|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 1: Đi sau nhưng vượt nhanh

09:30 | 28/02/2020
Chia sẻ
Kể từ khi KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập vào năm 1996 (KCN Đông Xuyên), đến nay toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.802 ha. Ra đời muộn hơn so với các KCN khác trong vùng từ 3 - 5 năm, nhưng nếu xét trên tiêu chí quy mô thì BR-VT thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN.
Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 1: Đi sau nhưng vượt nhanh - Ảnh 1.

Một góc KCN đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Những ngày này, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ) đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 theo kế hoạch đã được phê duyệt. 

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là 1 trong 2 dự án KCN kiểu mẫu của cả nước, nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11/2011. 

Dự án này cũng nằm trong “Chương trình sáng kiến phát triển kinh tế địa phương” của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA cùng chính quyền tỉnh BR-VT hỗ trợ để phát triển thành một KCN kiểu mẫu. 

Đến nay, giai đoạn 1 KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã đạt tỷ lệ lấp đầy 54%, với 19 dự án đã được cấp phép đầu tư trên tổng diện tích 150ha.

“Hiện KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đường giao thông nội khu cao cấp, nhà máy xử lý nước thải công suất 9.000m3/ngày đêm, với tiêu chuẩn xử lý nước thải đạt loại A đầu tiên tại tỉnh BR-VT. 

Hệ thống điện ngầm hiện đại đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định. Hệ thống cung cấp nhiên liệu sạch là khí gas với mục tiêu bảo vệ môi trường không khí, đến tận hàng rào nhà máy của khách hàng, hệ thống cây xanh phủ kín…”, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi cho biết thêm.

Với mục tiêu xây dựng KCN với hạ tầng đồng bộ và hiện đại, từ năm 2019, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động văn phòng giao dịch ngân hàng BIDV; Văn phòng hội nghị, Văn phòng một cửa để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng xuyên suốt quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành dự án, đồng thời là cầu nối giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất thông suốt và thủ tục hành chính đơn giản. 

Cơ chế “một cửa - tại chỗ”, khu phi thuế quan và các trung tâm tiện ích trong KCN chuyên sâu đã đáp ứng nhu cầu về “hạ tầng mềm” đối với các nhà đầu tư.

Không chỉ có KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, hiện nay, hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đồng thời bảo đảm về tiện ích giúp các DN thứ cấp có đủ các điều kiện thiết yếu để sản xuất kinh doanh. 

Trong các KCN không chỉ có nhà xưởng, mà phải có cả các dịch vụ cho đời sống và dịch vụ sản xuất để phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp. 

Với những KCN này, tỷ lệ diện tích dành cho nhà xưởng sản xuất sẽ ít đi mà tỷ lệ về cây xanh, thương mại, dịch vụ, đời sống, thậm chí cả nhà ở, khu vui chơi giải trí sẽ nhiều lên.

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 1: Đi sau nhưng vượt nhanh - Ảnh 2.

Sản xuất linh kiện cáp điện tử tại Công ty Dongjin (KCN Đất Đỏ 1).

Lợi thế cạnh tranh ưu việt

Theo đánh giá của các chuyên gia, BR-VT có lợi thế lớn để phát triển các KCN nhờ vị trí địa lý chiến lược và kết nối giao thông đặc biệt thuận lợi. Nhất là trên địa bàn có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Hầu hết các KCN đã được thành lập có vị trí nằm liền kề với các sông lớn, thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy như KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) nằm sát bên sông Dinh, phù hợp với khả năng phát triển hệ thống cảng từ 10.000 tấn trở xuống. 

Các KCN còn lại thuộc địa bàn TX. Phú Mỹ nằm liền kề với hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép có khả năng đón tàu có trọng tải đến 200.000 tấn. 

Việc bố trí, quy hoạch kề cận với hệ thống cảng đã tạo cho các KCN tỉnh có lợi thế lớn về phát triển công nghiệp nặng. 

Từ đó, nhiều dự án quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn đã chọn đầu tư vào các KCN ở BR-VT để hưởng lợi thế từ hệ thống cảng nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất kinh doanh.

Ông Kim Hyeung Jun, Giám đốc Bộ phận xây dựng Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina, KCN Cái Mép cho biết: “Một trong những tiêu chí để công ty lựa chọn đầu tư tại BR-VT vì nơi đây được đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để thu hút đầu tư về công nghiệp và có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống cảng biển hiện đại, thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu; môi trường đầu tư thông thoáng, năng động và thuận lợi. 

Đây là những yếu tố khá hấp dẫn với các nhà đầu tư trong đó có Hyosung”.

Tính đến nay, tổng diện tích đất thuê trong các khu công nghiệp là 2.677ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 71,29% (tính trên số KCN đã xây dựng hạ tầng).

Các KCN tại BR-VT được xây dựng theo định hướng phát triển bền vững; thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, không tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các KCN chiếm đến 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (trừ dầu khí); giải quyết việc làm cho khoảng 65.000 lao động; tác động tích cực tới sự hình thành khu đô thị mới Phú Mỹ hôm nay và các khu đô thị mới khác trong tương lai.

Cũng theo các nhà đầu tư, một trong những lợi thế của tỉnh BR-VT là mặt bằng giá thuê đất cũng rất cạnh tranh. 

Thông tin từ Ban Quản lý các KCN cho biết, hiện giá thuê đất tại KCN Mỹ Xuân A2 là 120 USD/m2; KCN Phú Mỹ 1, 2 là 75 USD/m2; KCN Phú Mỹ 3 là 150  USD/m2; KCN Đất Đỏ 1 là 55 USD/m2; KCN Sonadezi Châu Đức 51 USD/m2; KCN Cái Mép 80 USD/m2

Trong khi đó, những địa phương khác, giá thuê đất tại các tỉnh như: Đồng Nai, giá thuê đất từ 40-160 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm; Bình Dương 53-80 USD/m2/kỳ thuê 37-39 năm); Long An từ 38-220 USD/m2/kỳ thuê 44-48 năm)...

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy tiềm năng của các KCN - Kì 1: Đi sau nhưng vượt nhanh - Ảnh 4.

Hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ được đầu tư đồng bộ. Trong ảnh: Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Đặc biệt, để phát huy hiệu quả các KCN, tạo thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn để thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. 

Theo đó, các tuyến đường huyết mạch kết nối cảng biển và các KCN được hình thành như 991B, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép… 

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA giao thông khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, các tuyến giao thông huyết mạch thông suốt sẽ giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo sự kết nối vùng BR-VT với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, góp phần xóa bỏ tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51, tạo động lực để các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng và KCN, định hình dần trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á cho BR-VT, đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh BR-VT tăng tốc mạnh mẽ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thảo Nga