Cần làm gì khi muốn nghỉ việc để tự kinh doanh, làm giàu?
Nếu như bạn đang suy nghĩ nghỉ việc và tự kinh doanh thì bạn không cô đơn, có rất nhiều người giống bạn. Có nhiều người đạt được thành công lớn sau khi thay đổi, cảm thấy đúng đắn vì đã từ bỏ việc đi làm thuê.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chỉ định kinh doanh rất nhỏ lẻ thì bạn vẫn sẽ phải lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho một chặng đường dài, gắn bó đủ lâu để tìm kiếm thành công cho riêng mình.
Dưới đây là các bước cần làm khi muốn nghỉ việc để kinh doanh mà Business Insider gợi ý:
1. Nhận thức đúng về vị trí của bản thân
Việc đầu tiên bạn cần làm sẽ là kiểm tra khoản tích lũy của mình xem tình hình tài chính hiện tại như thế nào, qua đó, bạn sẽ hiểu hơn về những đòn bẩy mà bạn có, điểm mạnh và điểm yếu. Bạn cũng dựa vào đó xác định các hành động cần làm để củng cố tiềm lực trước khi mạo hiểm bắt đầu kinh doanh.
Hãy trả lời các câu hỏi như: Bạn có quỹ khẩn cấp hoặc một số loại dự trữ tiền mặt không? Các khoản nợ tiêu dùng của bạn đã được trả hết chưa? Nếu bạn có nhiều khoản nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản vay sinh viên kếch xù, lập kế hoạch trả những khoản đó trước khi bắt đầu khởi nghiệp nhé.
Bên cạnh đó, hãy nghĩ tới nghĩa vụ tài chính của mình. Bạn đang độc thân và đi thuê nhà thì vấn đề chuẩn bị kinh doanh sẽ khác với những người có gia đình, có con nhỏ và đang là trụ cột tài chính.
Điều này không có nghĩa là bạn không thể kinh doanh nếu có các rào cản, nhưng chắc chắn trả lời các câu hỏi đó cho phép bạn lập kế hoạch chính xác hơn, xem xét các con đường khác nhau để đạt được mục tiêu cuối cùng.
2. Hiểu những gì bạn cần để bắt đầu kinh doanh
Làm việc chăm chỉ và cam kết với các mục tiêu cũng như giá trị cốt lõi sẽ giúp bạn có một chặng đường dài, có khả năng thành công trong kinh doanh. Dù vậy, bạn cũng sẽ cần đến một số sự hỗ trợ hữu hình, dưới dạng tài sản hoặc vốn để bắt đầu.
Có rất nhiều lựa chọn khi nói đến quản lý chi phí khởi điểm trong kinh doanh và cả phương pháp để giảm thiểu các khoản chi phí đó. Bạn có thể giới thiệu ý tưởng của mình cho các nhà đầu tư mạo hiểm – những người sẽ cung cấp nguồn vốn bạn cần để bắt đầu.
Tiếp tục đặt ra các câu hỏi và tìm đáp án cho chúng, chẳng hạn như: Bạn cũng có thể khởi động công việc kinh doanh của mình và hoạt động suôn sẻ không? Bạn sẽ tự lo được nguồn vốn cần thiết trong một vài tháng cho đến khi tạo ra doanh thu hay bạn sẽ cần phải thông qua các nhà đầu tư? Bạn có gia đình hoặc bạn bè quan tâm hỗ trợ bạn theo một cách nào đó không?
3. Đặt ra giới hạn và mức rủi ro bạn có thể chịu đựng được
Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng hai khía cạnh quan trọng của việc chuẩn bị tài chính cho bản thân để bắt đầu kinh doanh là: Biết giới hạn của bạn và việc bạn có thể cầm cự được bao lâu cho đến khi hoàn vốn, có lãi; biết khi nào giới hạn đó sắp tới và có thể cân nhắc kết thúc sớm nhằm tránh những tổn hại về tài chính nghiêm trọng hơn.
Hiểu giới hạn của mình có thể giúp bạn lập kế hoạch tốt hơn và đưa ra quyết định thông minh hơn. Ví dụ, nếu bạn biết mình có một khoản dự trữ tiền mặt sẽ chi trả cho các nhu cầu cá nhân trong 6 tháng, thì bạn biết rằng doanh nghiệp của mình sẽ cần phải bắt đầu tạo ra lợi nhuận trước thời gian đó – như vậy thì bạn mới tránh được nợ nần.
Ngoài ra, biết khi nào đường giới hạn đó có thể ngắn lại cũng có thể giúp bạn đánh giá các lựa chọn như bạn có nên kiếm một công việc bán thời gian để việc kinh doanh có thêm thời gian tạo ra thu nhập không? Bạn cần tìm kiếm thêm nhà đầu tư, hay bạn nên tìm đối tác có thể đóng góp?
4. Có kế hoạch dự phòng
Trong một thế giới hoàn hảo, bạn có thể tạo ra một kế hoạch kinh doanh tốt đẹp, có tổ chức, gọn gàng và thực hiện nó thành công. Tuy nhiên, trong thế giới thực, bạn cần phải nhanh nhẹn, hoạt bát và sẵn sàng thay đổi.
Có ít nhất một kế hoạch dự phòng là chìa khóa để bạn biết cách lặp lại hoặc xoay vòng nếu mọi thứ không diễn ra chính xác như bạn mong đợi. Nếu bạn vạch ra một vài tình huống khác nhau và cách bạn sẽ phản ứng với từng tình huống, bạn có thể chỉ cần tập trung vào việc thay đổi nếu cần khi những tình huống đó xảy ra - và bạn sẽ không cần phải tốn thời gian, sức lực hay tiền bạc để cuống cuồng suy nghĩ xem mình phải làm gì.
Xem xét kết hợp tất cả các yếu tố này có thể giúp bạn xác định những gì cần thiết khi bắt đầu kinh doanh. Điều đó sẽ khác nhau ở mỗi người. Có lẽ bạn nhận ra rằng bạn cần một quỹ khẩn cấp lớn hơn trước khi bắt đầu hoặc bạn cần dành thêm thời gian để thêm kế hoạch dự phòng vào chiến lược tổng thể của mình trước khi khởi động.