|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cần gỡ được 3 nút thắt trong xử lý nợ xấu

08:26 | 23/04/2017
Chia sẻ
Việc tăng trưởng quý I gây bất ngờ vì thấp hơn dự kiến, cùng với hàng loạt điều hành mới nhất của Thủ tướng: yêu cầu các bộ, ngành báo cáo khách quan về nguồn lực của nền kinh tế; yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các địa phương lớn xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho các quý tiếp theo; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất, có kế hoạch giải quyết có hiệu quả nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém... đang gây chú ý trong thời gian gần đây. 

PV: Thưa Tiến sỹ, diễn biến kinh tế quý I và hàng loạt những điều hành mới nhất của Thủ tướng cho thấy những vấn đề gì đang đặt ra cho mục tiêu tăng trưởng trong năm nay?

TS Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng đó là một loạt biện pháp để cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%. Quý I đạt 5,1%, thấp hơn năm ngoái cũng là điểm gây “sốt ruột”, và tôi nghĩ sốt ruột là đúng thôi. Cách chỉ đạo sát sao, quyết liệt như thế của Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh rất khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF) vừa mới dự báo là kinh tế thế giới năm nay có thể khả quan hơn năm ngoái, tăng trưởng ngang với 2015, khoảng 3,4%.

Tuy nhiên, thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn như vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc – Trung Quốc, các chính sách mới của Mỹ, xu hướng bảo hộ thương mại tăng rõ rệt, cũng như sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ, Anh rồi Pháp,... sẽ tác động đến thương mại và đầu tư của các nước liên quan, trong đó có Việt Nam.

can go duoc 3 nut that trong xu ly no xau
Ông Cấn Văn Lực.

Quý I nước ta tăng trưởng chậm do 3 nguyên nhân: Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng thấp, thậm chí là giảm, ở mức -10%, tiêu dùng tăng chậm hơn và giải ngân đầu tư công rất chậm, mới đạt 12%, 13% kế hoạch năm. Trong những nguyên nhân đó, có một phần do chúng ta chủ định giảm sản lượng khai thác dầu khi giá cả thế giới không thuận lợi.

Nhưng điểm sáng của quý I là ngành nông nghiệp tăng mạnh mẽ trở lại: 2% trong khi năm ngoái chỉ tăng 0,5%. Một điểm nữa đáng chú ý là nhập siêu quý I tăng lên rất mạnh, gần 2 tỷ USD - đương nhiên ảnh hưởng đến cán cân thương mại và gây áp lực về ngoại tệ, tỷ giá, nhưng cũng là dấu hiệu chứng minh sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi, DN đang chuẩn bị nguyên vật liệu cho quý II, quý III. Tín dụng tăng trưởng 4%, xuất khẩu tăng 12% cũng như đầu tư nước ngoài tăng tốt... Tôi cho rằng tiềm năng để tăng trưởng trong quý II, quý III khá là sáng sủa.

PV: Ông có nhận định thế nào về chỉ đạo không tăng lãi suất của Thủ tướng? Đây có phải là một động thái giúp DN gia tăng lòng tin để đầu tư vào sản xuất kinh doanh?

TS Cấn Văn Lực: Chính phủ gần đây hướng đến DN rất nhiều, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp... DN dù sao cũng là trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân. Chính phủ không muốn tăng khó khăn cho DN bằng cách giữ mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay.

Chúng tôi đã có nghiên cứu, có số liệu rất rõ ràng là lãi suất cho vay thực của Việt Nam, sau khi cấn trừ lạm phát, thì ở mức trung bình của thế giới, khoảng 5%. Tuy nhiên, DN rõ ràng không muốn lãi suất bị tăng lên.

Chính vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt: Cho dù lãi suất đầu vào có thể tăng, nhưng lãi suất đầu ra không thể tăng. Điều này tốt cho DN, nhưng có khó khăn nhất định cho hệ thống ngân hàng, vì áp lực tăng lãi suất đầu vào rất lớn. Quan điểm của tôi là trước mắt vẫn cứ phải áp dụng 1 số biện pháp hành chính, nhưng về lâu về dài thì không nên vì làm méo mó thị trường.

PV: Về khung khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém, ban đầu Chính phủ định xây dựng 1 luật, nhưng bây giờ rút xuống còn 1 Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến thông qua trong kỳ họp này. Theo ông, vì sao lại có thay đổi trên?

TS Cấn Văn Lực: Tôi cũng được mời tham gia nhóm soạn thảo Luật xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Đương nhiên có luật sẽ tốt hơn, nhưng sẽ không kịp trình trong kỳ họp tháng 5, mà để đến tháng 10 sẽ trễ, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội đã đồng ý có 1 Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2010. Tất nhiên, nhiều người mong có luật, mới bao trùm được và mới sửa được vướng mắc của 8 luật liên quan về xử lý nợ xấu, nhưng xét về thời gian, đành điều chỉnh theo hướng này.

PV: Hiện nay nút thắt cơ bản trong xử lý nợ xấu là gì, và theo hướng xây dựng Nghị quyết của Chính phủ thì có thể giải quyết được các nút thắt này không?

TS Cấn Văn Lực: Xử lý nợ xấu có 3 nút thắt: Thứ nhất là xử lý tài sản đảm bảo. Thứ 2 là thị trường mua bán nợ. Thứ 3 là năng lực của VAMC, cả về tài chính và pháp lý. Thị trường mua bán nợ có 3 vấn đề có liên quan: Định giá nợ xấu và định giá tài sản đảm bảo; cơ chế xử lý phần chênh lệch mua và bán nợ xấu vì không phải mọi trường hợp các khoản nợ xấu VAMC mua về bán lại đều có lời; sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước trong mua bán nợ, cũng như phải đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu.

Hiện có các biện pháp mới mà các nước đang dùng như tăng việc chuyển nợ thành vốn góp, chứng khoán hóa nợ xấu. Về năng lực của VAMC, không phải chuyện Nhà nước sẽ cấp 1 cục tiền cho VAMC mang đi mua nợ xấu, nhưng nguồn vốn để xử lý nợ xấu - mình đã kiến nghị rất nhiều, là phải thông qua trái phiếu. 95% nguồn vốn xử lý nợ xấu của Thái Lan là từ trái phiếu Chính phủ đảm bảo.

Mặt khác, khi thị trường mua bán nợ sôi động thì lấy “mỡ nó rán nó” – tức là bán khoản nợ này lấy tiền mua khoản khác, nhưng phải tăng tính thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Tôi hi vọng Nghị quyết của Quốc hội sẽ tập trung vào 3 vấn đề vướng mắc về xử lý nợ xấu như đã nêu trên.

PV: Theo một văn bản Chính phủ ban hành về hướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết này, có vài điểm đáng chú ý như: Cho phép Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) và DN khác tham gia mua bán nợ; có cơ chế miễn trách nhiệm đối với người tham gia xử lý nợ xấu với điều kiện thất bại là khách quan và người tham gia đã cố gắng hết sức. Ông nhận định thế nào về các chỉ đạo trên?

TS Cấn Văn Lực: Đấy chính là nhóm vấn đề thứ 2 mà tôi đề cập về thị trường mua bán nợ. Hiện chúng đang bị thu hẹp về đối tượng tham gia. Nghị định về thị trường mua bán nợ cũ cơ bản chỉ cho phép VAMC mua bán nợ với các tổ chức tín dụng; chưa có DATC và nhà đầu tư tư nhân.

Giờ Chính phủ đã mơ cơ chế cho phép tham gia, tất nhiên mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về quy định miễn trừ trách nhiệm của người tham gia xử lý nợ xấu, tuy là một quy định khó, nhưng cũng nên có.

Hiện có 1 số ngân hàng yếu kém, khi tái cơ cấu, nếu không làm rõ trách nhiệm thì cán bộ tham gia không dám làm. Ví dụ ngân hàng đã lỗ, giả sử trong quá trình tái cơ cấu nó lại lỗ tiếp, thì người tham gia xử lý có thể bị quy vào trách nhiệm hình sự là do làm ăn cẩu thả, trong khi người ta đã làm hết sức mình về mặt chủ quan. Như thế là bị oan, không ai dám làm và làm chậm quá trình tái cơ cấu. Về lâu dài phải nghiên cứu để kiên quyết giảm hình sự hóa trong quan hệ kinh tế, cốt yếu là phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm và đương nhiên phải tăng tính minh bạch.

Quy định này cũng làm tăng động lực để cán bộ tham gia tái cơ cấu làm việc, tất nhiên phải phân định rõ nguyên nhân khách quan - chủ quan, liên quan đến quy định bên ngoài của pháp luật và quy trình bên trong của Ngân hàng Nhà nước, VAMC...

PV: Như ông đã đề cập, việc xử lý nợ xấu từ năm ngoái và năm nay có dấu hiệu chậm lại. Do đâu có tình trạng trên?

TS Cấn Văn Lực: Trước hết, phải khẳng định việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia tập trung là theo thông lệ, các nước vẫn làm nếu như nợ xấu vượt quá khả năng giải quyết của hệ thống ngân hàng. Thế giới đã chứng minh mô hình đó hiệu quả hơn so với từng ngân hàng thương mại có công ty xử lý nợ xấu của riêng mình.

Tính ưu việt của nó đã được thế giới khẳng định. Nếu như nợ xấu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước công bố là 17,2% thì 55% trong số đó đã được các ngân hàng thương mại tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro, thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo; còn 45% bán cho VAMC và VAMC đã xử lý được 20% trong số đó, còn 80% phải tiếp tục xử lý.

Từ năm ngoái đến năm nay, VAMC mua nợ xấu ít hơn. Thứ nhất vì cơ bản các ngân hàng thương mại đã đưa được nợ xấu xuống dưới 3%. Thứ hai là do VAMC phải tập trung xử lý nợ xấu đã mua về. Việc này có rất nhiều vướng mắc như đã nói, xử lý tài sản đảm bảo vướng đến 4, 5 luật; xử lý nợ xấu liên quan đến 8 luật. Có những khoản tài sản đảm bảo mất đến 5 năm, 3 năm mới bán được. Tôi cho rằng Nghị quyết sắp tới đây của Quốc hội cũng nên ràng buộc hơn trách nhiệm của các bên liên quan và tạo quyền lực cho ngân hàng cũng như VAMC trong việc xử lý nợ xấu.

PV: Xin cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Vũ Vân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.