Nhiệt điện Quảng Ninh làm ăn ra sao dưới thời ông Lê Duy Hạnh?
Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.
Đại diện Công an tỉnh xác nhận đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Hạnh, hiện công an mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. Hành vi chủ yếu là lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật.
Ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Nhiệt điện Quảng Ninh
Ông Lê Duy Hạnh sinh năm 1963, về làm việc tại Nhiệt điện Quảng Ninh từ năm 2014 đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc; trước đó ông công tác tại Nhiệt điện Phả Lại từ năm 1986. Từ tháng 6/2018, ông rời vị trí Tổng giám đốc, lên làm Chủ tịch HĐQT công ty.
Năm 2018, Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu 9.018 tỉ đồng, với biên lợi nhuận gộp đạt 13,4%. Chi phí tài chính 857 tỉ đồng, trong đó 569 tỉ đồng là lãi vay, 129 tỉ đồng lỗ tỷ giá do đánh giá lại số dư vào cuối năm các năm trước phân bổ vào, lỗ tỷ giá trong năm 140 tỉ đồng. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 275 tỉ đồng, giảm hơn 61%.
Tính đến thời điểm kết thúc năm 2018, tổng tài sản của công ty đạt 12.385 tỉ đồng trong đó chủ yếu là tài sản cố định (nhà máy), ngoài ra công ty còn 1.933 tỉ đồng phải thu ngắn hạn của bên liên quan là Công ty mua bán điện.
Nợ phải trả cuối kỳ 8.270 tỉ đồng, gấp 2 lần vốn chủ. Riêng giá trị vay nợ ngắn, dài hạn lên tới 7.533 tỉ đồng; con số này giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu vay nợ chủ yếu là ngoại tệ USD, trong đó số dư khi nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng XNK Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) hơn 6.260 tỉ đồng, lãi suất hơn 5%/năm.
Lỗ lũy kế tính hết năm 2018 ở mức 500 tỉ đồng.
Báo cáo của cơ quan Kiểm toán KPMG năm 2018 nhấn mạnh, năm 2015, Nhiệt điện Quảng Ninh đã áp dụng công văn số 3003 của Bộ Tài chính về việc xử lý chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ kế toán năm của các khoản nợ phải trả dài hạn có gốc ngoại tệ tại ngày 31/12/2015 được ghi nhận vào mục "chênh lệch tỷ giá hối đoái" thay vào mục "chi phí tài chính", và được phân bổ vào chi phí năm 2015 ít nhất bằng số chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ đến hạn trả trong năm 2016 và đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh không lỗ.
Số còn lại được theo dõi và tiếp tục phân bổ trong thời gian không quá 4 năm từ 2016 – 2019. Theo ghi nhận thì con số phân bổ mỗi năm là 129 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hướng dẫn của công văn này có sự khác biệt với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 – "Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái" mà theo đó các khoản chênh lệch tỷ giá này phải được ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong năm phát sinh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong giai đoạn ông Lê Duy Hạnh làm Tổng giám đốc Nhiệt đện Quảng Ninh, công ty này phải đối mặt với việc lỗ nặng 1.326 tỉ đồng trong năm 2015. Nguyên nhân do gần 1.500 tỉ đồng lỗ tỉ giá, cộng thêm chi phí lãi vay gần 900 tỉ đồng.
BM tổng hợp
BM tổng hợp
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh được thành lập năm 2002 với 5 cổ đông sáng lập gồm Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty cơ khí Xây dựng (COMA), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).
Công ty hiện có vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng, với nhóm cổ đông mới gồm Genco 1 (42%), Nhiệt điện Phả Lại (16,35%), SCIC (11,42%), Điện lực TKV(10,62%), REE (9,35%) và cổ đông khác... Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất điện gần 6,7 tỉ kWh mỗi năm, năm 2018 đạt 6,11 tỉ kWh.
BM tổng hợp
Tháng 3/2017, công ty chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã cổ phiếu QTP.