HAGL có lãi sau soát xét, các khoản phải thu 'không đủ bằng chứng' tăng lên 7.300 tỉ đồng
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất bán niên năm 2020 sau soát xét với khoản lỗ trước thuế 132 tỉ đồng, tăng thêm 2 tỉ đồng so với báo cáo tự lập, bao gồm lỗ kinh doanh 62,7 tỉ đồng và lỗ khác gần 69,4 tỉ đồng.
Doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh thua lỗ do trong kì chi phí lãi vay và chi phí vận chuyển cao, bên cạnh đó trong kì HAG đánh giá các tài sản không hiệu quả làm phát sinh lỗ khác.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ ghi nhận dương 107 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với con số âm 48 tỉ đồng trong báo cáo tự lập.
Tại ngày 30/6, HAGL đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn và dài hạn với tổng giá trị 10.800 tỉ đồng, tăng 300 tỉ đồng so với thời điểm 31/12/2019.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán là Công Ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết đã không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng để xác định được khả năng thu hồi các khoản dư nợ tồn đọng tại ngày 30/6/2020 với giá trị lên đến 7.300 tỉ đồng (tăng 29% so với con số 5.670 tỉ đồng hồi đầu năm).
Giải trình về vấn đề này, Ban điều hành HAGL cho rằng mặc dù giá trị các vườn cây chưa được định giá cao do cây đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, nhưng tiềm năng tạo ra dòng tiền để trả nợ cho tập đoàn rất lớn.
"Chúng tôi tin rằng các tài sản của các công ty này đủ khả năng tạo ra dòng tiền đảm bảo khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Các số liệu định giá chỉ mang tính thời điểm và nhằm mục đích tham khảo hơn là giá trị giao dịch", đại diện HAGL cho biết thêm.
Tính đến ngày 30/6, tổng qui mô nguồn vốn của HAG là 40.275 tỉ đồng, nhưng tiền mặt chỉ còn 80 tỉ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.372 tỉ đồng. Theo Ernst & Young Việt Nam, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, do đó, kiểm toán nhấn mạnh về việc lập BCTC trên cơ sở hoạt động liên tục.
Theo giải trình của HAG, trong năm 2020, doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng cao, giá bán ổn định. Ban lãnh đạo tập đoàn đã và đang mở rộng thêm diện tích trồng chuối, kết hợp với mít, xoài, bơ, sầu riêng... khi đến tuổi thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp 'bầu Đức' cũng đang tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất. Vì vậy, tập đoàn xét thấy có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường và việc lập BCTC trên cơ sở hoạt động liên tục là hợp lí.