|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 2: 'Thỏi nam châm' hút vốn đầu tư

13:48 | 28/02/2020
Chia sẻ
Chiến lược kêu gọi đầu tư vào các KCN của tỉnh là phát huy tối đa lợi thế về hệ thống giao thông thủy và cảng biển, ưu tiên chào mời, tăng sức thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách.

Nhiều dự án lớn khởi động

Tháng 6/2019, Công ty TNHH Shirogane Transport (Nhật Bản) phối hợp với Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ khánh thành Trung tâm hậu cần Vina Japan Shirogane Logistics (VJS) tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ. 

Ông Kaihoto Tetsuya, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Shirogane Transport cho biết, Trung tâm VJS là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Shirogane Transport góp vốn 51% và Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ góp vốn 49%, có tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD được xây dựng trên khu đất rộng 2,25ha. 

VJS tập trung phát triển các dịch vụ logistics tích hợp trọn gói và đồng bộ như: dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, làm thủ tục hải quan và các dịch vụ bổ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu về phân phối hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu của các DN.

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 2: 'Thỏi nam châm' hút vốn đầu tư - Ảnh 1.

Các DN trong KCN đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty TNHH Nhà thép Feb (KCN Đông Xuyên).

Trước đó vào tháng 1/2019, cũng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã khởi công xây dựng nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) có tổng vốn đầu tư 4.810 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 15ha, công suất thiết kế 400.000 tấn giấy mặt và giấy sóng sử dụng trong ngành bao bì. 

Đây là nhà máy giấy đầu tiên tại BR-VT sử dụng công nghệ, vận hành và quản lý theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Theo chủ đầu tư, dự kiến nhà máy sẽ vận hành sản xuất thương mại từ tháng 11/2020.

Tập đoàn Marubeni là tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu Nhật Bản với doanh thu toàn cầu hàng năm khoảng 100 tỷ USD, có văn phòng và chi nhánh tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Đầu năm 2019, Tập đoàn Marubeni đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chế biến cà phê có tổng vốn đăng ký hơn 117 triệu USD. 

Nhà máy cà phê dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2020, với công suất ban đầu là 16.000 tấn/năm. Ngoài nhà máy cà phê ở Brazil, đây sẽ là nhà máy chế biến cà phê thứ 2 của Marubeni. 

Gần đây nhất, đại diện Tập đoàn Marubeni đã làm việc với UBND tỉnh đề xuất kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí LNG trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800MW. 

Marubeni cho biết, dự kiến dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.

Một dự án cũng được kỳ vọng tạo sức lan tỏa không chỉ về công nghệ mà còn đóng góp lớn cho ngân sách là Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) doTập đoàn Hyosung - Hyosung Chemical Corporation (Hàn Quốc) đầu tư. 

Tháng 8/2018, sau khi được UBND tỉnh trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn Hyosung đã bắt tay khởi động xây dựng nhà máy. 

Ông Cha Kyong Yong, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản xuất cho biết: Dự án có diện tích 60ha với tổng số vốn 1,2 tỷ USD. Đến nay dự án đã hoàn thành 96% khối lượng công việc, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2020. 

Khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp ngân sách khoảng 100 triệu USD/năm, đồng thời thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 600 lao động có kỹ thuật cao. Đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay cấp phép vào KCN.

Thu hút đầu tư đúng định hướng

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải; thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các KCN. 

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh

Lựa chọn các dự án có chất lượng cao, thân thiện môi trường

BR-VT luôn thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không chạy theo số lượng để phải trả giá. Có những dự án cả tỷ USD nhưng không phù hợp với môi trường đầu tư của tỉnh nên phải từ chối.

Để bảo đảm định hướng thu hút đầu tư bền vững, Ban Quản lý Các KCN đã tiến hành rà soát, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các KCN một cách hợp lý, theo hướng không gian phát triển phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường, tiết kiệm quỹ đất, bảo đảm mục tiêu phát triển KCN bền vững, thu hút dự án có chất lượng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN…

Tính đến nay đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hà Lan, Singapore… 

Một số tập đoàn xuyên quốc gia đã đầu tư và đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, BP, SCG, Hyosung… 

Các dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực, có cả các lĩnh vực quan trọng, trọng điểm như sản xuất điện, đạm, sản xuất thép, đóng tàu, vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ dầu khí, cùng các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gắn liền với phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Tính đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có 423 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 19,6 tỷ USD. 

Trong đó có 221 dự án đầu tư nước ngoài và 202 dự án đầu tư trong nước. Hầu hết các dự án đầu tư, sau khi được cấp phép, đều được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ. 

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các dự án trong KCN là động lực chính đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa với tỷ trọng công nghiệp rất cao trong GDP, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. 

Tính riêng năm 2019, các DN trong các KCN đóng góp cho ngân sách 612 triệu USD. Trong đó phải kể đến như Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu có số nộp ngân sách cao nhất với 2.899 tỷ đồng;  Công ty TNHH Posco Việt Nam đóng góp hơn 1.560 tỷ đồng; Posco SS Vina 1.300 tỷ đồng; Công ty Lock and Lock 145 tỷ đồng, Công ty TNHH Thực phẩm bột mì CJ Việt Nam 35 tỷ đồng… 

Ông Paulus Adrianus Hendricus Bleijs, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu cho biết: Sau 3 năm tiếp nhận và đi vào hoạt động sản xuất, Công ty Heineken Việt Nam - Vũng Tàu đã có những chuyển biến và phát triển vượt bậc. 

Trong quá trình hoạt động, Công ty không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đầu tư của công ty là 4.203 tỷ đồng. 

Mặc dù đang trong giai đoạn mở rộng công suất, xây dựng nhà xưởng mới nhưng kết quả hoạt động kinh doanh tại nhà máy vẫn đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. 

Doanh thu năm 2019 tăng 170% so với năm 2018 (từ 230 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng), từ đó nguồn đóng góp ngân sách nhà nước cũng tăng 132% so với cùng kỳ.   

Ngoài ra, thông qua khu vực KCN, nhiều nguồn lực như lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản trong phạm vi địa giới của tỉnh được khai thác và sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là đóng góp rất lớn vào kết quả xuất khẩu cho Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. 

Hiện nay cơ cấu công nghiệp đóng góp khoảng 58% quy mô kinh tế cả tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh qua các năm tăng bình quân 18%/năm, đạt 2,9 tỷ USD trong năm 2019.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thảo Nga