợi cho các nhà máy trong việc đảm bảo công suất chế biến và sản lượng xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tăng tỷ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để XK sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm. 

Nhằm giải quyết tình hình khó khăn hiện tại, ông Luân cho biết Tổng cục Thủy sản đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kiến nghị Chính phủ về việc áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm giảm giá dầu phục vụ khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ ngư dân có vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước, tổ chức tín dụng để góp phần giảm khó khăn sản xuất.

H.Mĩ