Cần hơn 447.200 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông
Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện danh mục các dự án dự kiến đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 31/7/2020.
Sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư
Theo dự thảo báo cáo của Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT), dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT cần hơn 447.200 tỷ đồng. Trong số này có gần 27.300 tỷ đồng trả nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách; gần 102.000 tỷ đồng để triển khai các dự án chuyển tiếp và hơn 318.000 tỷ đồng cho 192 dự án triển khai mới (47 dự án nhóm A và 145 dự án nhóm B).
Đáng chú ý, trong 47 dự án nhóm A (dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên) dự kiến triển khai mới trong giai đoạn 2021 - 2025, có 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đề xuất đầu tư nhằm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Tuy Hòa, Tuy Hòa - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang và Cam Lộ - La Sơn (quy mô hoàn chỉnh) với tổng chiều dài dự kiến khoảng 745km, tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng.
Hàng loạt tuyến cao tốc, đường vành đai, quốc lộ, cầu lớn ở khu vực phía Nam với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng cũng được điểm tên trong dự thảo danh mục của Vụ KH&ĐT gồm: Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, đường vành đai 3 TP HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức, Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi trên QL60…
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không cũng được đề xuất dự kiến đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới như: Dự án cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân; dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt tuyến Hà Nội - Hải Phòng; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, dự án nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu trung chuyển Hòn Nét…
Liên quan đến khả năng cân đối vốn, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, nếu triển khai cả 47 dự án nhóm A trong giai đoạn 2021 - 2025 thì tổng mức vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn này là hơn 447.200 tỷ đồng, vượt rất xa so với nguồn vốn dự kiến được bố trí cho Bộ GTVT trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
“Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Bộ GTVT là 235.000 tỷ đồng, nếu tính theo phương án tăng trưởng cao (tăng 20%), giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT cũng chỉ khoảng 280.000 tỷ đồng”, ông Huy nói và thông tin thêm: Nếu đưa cả 47 dự án nhóm A vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn không có đủ vốn để làm nên Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư.
“Về nguyên tắc, các dự án quan trọng, cấp bách tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH sẽ được ưu tiên đầu tư trước. Nhưng 47 dự án nhóm A được dự kiến đề xuất, dự án nào cũng quan trọng, cấp bách cả, vì vậy sẽ phải có các tiêu chí để lựa chọn. Hiện nay, chúng tôi đang chờ định hướng của Bộ KH&ĐT về các tiêu chí lựa chọn để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, sau đó, Vụ KH&ĐT sẽ hoàn thiện báo cáo để trình Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT xem xét, quyết định”, ông Huy cho hay.
Cần căn cứ hiệu quả đầu tư để lựa chọn dự án
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, các dự án được đề xuất dự kiến đầu tư đều là những công trình quan trọng, cấp bách nên cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để lựa chọn. Trong đó, các dự án có ảnh hưởng lớn, tác động lan tỏa đến các dự án khác, dự án là huyết mạch của nền kinh tế cần phải ưu tiên lựa chọn đầu tư trước.
Thời gian trước, tại một số địa phương ở miền núi chỉ vì có một di tích trong vùng cũng đề xuất đầu tư đến 2 - 3 tuyến đường để kết nối trong khi lượng phương tiện thực tế đi lại rất ít. Địa hình vùng núi rất phức tạp, chi phí xây dựng lớn nhưng địa phương vẫn quyết làm đường dẫn tới hiệu quả dự án rất kém, thậm chí số tiền bỏ ra đầu tư không đem lại giá trị gì. Do đó, cơ quan chức năng cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của các dự án để từ đó lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp". TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường VN
“Chẳng hạn như cao tốc Bắc - Nam, đây là tuyến đường xương sống của đất nước, tác động rất lớn đến việc thúc đẩy phát triển KT-XH nên giai đoạn tới Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần ưu tiên lựa chọn đầu tư trước các đoạn còn lại để nối thông toàn tuyến”, ông Long dẫn chứng và cho biết, đối với các dự án còn lại, cơ quan chức năng cần tính toán tác động, nhu cầu của từng dự án để lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư.
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, nguồn lực hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu đầu tư là chuyện nan giải đối với ngành GTVT xuyên suốt hàng chục năm qua. “Để giải bài toán này, trước hết, Bộ GTVT và cơ quan chức năng cần phải rà soát, đánh giá lại các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư sắp tới. Dự án được ưu tiên lựa chọn đầu tư phải đảm bảo phát huy hiệu quả. Không chỉ hiệu quả về KT-XH, điều quan trọng nhất phải là hiệu quả về tài chính của dự án và lấy đó đó làm chuẩn mực để quyết định lựa chọn tiêu chí sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư”, ông Long nói.
Theo ông Long, trong bối cảnh vốn đầu tư công khó khăn, Bộ GTVT và cơ quan chức năng cần tiếp tục đa dạng hóa hình thức đầu tư. Ông Long gợi ý, thay vì một số dự án dự kiến làm hoàn toàn bằng vốn đầu tư công có thể dùng một phần để làm vốn “mồi” để chuyển một số dự án sang đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
“Đặc biệt, trong điều kiện vốn ít, nhu cầu lớn, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường năng lực quản lý dự án đầu tư công đảm bảo tính kinh tế, tiến độ, chất lượng và phải thường xuyên rà soát để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế trong công tác đầu tư”, ông Long nhấn mạnh.