|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Campuchia - lối ra tiềm năng cho thị trường thép Việt Nam?

16:20 | 12/12/2018
Chia sẻ
Nhu cầu sắt thép mạnh mẽ và không ngừng tăng trưởng của ngành xây dựng Campuchia dự kiến là miếng bánh lớn cho xuất khẩu sắt thép Việt Nam.
 

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam sang thị trường Campuchia sau khi giảm 20,1% trong năm 2016 so với cùng kì năm 2015, đã tăng trở lại trong năm 2017. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt và thép sang Campuchia năm 2017 đã tăng 69,5% lên 521 triệu USD từ 307 triệu USD năm 2016.

Sang đến năm 2018, sức nóng từ nhu cầu tiêu thụ thép tại Campuchia vẫn chưa ngừng lại. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 5,78 triệu tấn thép, thu về 4,21 tỷ USD, tăng 36,4% về khối lượng và 49,6% về doanh thu so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu sắt thép sang Campuchia chiếm tỉ trọng lớn nhất, 21,4% tổng khối lượng xuất khẩu thép của cả nước. Lũy kế đến tháng 11, xuất khẩu sắt thép sang Campuchia đạt khoảng 1,24 triệu tấn, trị giá 796,71 triệu USD.

Ngoài Campuchia, Mỹ (15,2%), Indonesia (10,6%), và Malaysia (9,7%) là một trong số các nước mua thép Việt Nam nhiều nhất.

Nhu cầu mạnh mẽ từ Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại

Ông Chiv Sivpheng, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà xây dựng Campuchia, cho biết sự tăng trưởng của các dự án xây dựng nhà cao tầng ở quốc gia này đang thúc đẩy nhu cầu về thép.

“Việc sử dụng thép trong lĩnh vực xây dựng đang gia tăng và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai gần, với các công trình lớn đang được xây dựng”, ông nói.

Tăng trưởng kinh tế và thu nhập ở Campuchia đã thúc đẩy nhu cầu cao hơn về nhà ở, tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm. Trong tương lai, các nguồn cầu thép ở Campuchia được dự đoán sẽ được duy trì mạnh mẽ, ông Phou Sambath, trợ lí chủ tịch của công ty phát triển nhà ở Borey Phnom Penh Thmey, nhận định.

Theo Hiệp hội xây dựng Campuchia, trong khi có nhiều nhà cung cấp thép ở Campuchia, thép nhập khẩu từ Việt Nam có vẻ có tiềm năng hơn do thế mạnh về giá cả cũng như chi phí vận chuyển so với thép nhập khẩu từ các nước khác như Thái Lan.

Mặc dù ngành thép đã chứng kiến xuất khẩu phát triển mạnh, nhưng nó đang phải vật lộn để đối phó với các vụ kiện bảo vệ thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8, ngành này phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều quốc gia nước ngoài như Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á-Âu và Ấn Độ.

Đặc biệt, chỉ trong vòng một tuần (27/7 - 2/8), Mỹ đã mở hai cuộc điều tra về việc tránh nộp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam.

Với căng thẳng từ các vụ kiện bảo vệ thương mại gia tăng và thị trường trong nước được dự báo là có khả năng dư cung, việc tìm được nguồn cầu tại các thị trường xuất khẩu được coi là điểm sáng của ngành thép trong thời điểm này.

Minh Trí Việt