|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Căn cứ để người kinh doanh chọn nhượng quyền hay cấp phép

07:01 | 25/08/2020
Chia sẻ
Nhượng quyền và cấp phép đều mang lại cơ hội kinh doanh với một số nền tảng nhất định nhưng còn có nhiều khác biệt chủ doanh nghiệp cần hiểu.

Nhượng quyền thương mại (Franchise) giống như một dịch vụ trọn gói, tương tự như việc bạn đặt một bữa ăn theo thực đơn cố định của nhà hàng. Bạn có quyền kiểm soát thấp hơn nhưng nhận được nhiều giá trị hơn. Doanh nghiệp được nhượng quyền là chìa khóa trao tay đi kèm với hướng dẫn vận hành chi tiết, hỗ trợ và đào tạo cũng như giới hạn trong một số lãnh thổ cụ thể.

Với việc cấp phép (License), bạn đang có quyền sử dụng một tài sản nhất định như là gọi từng món lẻ trong thực đơn nhà hàng. Tài sản đó có thể là một phần của một doanh nghiệp lớn và bạn có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh theo ý muốn cũng như sử dụng tài sản được cấp phép theo thỏa thuận trong hợp đồng với đơn vị cấp phép.

Cả hai hình thức đều có ưu và khuyết điểm riêng nhưng không có sai hoặc đúng. Các chuyên gia của Forbes đã phân tích sự khác biệt của cả hai phương thức nhằm giúp các chủ doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn.

Nhượng quyền (Franchise) và cấp phép (License): hình thức kinh doanh nào tốt hơn? - Ảnh 1.

Nhượng quyền và cấp phép kinh doanh là hai hình thức khiến nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay phân vân. Ảnh: Forbes

Nhượng quyền thương mại (Franchise)

Với nhượng quyền thương mại, bạn đang đầu tư vào một doanh nghiệp đã thành lập và sẽ được hướng dẫn cụ thể cách vận hành, nhận được hỗ trợ và đào tạo liên tục từ công ty mẹ để đảm bảo thành công. Tóm lại, hình thức này cung cấp cho các nhà đầu tư lộ trình chi tiết để phát triển.

Với quyền sở hữu nhượng quyền, bạn phải cam kết sẽ tuân theo hệ thống, thương hiệu và quy trình hoạt động của bên nhượng quyền. Ngoài ra, việc kinh doanh sẽ bị hạn chế trong một lãnh thổ cụ thể. 

Nhược điểm là gì? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn tự đánh giá. Mất quyền kiểm soát vì phải tuân theo hệ thống của bên nhượng quyền có thể là khuyết điểm lớn nhất song cũng là lí do nhiều người đầu tư vào hình thức này.

Hầu hết chúng ta có thể kể tên một số ví dụ về doanh nghiệp được nhượng quyền mà không cần suy nghĩ nhiều. Rốt cuộc, các doanh nghiệp được nhượng quyền hiện nay đang phủ sóng mạnh mẽ. Có hàng ngàn thương hiệu với vô số cơ hội trong mọi lĩnh vực kinh doanh như dịch vụ gia đình, giáo dục và thực phẩm...

Khi lựa chọn nhượng quyền, bạn không nhất thiết phải có bộ năng cụ thể để điều hành doanh nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, điều duy nhất cần có là sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng tuân thủ hệ thống.

Về mặt pháp , ba yếu tố phân biệt một doanh nghiệp như một nhượng quyền thương mại: giấy phép nhãn hiệu, mức độ kiểm soát và thanh toán phí ban đầu.

Cấp phép (License)

Với việc cấp phép, nhà đầu tư sở hữu một hạng mục cụ thể, cho phép người nhận giấy phép được sử dụng, thực hiện và bán một ý tưởng, thiết kế, tên hoặc biểu tượng với khoản phí nhất định. 

Tuy nhiên, đây chỉ là một tài sản cụ thể, không phải toàn bộ doanh nghiệp. Thỏa thuận cấp phép hạn chế những gì người được cấp phép có thể và không thể làm với tài sản được cấp phép nhưng không kiểm soát hoạt động tổng thể của doanh nghiệp được cấp phép.

Một ví dụ khá điển hình là Disney cấp phép sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình cho hàng loạt công ty bán áo phông, hộp cơm trưa và đồ ngủ cho trẻ em.

Một số công ty sử dụng giấy phép để mở rộng quy mô kinh doanh theo một cách cụ thể. Ví dụ, hầu hết các địa điểm của Starbucks đều do tổng công ty điều hành nhưng đôi khi sẽ tham gia các thỏa thuận cấp phép để sử dụng một số địa điểm khó tiếp cận như các chuỗi cửa hàng tạp hóa, hiệu sách hoặc các trường cao đẳng và đại học.

Giấy cấp phép thường không đi kèm hạn chế về lãnh thổ hoặc thị trường mà được điều chỉnh bởi luật hợp đồng tiêu chuẩn. Do đó, hình thức này có ít gánh nặng hành chính hơn cho cả hai bên so với thỏa thuận nhượng quyền.

Kinh doanh với cấp phép đang khá phổ biến

Hiện nay, hình thức cấp phép kinh doanh phổ biến hơn so với nhượng quyền bởi giải pháp này cũng cung cấp một số lợi thế về công cụ hoặc đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động với chi phí thấp hơn và ít hạn chế hơn so với nhượng quyền.

Ví dụ, nhiều công ty bán hàng tự động cung cấp hỗ trợ và đào tạo nhưng không đòi hỏi phí bản quyền hoặc nhượng quyền. Nhà đầu tư sẽ trả tiền cho máy móc và vật tư để sở hữu một hệ thống tuân thủ nguyên tắc vận hành của họ. 

Đổi lại, họ có thể tận dụng lợi thế của việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ và đào tạo. Các doanh nghiệp này thường rất dễ mở rộng, cung cấp quyền sở hữu bán vắng mặt và ít hạn chế hơn so với nhượng quyền truyền thống. Các cơ hội kinh doanh được cấp phép phổ biến trong nhiều lĩnh vực như ô tô, dịch vụ và thực phẩm.

Cuối cùng, dù bạn lựa chọn cấp phép hay nhượng quyền, yếu tố quan trọng nhất để quyết định loại hình kinh doanh nào phù hợp với bạn là xem xét bức tranh tổng thể. Bạn có hào hứng với ý tưởng của mình không? Dự án đó sẽ phù hợp với cuộc sống của bạn? Bạn có thể kiếm được lợi nhuận tốt từ khoản đầu tư này không? Đây là những câu hỏi luôn luôn phải cân nhắc trước bất cứ dự án hay mô hình kinh doanh nào.

Thu Phương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.