|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sabeco, Tân Hiệp Phát…, cứ M&A là phải thông báo

20:07 | 27/05/2019
Chia sẻ
Có doanh thu trên dưới 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản trên 2.000 tỉ đồng nên các doanh nghiệp trong ngành bia - rượu - nước giải khát như Sabeco, Habeco, Tân Hiệp Phát hay Suntori Pepsico… nếu có bất cứ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nào cũng phải thông báo đến cơ quan quản lý để được thực hiện hoặc cấm.
Sabeco, Tân Hiệp Phát…, cứ M&A là phải thông báo - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đang xây dựng cơ sở dữ liệu với danh sách các doanh nghiệp lớn trong ngành để làm cơ sở theo dõi hoạt động mua bán, sáp nhập. Ảnh minh họa là xe chở các sản phẩm của Sabeco lưu thông trên đường. Sabeco là một doanh nghiệp có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: Minh Tâm.

Các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco, Tân Hiệp Phát… kể trên được xác định là công ty dẫn đầu thị trường theo chỉ số VNR 500.

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Phòng kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý đang xây dựng cơ sở dữ liệu với danh sách các doanh nghiệp có doanh thu, tổng tài sản lớn, trên 2.000 tỉ đồng. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng theo dõi hoạt động TTKT (bao gồm các hoạt động M&A, mua lại…) của các doanh nghiệp.

“Nghĩa là, khi một doanh nghiệp trong danh sách này thực hiện bất kỳ giao dịch nào về M&A cũng đều phải thông báo TTKT đến cơ quan quản lý”, bà Lan nói.

Vì sao doanh nghiệp phải thông báo về M&A?

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đề xuất ngưỡng thông báo TTKT, dựa trên tiêu chí về tổng tài sản, tổng doanh thu bán ra… trong dự thảo nghị định quy định một số chi tiết Luật Cạnh tranh (2018).

Cụ thể, theo điều 13 dự thảo nghị định, các doanh nghiệp dự định tham gia TTKT phải thông báo cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia trước khi thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 2.000 tỉ đồng trở lên.

Thứ hai, giá trị giao dịch từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

Thứ ba, tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết đạt 2.000 tỉ đồng trở lên.

Thứ tư, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thông báo TTKT.

Lưu ý, doanh thu hay tổng tài sản chỉ được tính cho một bên tham gia TTKT, đó là bên mua.

Cũng theo dự thảo, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo TTKT đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban cạnh tranh quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ, trong đó cho phép doanh nghiệp thực hiện hoạt động M&A hoặc phải thẩm định chính thức.

Nếu kết thúc 30 ngày mà Ủy ban cạnh tranh quốc gia chưa ra thông báo thẩm định sơ bộ thì doanh nghiệp được tự động thực hiện.

Theo bà Lan, dự thảo này đang trình Chính phủ và không có gì thay đổi thì sẽ được ban hành trước ngày 1-7-2019 để kịp thời điểm mà Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực.

Doanh nghiệp có thêm áp lực và trách nhiệm

Các đề xuất về ngưỡng thông báo TTKT kể trên đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các luật sư, chuyên gia tại Hội thảo “Thực trạng và pháp luật kiểm soát TTKT trong lĩnh vực bia - rượu - nước giải khát” diễn ra ngày 27-5 tại TPHCM.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật LTN & Partners cho rằng, với ngưỡng 2.000 tỉ đồng thì sẽ có rất nhiều giao dịch vướng vào việc phải thực hiện thông báo TTKT. Điều này, tạo ra áp lực thẩm định cho cơ quan chức năng và trách nhiệm tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp.

“Nếu cùng một lúc, Ủy ban cạnh tranh quốc gia nhận được từ 10 đến 20 bộ hồ sơ thông báo TTKT để thẩm định thì liệu Cục có đủ nhân sự để thực hiện hiện?”, ông Tuấn đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc giữa việc xem xét được càng nhiều vụ càng tốt với việc tập trung vào những vụ quan trọng. Đó là chưa kể, đến thời điểm hiện tại, thành phần của Ủy ban cạnh tranh quốc gia còn chưa rõ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì băn khoăn về việc doanh nghiệp được tự động thực hiện hoạt động TTKT sau thời hạn 30 ngày mà Ủy ban cạnh tranh quốc gia chưa ra thông báo thẩm định sơ bộ.

Theo ông Sơn, thực tế thực hiện cho thấy, các công ty có hoạt động M&A thường đợi thủ tục về TTKT xong thì sẽ thực hiện thay đổi thông tin doanh nghiệp. Trong trường hợp không có tờ giấy xác nhận của cơ quan chức năng về việc không thuộc hành vi TTKT bị cấm thì chắc chắn sở kế hoạch và đầu tư địa phương không cho thực hiện.

Cũng theo ông Sơn, với những yêu cầu về bộ hồ sơ thông báo TTKT theo Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị “cực hơn” rất nhiều so với trước đây. Lâu nay, chỉ có một căn cứ là báo cáo thị phần, tức phải phân tích được thị trường liên quan mà doanh nghiệp đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức thực hiện, nhất là trong bối cảnh số liệu và tiêu chuẩn của số liệu là một khó khăn không dễ vượt qua…

Ông Lê Quang Lân, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận, những con số về ngưỡng thông báo TTKT trong dự thảo không bao quát hết. Tuy nhiên, cần thời gian áp dụng thực tế để xem xét. Nếu con số này thấp quá, thực thi không được thì cơ quan quản lý sẽ đề xuất sửa.

Về việc xác định thị phần, thị trường liên quan trong bối cảnh số liệu tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, ông Lân cho rằng, doanh nghiệp có quyền đưa ra những con số của mình và cơ quan quản lý cũng vậy. Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ là nơi đưa ra quyết định cuối cùng. Và nếu doanh nghiệp không đồng ý thì có quyền kiện lên tòa án để giải quyết.

Minh Tâm