|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Nga - Ukraine: Hàng hóa liên vận bằng đường sắt đi châu Âu có bị ảnh hưởng?

06:57 | 09/03/2022
Chia sẻ
Liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng đến vận tải liên vận bằng đường sắt sang châu Âu như thế nào, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã trao đổi với phóng viên TTXVN.
Căng thẳng Nga – Ukraine: Hàng hóa liên vận bằng đường sắt đi châu Âu có bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Hhàng hóa liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus. (Ảnh: TTXVN).

Liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng đến vận tải liên vận bằng đường sắt sang châu Âu như thế nào, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vương Khả Sơn, Trưởng Ban vận tải - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus.

Tình trạng này cũng tương tự với hàng hóa vận chuyển quá cảnh Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, hàng liên vận từ Việt Nam sang Nga sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ VNR, Tổng giám đốc Hiệp hội đường sắt quốc tế (UIC) vừa gửi thư tới các đường sắt thành viên thông báo UIC đình chỉ tư cách thành viên của đường sắt Nga và Belarus trong các hoạt động của UIC. 

Điều này có nghĩa đường sắt Nga và Belarus trong thời gian tới sẽ không thể tham gia vào các cuộc họp, diễn đàn, nền tảng, lĩnh vực và nhóm công tác theo luật của UIC hoặc hưởng lợi từ các dịch vụ của Hiệp hội.

Một lãnh đạo VNR thông tin, theo kế hoạch đầu tháng 3 này, đường sắt sẽ tổ chức đoàn tàu chuyển container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu. Tuy nhiên do căng thẳng giữa Nga và Ukraine nên kế hoạch này đang tạm hoãn.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện tàu hàng liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn được duy trì bình thường; nhất là hàng container từ đường sắt Trung Quốc gửi về đường sắt Việt Nam vẫn cao, nhu cầu khoảng 1.200 container/tháng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, ngành đường sắt lần đầu tiên tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021. 

Trước đó, đường sắt vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang châu Âu nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.

Sau chuyến tàu khai trương đi Bỉ, ngành đường sắt duy trì hàng tuần khoảng 3 đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi châu Âu. Đến nay, hình thức tàu liên vận quốc tế này ngày càng phát triển, được nhiều khách hàng lựa chọn. 

Ngoài ra, đường sắt Việt Nam nhận vận chuyển hàng từ Thái Lan, Campuchia… đi bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước.

Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, hoạt động vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trong hai tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao.

Trong hai tháng đầu năm, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển qua 2 ga Đồng Đăng và Lào Cai đạt gần 200.000 tấn. Với sản lượng này, tháng 1/2022 vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng tới 127,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó tháng 2/2022 mặc dù có ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán nhưng mức tăng trưởng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cũng lên tới 176,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2021, mặc dù vận tải đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng hàng liên vận quốc tế; trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, vận tải liên vận quốc tế năm 2021 đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với năm trước; trong đó hàng hóa qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tăng tới 82%.

Đặc biệt, trong quý IV/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, riêng ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại. Hàng hóa đi bằng đường sắt qua các cửa khẩu chủ yếu là quặng, lưu huỳnh, DAP, hóa chất, hàng điện tử, dệt may, linh phụ  kiện, hàng tiêu dùng…

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định, đường sắt xác định trọng tâm trong thời gian tới là chuyển dịch sang vận chuyển hàng hóa để bù đắp cho sự sụt giảm của vận tải hành khách; trong đó đẩy mạnh việc vận chuyển liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và đi đến nước thứ 3 như châu Âu, Nga, Trung Á, Mông Cổ…

"Trong năm 2021, VNR đã tổ chức được các đoàn tàu đi thẳng từ Việt Nam sang châu Âu (Bỉ) với sản lượng vận chuyển container liên vận quốc tế tăng hơn 100% so với năm trước, đồng thời mở thêm được các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các thành phố của Trung Quốc", ông Vũ Anh Minh thông tin.

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, để thống nhất đầu mối chỉ đạo vận chuyển liên vận quốc tế của các đơn vị trong ngành đường sắt, VNR đã vừa thành lập Ban chỉ đạo công tác vận tải liên vận quốc tế đường sắt do Tổng giám đốc VNR làm Trưởng ban.

Theo đó, Ban chỉ đạo công tác vận tải liên vận quốc tế đường sắt sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết các phát sinh, tồn tại trong công tác vận tải liên vận quốc tế. Ngoài ra, ban này còn có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện các giải pháp để nâng cao sản lượng doanh thu vận tải liên vận quốc tế; đề xuất cơ chế chính sách với cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện đẩy mạnh hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải bằng đường sắt.

Đánh giá về những khó khăn trong vận tải liên vận bằng đường sắt, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR chia sẻ, cơ sở hạ tầng, năng lực kho bãi các ga hiện nay của ngành đường sắt đang rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác hiện chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng có tổ chức thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (có hải quan) nên khi khối lượng tăng, lại tập trung ở ga Đồng Đăng, Yên Viên dẫn đến ách tắc hàng hóa tại các địa điểm này.

Vì vậy, vừa qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư nâng cấp kho, bãi tiêu chuẩn để phục vụ vận tải hàng hóa trên toàn mạng lưới. 

Trước mắt, để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa nói chung và liên vận quốc tế nói riêng, cần sớm triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng, nâng cấp các ga: Sóng Thần, Diêu Trì, Kim Liên, Vinh, Đồng Đăng, Đông Anh, Kép, đưa các ga thành nơi tập kết hàng hóa, container lớn.

Cùng với đó, sớm xem xét bổ sung ga Kép (tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng.

Về lâu dài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề xuất đầu tư mở rộng, xây dựng các ga mới Ngọc Hồi, Nghi Long, Sen Hồ (Bắc Giang).

Ông Phan Quốc Anh thông tin, theo quy hoạch ga Ngọc Hồ sẽ thay thế ga Giáp Bát là ga lập tàu hàng hóa phía Nam Hà Nội, vì vậy cần khẩn trương đầu tư mới ga Ngọc Hồi thay thế ga Giáp Bát.

Đối với khu vực ga Vinh nằm trong khu vực đô thị nên có quy mô hạn chế về diện tích kho bãi hàng cũng như khả năng kết nối đường bộ. Trong khi đó, với sự phát triển của các khu công nghiệp khu vực Nghệ An và nhu cầu kết nối vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua Lào, Thái Lan và kết nối đường sắt với cảng trong khu vực, rất cần có một ga hàng hóa mới cho khu vực Bắc Trung bộ. Do đó, đường sắt đề xuất xây dựng ga mới Nghi Long trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, cần thiết mở rộng ga Sen Hồ và có nhánh đường sắt kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn để phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cho các khu công nghiệp này.

Trước những kiến nghị trên, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các bộ, ngành xem xét tạo cơ chế vốn và chính sách đầu tư để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, giúp vận tải liên vận nói riêng và vận tải đường sắt nói chung phát triển. 

Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mở rộng ga đường sắt đã được phê duyệt.

Quang Toàn