|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khi các KOL quảng bá sản phẩm tài chính, phím crypto: Nhà đầu tư cần cẩn trọng, có thể rủi ro đang chờ phía trước

14:34 | 13/05/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc các KOL "phím hàng" tài sản tài chính trên các mạng xã hội tại Việt Nam thời gian gần đây là một hình thức cung cấp thông tin không đầy đủ có dấu hiệu của gian lận tài chính.

Việc những người nổi tiếng (hay còn gọi là KOL) "phím hàng" tài sản tài chính trên các mạng xã hội tại Việt Nam đang dần nổi lên thời gian gần đây. 

Mới đây nhất, hôm 11/5,  giới showbiz Việt đã khiến cộng đồng mạng bất ngờ khi nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ như Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn.... đồng loạt chia sẻ hình ảnh của dogecoin với caption chốt danh sách "cýp tồ" với nhưng đồng như DOGC, SHIBA, AKITA, POODLE, KISHU hay FXT. Trong đó, FXT Token là một loại tiền ảo núp bóng đa cấp lừa đảo đã từng bị đài truyền hình quốc gia cùng nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

Một số status trên Facebook của Ngọc Trinh. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là tính xác thực của thông tin và những tiềm ẩn rủi ro từ đây.

Chia sẻ trên kênh Tài chính & Kinh doanh, chuyên gia Phan Lê Thành Long, Chủ tịch sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), nghi ngờ độ chính xác của những thông tin như Ngọc Trinh đăng tải (sau đó đã xoá) trên trang cá nhân và cho rằng đây là  thông tin do một người đứng sau nhờ đăng tải với một mục đích nhất định.

Nói sâu hơn về vấn đề này, Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đưa ra khái niệm về "gian lận tài chính". 

Đâu là rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư tài chính theo các KOL? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Minh Tuấn. (Ảnh: AFA)

Ông cho rằng cần phân biệt rõ giữa rủi ro tài chính (investment risk) với gian lận tài chính (Fraud) hay lừa đảo tài chính (Scam). Ông phân tích, tất cả khoản đầu tư đều có rủi ro kể cả đầu tư chứng khoán, trái phiếu,...như rủi ro về thanh khoản, rủi ro về đối tác, rủi ro về thị trường. Nhà đầu tư cần nắm được rủi ro có thể gặp phải đối với khoản đầu tư của mình.

"Tuy nhiên, nếu như nói rằng khoản đầu tư này không có rủi ro thì có nghĩa rằng thông tin đó đã bị sai lệch hay những loại sản phẩm có cam kết lợi nhuận, đó là những dấu hiệu của gian lận tài chính", ông nói.

Còn lừa đảo tài chính được chuyên gia lấy ví dụ như một số trường hợp gần đây của Coolcat hay Busstrade, chào mới người đầu tư, khi tham dự vào rồi thì lại mất hút.

Về tiền ảo (Crytocurrency), ông cho biết theo Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động giao dịch, quảng bá về tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam là không hợp pháp. Việc đăng tải các thông tin về tiền ảo như Ngọc Trinh là hành vi khuyến khích cho một hình thức mà cơ quan chức năng đã cảnh báo về rủi ro pháp lý.

Nếu những thông tin này không chính xác hoặc cổ vũ mọi người mua sản phẩm tài chính này là có dấu hiệu của gian lận tài chính (do không cung cấp đầy đủ thông tin về hình thức đầu tư) nhưng chưa đến mức lừa đảo.

Ông Tuấn cho rằng có thể Ngọc Trinh hay các nghệ sĩ không có ý định lừa đảo, lấy tiền nhà đầu tư, tuy nhiên lại tạo cơ hội cho những người ở đằng sau thực hiện lừa đảo và các nghệ sĩ có thể chưa nhận thức được vấn đề này.

"Ở những nước phát triển về dịch vụ này như Mỹ hay Trung Quốc họ đã có những cảnh báo những người nổi tiếng không được phép quảng cáo các sản phẩm tài chính", ông Tuấn cho biết.

Chuyên gia khuyến cáo khi muốn đầu tư vào đâu thì nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về nó chứ không nên mua theo các KOL.

Đâu là rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư tài chính theo các KOL? - Ảnh 6.

Ông Phan Lê Thành Long. (Ảnh: AFA).

Đánh giá chung về hiện tượng này, chuyên gia Lê Phan Thành Long cho rằng tại Việt Nam, việc những người có danh tiếng được dựng lên và để đi "phím" các tài sản tài chính bắt đầu gần đây. 

Ở Trung Quốc, câu chuyện hoa hậu, người mẫu đi "phím hàng" đã trở nên phổ biến. Trước tình trạng này, Cơ quan Quản lý hoạt động ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc (CBIRC) đã đưa ra khuyến cáo rằng hãy cẩn trọng với những người nổi tiếng khi họ bán các sản phẩm tài chính.

"Nhận thức của số đông về các sản phẩm tài chính của Việt Nam còn chưa cao, nếu các thông tin không được truyền tải chính xác có thể gây ra hệ quả vô cùng lớn", ông Long chia sẻ.

Sức ảnh hưởng của KOL trên thị trường tài chính

Trên thế giới, có nhiều KOL có tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường. Với những tài khoản mạng xã hội hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi, từ ngôi sao điện ảnh, vận động viên chuyên nghiệp hay người mẫu... là những người có trọng lượng trong quyết định mua bán một sản phẩm hay dịch vụ nào đó của thị trường.

Vào tháng 2/2018, Kylie Jenner - một trong những người được theo dõi nhiều nhất trên các mạng xã hội, đã đăng dòng tweet với nội dung "Vậy có ai đang thôi không dùng Snapchat nữa không? Hay chỉ có tôi thôi, thật buồn quá đi."

Ngay sau dòng tweet trên, cổ phiếu Snapchat đã giảm hơn 6%, vốn hóa của công ty bị "thổi bay" mất 1,3 tỷ USD, theo CNN.

Hay vào cuối năm 2017, sau khi ca sỹ người Mỹ Jeremy Jordan tweet rằng ông "suýt chết" vì ngộ độc thực phẩm do ăn snack của Chipotle, cổ phiếu của công ty đã giảm gần 6% xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm, theo Business Insider.

Không những vậy, các KOL còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đối lên thị trường khi họ là những tỷ phú top đầu thế giới và có những dòng chia sẻ "giống như phím hàng".

Từ một đồng tiền vốn chỉ được tạo ra cho vui, đến nay, những dòng tweet của vị CEO Tesla Elon Musk được cho là nguyên nhân chính giúp đồng dogecoin "lên mặt trăng", trở thành một trong những đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thế giới, khối lượng giao dịch mỗi ngày lên tới hàng chục tỷ USD.

Đơn cử, vào hôm 28/1 năm nay, CEO Tesla Elon Musk đăng hình trang bìa một tạp chí có hình chú chó mặc quần áo và dòng chữ "Dogue" (gần giống tên tạp chí Vogue nổi tiếng). Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng CEO của Tesla đang ngầm ủng hộ đồng dogecoin.

Ngay sau đó, giá dogecoin đã ghi nhận mức tăng hơn 800% chỉ trong một ngày. Vốn hóa của đồng tiền này tăng tương ứng từ 1 tỷ USD lên 8,2 tỷ USD trong 24 giờ.

Hay mới đây, tỷ phú Mark Zuckerberg đã đăng dòng trạng thái trên facebook với caption hết sức đơn giản "My goats: Max and Bitcoin" đã thổi bùng cơn sốt tiền ảo hệ động vật.

kol - Ảnh 1.

Một đồng tiền có chữ "Goat" bùng nổ sau status của CEO Facebook. (Ảnh: CoinMarketCap).

Rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư theo KOL

Nhưng sự chứng thực của người nổi tiếng không có nghĩa là khoản đầu tư đó phù hợp với tất cả các nhà đầu tư hoặc thậm chí là hợp pháp.

Đầu năm nay, cổ phiếu ZOM của Zomedica, một công ty chăm sóc sức khỏe động vật, đã tăng 250% sau khi nhà hoạt động vì quyền động vật Carole Baskin nhắc tới công ty này trong một video trên mạng.

"Tôi không biết các bạn đã nghe nói về Zomedica chưa, nhưng họ đã giúp các bác sĩ thú y và những người bạn nhiều lông của chúng tôi", bà Baskin nói trong video.

Tuy nhiên, Yahoo Finance đã xác nhận rằng bà Baskin không hề đầu tư hay khuyến nghị đầu tư cổ phiếu ZOM, mà video trên là yêu cầu từ một người nào đó trên Cameo, một nền tảng mà người dùng có thể trả tiền cho các tin nhắn video. Bà Baskin đã được trả 300 USD cho yêu cầu này.

Cổ phiếu ZOM đạt đỉnh vào đầu tháng 2 và rơi vào đà giảm mạnh từ đó đến nay.

Đâu là rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư tài chính theo các KOL? - Ảnh 2.

ZOM là một cổ phiếu penny trên thị trường. (Ảnh: Yahoo Finance).

Hay chính tại Việt Nam, vào năm 2018, hàng chục ngàn người từng bị chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng trong dự án iFan, một dự án tiền ảo đa cấp. Đáng nói, dự này này từng thu hút được rất nhiều người do các sự kiện của dự án đều có sự xuất hiện của những người nổi tiếng.

Theo Zing, nhiều nhà đầu tư từng tin tưởng vào hệ thống của iFan khi được mời đến những sự kiện có mặt người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường...

Đâu là rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư tài chính theo các KOL? - Ảnh 3.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Lam Trường xuất hiện tại sự kiện của iFan. (Ảnh: Zing News).


Lê Huy

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.