Cách tạo thương hiệu mạnh của Tân Hiệp Phát, Vingroup, TH True Milk
Sáng 7/9, Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Làm gì để có thương hiệu mạnh". Những người tham dự buổi tọa đàm là chuyên gia, học giả có nhiều công trình nghiên cứu về thương hiệu trong và ngoài nước.
Bên cạnh chuyên gia và học giả, nhiều người đại diện doanh nghiệp cũng đã góp ý kiến. Bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát đã chia sẻ về cách mà tập đoàn này đang xây dựng thương hiệu trong thời kì bùng nổ công nghệ.
Nữ doanh nhân nói Tân Hiệp Phát đã đầu tư rất nhiều tiền cho truyền thông với người tiêu dùng. Việc thay đổi nhận thức của khách hàng, thay đổi nhận thức cho xã hội chính là những những hành động tạo ra giá trị cho Tân Hiệp Phát.
Cũng theo bà Phương, trong ngành nước giải khát với đặc thù phục vụ cả chục triệu khách hàng, truyền thông hiệu quả nhất chính là việc cần ưu tiên. Trong 30 giây, khách hàng cần phải hiểu thông điệp mà chiến dịch truyền thông đưa ra.
"Đối với ngành marketing, để ra một quảng cáo chúng tôi tốn khoảng 6 tháng. Chi phí để phát quảng cáo có thể còn lớn hơn gấp 10 lần", bà Phương phát biểu.
Bà Uyên Phương tiết lộ rằng để sản xuất một TVC cần rất nhiều thời gian và tiền. Ảnh: Lê Quý
Chính việc phải đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc cho một chiến dịch truyền thông, Tân Hiệp Phát đã phải cân nhắc kĩ, không lãng phí dù chỉ một giây bởi chi phí phát trên truyền hình là rất lớn.
Không chỉ đầu tư cho truyền thông, theo lời bà Phương, Tân Hiệp Phát cũng đã bỏ ra tới 300 triệu USD trong 10 năm qua để phát triển dây chuyền và công nghệ sản xuất hướng nước giải khát có lợi cho sức khỏe, thay vì những đồ uống có gas.
Ngoài ra, bà Phương cũng nói thêm việc đầu tư hướng tới cộng đồng nhưng vẫn khiến mọi người nhớ đến chính là chìa khóa. Tân Hiệp Phát từng đang đầu tư cho các hoạt động thể thao, bởi đây là những hoạt động tạo ra nhu cầu giải khát rất cao.
Kết thúc phần chia sẻ, đại diện Tân Hiệp Phát cũng thể hiện sự khao khát đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, thương hiệu nước nhà.
"Chúng tôi khao khát có một thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt có thể tồn tại hàng trăm năm và Tân Hiệp Phát rất mong muốn có thể tiến tới doanh nghiệp 100 năm", bà Phương kết luận.
Ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Vingroup chia sẻ rằng quan điểm về thương hiệu đã có sự khác biệt so với thời gian trước. Thương hiệu không phải là một logo, khẩu hiệu mà là những thứ có thể lưu lại trong tâm trí khách hàng đối với một sản phẩm.
"Để xây một căn nhà như Vinhomes đang xây, rất nhiều doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để cho nhân viên an ninh, người quét dọn cho tới lễ tân có cách phục vụ khiến khách hàng cảm thấy tôn trọng và họ chốt mua luôn lại là điều rất khó", ông Hiệp nói thêm.
Phó chủ tịch Vingroup cũng bày tỏ mong muốn đưa thương hiệu của Vingroup gần gũi hơn với người dân. Ông cũng cho rằng Honda đã làm tốt điều đó khi người dân một số vùng gọi xe máy là "xe Honda".
"Làm thế nào để người ta hình dung đi xe ô tô là lái xe VinFast", ông Hiệp nhấn mạnh.
Bà Hằng, trưởng ban truyền thông của TH True Milk, nói rằng xuyên suốt quá trình hoạt động của tập đoàn, thương hiệu định hình từ 6 chữ: nghiêm túc, chân chính, kiêu hãnh.
Bà Hằng, trưởng ban truyền thông TH True Milk, cho rằng từng nhân viên đang xây dựng nên văn hóa của TH. Ảnh: Lê Quý
"Chúng tôi muốn đưa thương hiệu TH sánh ngang những thương hiệu trên trường quốc tế. Khi nhắc tới Nhật, người ta nghĩ tới Sony. Nghĩ tới Đức, người ta nghĩ ngay BMW. Nhắc đến Việt Nam, phải là thương hiệu TH", bà Hằng phát biểu.
Cũng theo bà Hằng, từng nhiên viên đều cấu thành nên thương hiệu TH. Dù còn làm tại TH hay không, người đó cũng đóng góp, xây dựng nên văn hóa thương hiệu đó.
"Khi nhìn vào một thương hiệu, người ta chú ý tới văn hóa ứng xử của thương hiệu đó", bà Hằng kết luận.