Căn bệnh sai lệch báo cáo tài chính ngày càng nghiêm trọng trên TTCK
Không ngoài dự đoán của giới phân tích, trước tác động của COVID-19, mùa BCTC soát xét bán niên năm nay đã xuất hiện dày đặc những BCTC có sự chênh lệch lớn giữa các con số lợi nhuận mà doanh nghiệp tự lập và sau khi có ý kiến của kiểm toán.
Sai lệch số liệu ngày càng trầm trọng
Mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Long Giang Land - Mã: LGL) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên 2020 sau soát xét với khoản lỗ ròng đột biến lên đến 58,2 tỉ đồng, gấp 10 lần so với con số trên báo cáo tự lập.
Đáng chú ý, những khoản chi phí đã được điều chỉnh với mức giá vốn hàng bán tăng vọt 94% lên gần 99 tỉ đồng. Điều này khiến Long Giang Land lỗ gộp gần 25 tỉ đồng. Cộng với các chi phí hoạt động, công ty lỗ thuần gần 63 tỉ đồng, trong khi số lỗ trên báo cáo tự lập chỉ hơn 9 tỉ đồng.
Đây là mức chênh lệch rất lớn đối với một doanh nghiệp có mức lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ vài tỉ cho đến vài chục tỉ đồng như Long Giang Land.
Còn theo BCTC bán niên của Vinaconex (Mã: VCG), sau kiểm toán, tổng tài sản công ty sụt giảm hơn 600 tỉ đồng so với BCTC tự lập. Riêng các khoản phải thu bị điều chỉnh giảm 583 tỉ đồng; đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng cân đối bằng việc điều chỉnh giảm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty lần lượt là 370 tỉ đồng và 239 tỉ đồng.
Hay như trường hợp của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), BCTC soát xét bán niên 2020 vừa công bố cũng cho thấy mức chênh lệch số liệu lãi ròng của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh 73%, từ 55,5 tỉ đồng còn hơn 15 tỉ đồng.
Công ty này ngay sau đó cũng đã đính chính lại, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ KBC chỉ giảm 8% thay vì 73% theo như báo cáo soát xét công bố trước đó. Cụ thể, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đạt 50,9 tỉ đồng thay vì 15 tỉ đồng; ngược lại, lãi ròng của cổ đông không kiểm soát điều chỉnh giảm từ 90 tỉ đồng về 54 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp cũng cho thấy có sự sai lệch lớn giữa con số công ty tự lập và con số sau khi kiểm toán thực hiện soát xét như Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Mã: TDH), CTCP Tập đoàn Thành Nam (Mã: TNI), CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF),…
Chiều ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp giảm lỗ hoặc lãi tăng sau soát xét như Petrolimex (Mã: PLX), CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), Tân Tạo (Mã: ITA), Gỗ Trường Thành (Mã: TTF), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG),…
Hay như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG), mặc dù có ghi nhận lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ là số dương so với con số lỗ tự lập, nhưng theo Ernst & Young Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán cho HAG cho biết đã không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng để xác định được khả năng thu hồi gần 7.300 tỉ đồng các khoản nợ tồn đọng tại ngày 30/6/2020, con số này đã tăng 29% so với con số 5.670 tỉ đồng hồi đầu năm.
Đã đến lúc cơ quan quản lí phải mạnh tay hơn?
Thực tế, chất lượng BCTC của các công ty đại chúng vốn là câu chuyện đã tồn tại dai dẳng trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều năm nay.
Trước đó, báo cáo tổng kết năm 2019 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho thấy, có đến 18% doanh nghiệp đã công bố báo cáo có lợi nhuận sau thuế tại BCTC năm 2019 do doanh nghiệp tự lập chênh lệch trên 10% so với lợi nhuận sau thuế tại BCTC 2019 có kiểm toán, nhiều doanh nghiệp chênh trên 50% và đặc biệt có doanh nghiệp từ lãi chuyển sang lỗ và ngược lại.
Theo chia sẻ của kế toán trưởng một doanh nghiệp niêm yết, thời điểm tổng hợp lập BCTC quí II/2020 là những ngày "căng não" nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc lập sổ sách, bộ phận phải làm việc liên tục với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng và hơn hết là việc đàm phán với các ngân hàng để xin giản nợ, giảm lãi.
Dù vậy, theo chia sẻ của vị này, số liệu kế toán của một công ty, đặc biệt là doanh nghiệp đã niêm yết về cơ bản là rất khó có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán nếu doanh nghiệp làm đúng qui định của pháp luật về kế toán, kèm điều kiện đủ là bộ phận lập báo cáo không bị chi phối bởi ý chí của bất kì ai.
Thế nhưng, số doanh nghiệp thực hiện "đúng chuẩn" thực tế là bao nhiêu? Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư, kể cả người dân chưa tham gia vào thị trường chứng khoán.
Fiingroup, một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu về doanh nghiệp và thị trường chứng khoán mới đây cũng đã đưa ra những số liệu trích từ BCTC quí II/2020 cho thấy, chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng thấp đi.
Theo FiinGroup, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản không đến nhiều từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hoặc thu nhập thường xuyên của doanh nghiệp mà chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, thanh lí đầu tư hay thoái vốn công ty con.
Số liệu của FiinGroup cũng cho thấy, các chỉ số về khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp tiếp tục giảm sút; hệ số chi trả lãi vay đã giảm xuống mức 2,02 trong quí II/2020, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,96 trong quí II/2019.
Cảnh báo của FiinGroup gợi lên nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Làm sao thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân xem chứng khoán là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, làm sao đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng theo định hướng của Chính phủ khi mà các con số doanh thu hay lợi nhuận của các doanh nghiệp công bố quá thiếu tin cậy?
Bởi lẻ, nhà đầu tư mua một cổ phiếu công ty nào đó đều là do niềm tin, kì vọng dựa trên những phân tích, phán đoán từ nội tại doanh nghiệp và thị trường. Như vậy, dù số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính tự lập dù cao hơn hay thấp hơn so với số liệu sau soát xét đều có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, làm nhiễu thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Trong một nỗ lực mang tính cảnh báo mới đây, ngày 18/8, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định xử phạt hành chính 85 triệu đồng với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kĩ thuật TP HCM (Mã: CII) do công bố thông tin sai lệch đối với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận giữa BCTC hợp nhất quí IV/2019 so với con số năm 2019 được kiểm toán.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, UBCK cần hành động kịp thời và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ tăng cường tính công khai minh bạch, bao gồm cả việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Đồng thời, UBCK cần tăng cường năng lực quản lí, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý, liệu rằng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), với vai trò của tổ chức quản lí, giám sát về chứng khoán và TTCK hiện đã có đủ tính độc lập và công cụ để nâng cao hiệu quả quản lí, giúp thị trường phát triển tốt hơn?